Đây là chia sẻ của ông Lê Văn Nguyên, chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh tranh thêu Xuân Nguyên (Thường Tín) tại Hội thảo “Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp – thực trạng và các giải pháp hỗ trợ”, ngày 27/06/2017.

"Ngại" nhất là thủ tục hành chính

Phát biểu tại hội thảo, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI cho biết, để khuyến khích hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển lên doanh nghiệp, trong những năm Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ. Đặc biệt, chính sách khuyến khích này được Chính phủ thể hiện rõ rệt tại Nghị quyết 35 của Chính phủ và Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa vừa được Quốc hội thông qua.

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn nhiều hộ kinh doanh, mặc dù đã phát triển tới một quy mô tương đối, nhưng vẫn không muốn chuyển lên mô hình doanh nghiệp.

Nói về các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, cách đây 10 năm, tháng 10/2007, đã có cuộc khảo sát hộ kinh doanh tại Bắc Ninh, hầu hết các hộ kinh doanh đều nhận thức được vấn đề, lợi ích khi chuyển từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các hộ kinh doanh cũng cho biết, khi chuyển lên doanh nghiệp họ sẽ khó tìm được kế toán trưởng (66%), phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường, giảm tiếng ồn, phòng cháy nổ (68%) và 55% cho rằng phải nộp thuế nhiều hơn.

“Điều đáng nói, sau 10 năm, CIEM làm một cuộc điều tra tương tự đối với cả hộ kinh doanh và các doanh nghiệp, cả hai đối tượng này đều có nhận thức gần như nhau về các bất lợi hiện nay khi lên doanh nghiệp”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Đưa số liệu cụ thể, ông Hiếu cho biết, có đến trên 80% doanh nghiệp và khoảng 60% hộ kinh doanh cho rằng khó khăn về nhiều thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp và khó khăn hơn; chi phí cho quản lý tài chính, kế toán cao hơn; chịu nhiều ràng buộc bởi quy định pháp luật về tổ chức quản lý doanh nghiệp. Gần 80% doanh nghiệp cho rằng chịu sự kiểm tra, thanh tra nhiều hơn.

“Như vậy, cả hộ kinh doanh cũng như doanh nghiệp đang phải chịu tác động đáng kể từ những thủ tục hành chính, kế toán, chứng từ và các quy định kinh doanh”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Hộ kinh doanh sợ nhất là thủ tục hành chính

Đại diện cho các hộ kinh doanh, ông Lê Văn Nguyên, chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh tranh thêu Xuân Nguyên (Thường Tín) nói lên nỗi lòng của mình: “Cũng như nhiều hộ kinh doanh khác, bản thân tôi đều mong muốn lên doanh nghiệp để phát triển sản xuất, nhưng quả thực con đường đi lên doanh nghiệp hiện nay còn nhiều khó khăn. Trong đó trở ngại lớn nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến thuế.

Ông Nguyên cũng cho biết: “hộ kinh doanh tồn tại vì một người làm được nhiều việc, chứ phát triển như doanh nghiệp phải có nhân lực cho hệ thống kế toán, chứng từ..., thì chúng tôi lo sẽ vỡ nợ trước khi thành công. Bản chất hộ kinh doanh không có chuyên môn về thuế, thị trường, lên doanh nghiệp rồi suốt ngày lo lắng sai về thủ tục thuế má, kiểm tra thủ tục hành chính..., thì làm sao tập trung phát triển thị trường, kinh doanh, như vậy mất đi mục tiêu lớn là kinh doanh để sinh lời”.

Một đại diện khác cho hộ kinh doanh, ông Đỗ Hồng Chiêu, Chủ cơ sở sản xuất thuộc địa bàn cụm công nghiệp làng nghề xã Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội cho biết, Hội Sơn Mài tại đây có hơn 100 hội viên, nhưng chỉ có hơn 10 doanh nghiệp, còn lại là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Trong số này, nhiều hộ kinh doanh muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp để mở rộng sản xuất kinh doanh.

