Điều kiện kinh doanh không bị mất đi, mà được đưa sang một dạng khác

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được công bố mới đây cho thấy, trong 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hiện có tổng số 5.719 điều kiện kinh doanh.

Trong đó, nhiều nhất là Bộ Công Thương với 27 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý, 1.220 điều kiện kinh doanh. Ít nhất là Bộ Xây dựng với 17 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, 106 điều kiện kinh doanh.

Đáng chú ý, VCCI cho biết, giấy phép kinh doanh giờ tinh vi hơn như thủ tục thương mại, văn bản chấp thuận tuyến vận tải, văn bản chấp thuận của nhà sản xuất. Đặc biệt, hiện có nhiều loại quy hoạch ngành như một loại giấy phép. Loại này thường không có trình tự, không có hồ sơ.

Điều này cũng trùng với nghiên cứu trước đó của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), khi Viện này cho biết, mặc dù có 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, song tương ứng mỗi ngành nghề kinh doanh này lại có một hệ thống hàng trăm các điều kiện “con, cháu, chắt” khác.

Các giấy phép con vẫn "hành" doanh nghiệp

Trong khi đó, cách đây hơn 1 năm, khi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, chiến dịch cắt giảm điều kiện kinh doanh được tiến hành. Trên lý thuyết, nhiều giấy phép con được bãi bỏ. Tuy nhiên, trên thực tế có bao nhiêu điều kiện kinh doanh bị cắt bỏ?

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM nhìn nhận thẳng: “Không có cái nào bị cắt bỏ cả”. Ông Hiếu giải thích, trong quá trình rà soát 50 nghị định, những điều kiện kinh doanh không thống nhất được thì người ta có xu hướng chuyển sang tiêu chuẩn, quy chuẩn, có nghĩa là điều kiện kinh doanh đó không mất đi mà được đưa sang một dạng khác.

Nhận định về vấn đề này, tại Hội thảo “Điều kiện kinh doanh 2017, ngày 15/06, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI cho biết, cải cách về điều kiện kinh doanh càng đi càng rối, càng cải cách, thì càng không đạt được mục tiêu.

“Bởi, điều kiện kinh doanh bây giờ phức tạp và tinh vi hơn trước, thậm chí có những điều kiện có xu hướng áp đặt cứng nhắc các tiêu chí không phù hợp như phải sở hữu hệ thống hạ tầng quá lớn, lãnh đạo phải có bằng cấp… Chúng nằm rải rác với nhiều hình thức và tên gọi khác nhau”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Chính phủ hành động

Trong phiên họp báo thường ký Chính phủ tháng 07/2017 mới diễn ra ngày 03/08, một vấn đề được Thủ tướng Chính phủ đặt ra là rà soát lại hàng rào "giấy phép con" nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Thủ tướng giao Bộ Tư pháp có ý kiến về danh mục các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản khác có quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh (nếu có) tại các báo cáo nói trên, gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/08/2017, trong đó có kiến nghị phương án xử lý cụ thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đây là một tín hiệu vui dành cho cộng đồng doanh nghiệp. Điều này đã cho thấy, Chính phủ đã phần nào lắng nghe doanh nghiệp khi tại Diễn đàn Doanh nghiệp tư nhân mới đây, 65% doanh nghiệp cho biết điều họ mong muốn nhất là Chính phủ hành động, còn 24% chọn “liêm chính” và 11% chọn “kiến tạo”.

Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn vẫn quan ngại rằng việc giao cho các bộ, ngành tự rà soát sẽ không hoàn toàn khách quan và không hiệu quả.

Theo đó, để việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh đi vào thực chất, ông Tuấn cho rằng, cùng với việc các bộ ngành tự rà soát, cần một cơ quan tham mưu độc lập có thể đưa bài toán quản lý so sánh với những trở ngại kinh doanh đối với doanh nghiệp để đề xuất phương án phù hợp nhất.

Ngoài ra, ông Đậu Anh Tuấn đề xuất cần phải có thêm nhiều cuộc thảo luận công khai, tạo cơ hội cho doanh nghiệp - đối tượng chịu tác động trực tiếp của đăng ký kinh doanh được thể hiện quan điểm, phản hồi về những bất cập, khó khăn.

Cùng chung quan điểm trên, ông Phan Đức Hiếu cũng kiến nghị, không chỉ cần “cắt xén” điều kiện kinh doanh mà cũng cần thành lập một cơ quan độc lập có chức năng độc lập “chặt chém” các điều kiện không phù hợp, như: Anh, Hàn Quốc… đã làm.

“Năm 1980, Thụy Điển đã ban hành một đạo luật cắt xén, giúp bãi bỏ hàng trăm quy định không được đăng ký. Chính phủ nước này cho thời gian ba tháng để các bộ, ngành đăng ký lại điều kiện kinh doanh qua Ủy ban rà soát, nếu không kịp đăng ký, đăng ký thiếu, quy định đó sẽ hết hiệu lực. Điều này cho thấy đâu đó gợi lên một cách làm mới. Nhưng chúng ta có dám làm như vậy không”, ông Hiếu dẫn chứng./.

Tham khảo từ một số nguồn tin:

Thu Hương (2017). Hơn 5.000 giấy phép con: Chính phủ hành động, truy cập từ http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Hon-5000-giay-phep-con-Chinh-phu-hanh-dong/313193.vgp

Phạm Dương (2017). Mạnh tay với giấy phép con: Nhổ “đinh” dưới thảm, truy cập từ http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/manh-tay-voi-giay-phep-con-nho-dinh-duoi-tham-20170806215154256.htm