Kinh tế tư nhân: Chưa phát triển như đúng kỳ vọng

Theo số liệu thống kê trong báo cáo đề dẫn hội thảo “Phát triển kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới”, ngày 13/04/2017 cho thấy, kinh tế tư nhân sử dụng 85% lực lượng lao động trong nền kinh tế, có tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2003-2015 là 10,2%/năm, đóng góp khoảng 39-40% GDP của đất nước. Bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn và đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, kinh tế tư nhân chưa phát triển theo đúng kỳ vọng của Đảng và Nhà nước, chưa thật sự trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế. Trong kinh tế tư nhân, kinh tế hộ vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Năm 2015, trong đóng góp 39,21% GDP, hộ kinh doanh đóng góp 31,33%, doanh nghiệp đóng góp 7,88%.

Trong kinh tế tư nhân chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Còn trong doanh nghiệp tư nhân, thì doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm đến 97%. Trình độ quản trị, năng lực tài chính, năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh thấp, chủ yếu tham gia ở phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp, năng lực hội nhập quốc tế hạn chế.

Khu vực này phát triển cũng chưa ổn định, bền vững. Tốc độ tăng trưởng giảm (Giai đoạn 2003-2010: 11,93%, năm 2011-2015: 7,54%). Tỷ lệ doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động cao.

Cơ cấu ngành nghề của doanh nghiệp tư nhân chưa hợp lý. Hơn 80% doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Chỉ có hơn 10% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và khoảng 1% doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tình trạng vi phạm pháp luật, cạnh tranh không lành mạnh trong kinh tế tư nhân khá phổ biến. Tình trạng sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm diễn ra nghiêm trọng, phức tạp…

Bên cạnh đó, khả năng hội nhập quốc tế của khu vực kinh tế tư nhân cũng không cao (chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia được chuỗi cung ứng toàn cầu), nếu tham gia vào chuỗi giá trị thì cũng chỉ ở công đoạn thấp. Ngoài ra, kinh tế tư nhân còn ít gắn kết với đổi mới, sáng tạo, thể hiện ở trình độ công nghệ thấp và thiếu đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo.

7 nhóm giải pháp để phát triển kinh tế tư nhân

Trước những thực trạng trên, để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành soạn thảo Đề án “Phát triển kinh tế tư nhân, bảo vệ sản xuất trong nước và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam”. Hiện tại, Đề án này đang được trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

Mục tiêu của Đề án là nhằm phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Trong đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động; Đến năm 2025 là khoảng 1,5 triệu và đến năm 2030 khoảng 2 triệu doanh nghiệp. Tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân trong GDP năm 2020 đạt khoảng 50% và năm 2035 đạt khoảng 60-65%.

Đồng thời, thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp với nhóm dẫn đầu của khối ASEAN (ASEAN-4); Số lượng doanh nghiệp của khu vực tư nhân có đổi mới, sáng tạo và tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, trên cơ sở các giải pháp phát triển kinh tế tư nhân tại Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII, Đề án đã cụ thể hóa và kiến nghị 07 nhóm giải pháp trọng tâm bao gồm:

(1) Sửa đổi các quy định bất hợp lý đang làm gia tăng thủ tục hành chính và chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp trong tất cả các khâu từ khởi sự đến xây dựng cơ sở kinh doanh, tiếp cận các hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh thiết yếu phục vụ kinh doanh, vận hành hoạt động kinh doanh và lưu thông hàng hóa và dịch vụ.

(2) Khẩn trương ban hành và thực hiện có hiệu quả các quy định hướng dẫn Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được Quốc hội thông qua, trong đó chú trọng đến các hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo; Hỗ trợ tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực phát triển kinh doanh; Hỗ trợ nâng cao khả năng tham gia các liên kết, chuỗi giá trị thông qua tăng cường năng lực sản xuất của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo và hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.

(3) Đẩy mạnh cải cách và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thực chất và hiệu quả để tạo cơ hội phát triển cho kinh tế tư nhân. Khuyến khích hơn nữa kinh tế tư nhân tham gia góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa hoặc Nhà nước thoái vốn.

(4) Tiếp tục phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường để tạo môi trường tốt cho kinh tế tư nhân phát triển. Tiếp tục nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước, xây dựng hệ thống chính quyền kiến tạo, phục vụ cộng đồng kinh doanh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước với bộ máy tinh gọn, chuyên nghiệp và đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm và đạo đức công vụ cao.

(5) Tăng cường vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hiệp hội ngành nghề. Có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, hiệp hội ngành nghề hoạt động đúng với mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của mình là bảo vệ, hỗ trợ cho các thành viên phát triển.

(6) Ban hành quy định và chính sách khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển thành doanh nghiệp theo nguyên tắc thuận lợi nhất về thủ tục chuyển đổi; Tối thiểu hóa chi phí tuân thủ phát sinh do chuyển đổi mô hình, trước hết là chi phí tuân thủ về tổ chức quản trị, về chế độ kế toán và về chi phí thuế.

(7) Hỗ trợ nâng cao năng lực của kinh tế tư nhân thông qua cơ chế khuyến khích áp dụng các mô hình quản lý, quản trị hiện đại, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn. Tăng cường hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ doanh nhân, tạo điều kiện hình thành những doanh nhân có năng lực, có đạo đức nghề nghiệp, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và giàu lòng yêu nước.

Để tiếp tục triển khai nhiệm vụ xây dựng Đề án, tại Tờ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục hoàn thiện Đề án theo hướng kết hợp, lồng ghép với nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 03/06/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa./.