"Tuy nhiên, vướng mắc họ gặp phải là thị trường. Từ năm 2008, tình hình trong nước và quốc tế diễn biến phức tạp, khó khăn nhiều hơn, thị trường bị thu hẹp. Công việc thất thường nên nhiều doanh nghiệp phải giải thể, song song với đó là nhiều hộ kinh doanh không "lên" doanh nghiệp được", ông Đỗ Hồng Chiêu cho biết thêm.

Còn theo ông Đỗ Hồng Chiêu, vấn đề đáng ngại khác với hộ kinh doanh khi chuyển lên doanh nghiệp là cần quá nhiều giấy tờ, sổ sách. Với hộ kinh doanh hay doanh nghiệp, thì vấn đề mấu chốt là đưa được sản phẩm ra thị trường, bán hàng có lãi, chi trả được lương công nhân, nhưng hai loại hình này khác nhau về thủ tục.

Ngoài ra, ông Chiêu cũng cho biết, việc đóng thuế tăng thêm cũng khiến các hộ kinh doanh e ngại. Bởi, “hiện tại ngành thuế đang tận thu. Cứ nơi nào có nghề, có kinh doanh là các cán bộ thuế đến ngay”, ông Chiêu cho biết.

Khuyến khích bằng "đòn bẩy kinh tế" hơn là "mệnh lệnh hành chính"

Để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu cho biết, cần dùng các "đòn bẩy kinh tế" hơn là các "mệnh lệnh hành chính", tạo môi trường kinh doanh đơn giản, hợp lý và phù hợp với quy mô và tính chất kinh doanh để hộ kinh doanh sau khi chuyển đổi phải phát triển bền vững chứ không phải là “chết yểu”.

Ông Hiếu cho rằng, doanh nghiệp và nhà kinh doanh “khôn” hơn những người làm chính sách, vậy nên chỉ cần có chính sách tốt họ sẽ nhận thấy lợi ích lâu dài khi chuyển đổi thành doanh nghiệp và sẽ tự động chuyển đổi.

Hiện tại, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ có hiệu lực từ năm 2018 cũng có một số chính sách ưu tiên cho hộ kinh doanh chuyển đổi lên thành doanh nghiệp song vẫn cần tạo môi trường kinh doanh đơn giản, hợp lý và phù hợp với quy mô và tính chất kinh doanh.

Cùng với đó, việc cần làm ngay lập tức, không chần chừ là sửa đổi quy định về kế toán, nộp thuế phù hợp với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ví dụ không bắt buộc phải tổ chức bộ máy kế toán, chỉ cần bố trí người làm kế toán, khuyến khích chủ doanh nghiệp tự ghi chép.

Ngoài ra, ông Hiếu cũng cho rằng: "Cần rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật để bãi bỏ các quy định tạo cản trở, các địa phương. Nếu muốn tạo động lực cho hộ kinh doanh chuyển lên thành doanh nghiệp, cần phân loại hộ kinh doanh thành các nhóm kinh doanh để có cơ chế phù hợp”.

Về phía hộ kinh doanh, ông Lê Văn Nguyên đề xuất, Nhà nước nên có chính sách giảm nhẹ thủ tục hành chính, nhất là đối với việc thu thuế. Bởi cả hộ kinh doanh, doanh nghiệp và Nhà nước phải mất rất nhiều chi phí cho việc thu thuế. Doanh nghiệp mất nhiều thời gian, mất tiền vào việc đối phó với chứng từ để nộp thuế còn nhà nước mất nhân công, thời gian cho người thu tiền thuế. Khoảng trống đó đã thiệt hại cho tất cả các bên.

Còn ông Đỗ Hồng Chiêu thì mong muốn có chính sách hỗ trợ tốt để hộ kinh doanh chuyển đổi nhất là về mặt bằng sản xuất. Bên cạnh đó, ông Bình cũng kiến nghị, Nhà nước cần có những hỗ trợ phù hợp với các ngành nghề bằng cách tổ chức các hội nghị, tọa đàm để tìm hiểu rõ hơn về nhu cầu của hộ kinh doanh trong từng ngành nghề, từ đó có chính sách hỗ trợ./.