Ngày 06/08, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã họp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Tư pháp và Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp để cho ý kiến về việc xây dựng Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước phải bán.

Năm 2017 sẽ thoái vốn tại 161 doanh nghiệp

Phát biểu tại buổi làm việc Thứ trưởng Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, Quyết định số 58/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước và Quyết định số 707/QĐ-TTg về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước trọng tâm là các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2016-2020 đều giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện bán vốn giai đoạn 2017- 2020.

Từ đầu năm đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát và lấy ý kiến đủ các bộ, địa phương để lập danh mục theo nguyên tắc: Đối tượng rà soát là công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên có vốn nhà nước (không rà soát doanh nghiệp cấp 2 trở xuống); xác định tỷ lệ thoái vốn hàng năm căn cứ tiêu chí doanh nghiệp nhà nước tại Quyết định số 58 của Thủ tướng và lộ trình thoái vốn hàng năm theo Chỉ thị số 24 của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng ngành, lĩnh vực trong năm 2017 và Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020.

Sẽ có 436 doanh nghiệp thoái vốn nhà nước trong giai đoạn 2017-2020

Tới nay, việc Thủ tướng Chính phủ chuẩn bị ban hành một Danh mục tổng thể doanh nghiệp nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017- 2020 có chia theo từng năm là cần thiết, nhằm bảo đảm thu từ thoái vốn để bố trí cho các dự án đầu tư trung hạn, là công cụ theo dõi, đôn đốc và giám sát tình hình triển khai bán vốn tại các bộ, địa phương, đẩy nhanh tiến độ thoái vốn.

Cụ thể, theo Dự thảo Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước, giai đoạn 2017-2020 sẽ có 436 doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn. Trong đó, năm 2017 thoái vốn tại 161 doanh nghiệp; năm 2018: 185 doanh nghiệp; năm 2019: 65 doanh nghiệp; năm 2020: 25 doanh nghiệp.

Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp, trong 6 tháng cả nước đã thực hiện bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại 22 doanh nghiệp với tổng giá trị theo sổ sách là 666,8 tỷ đồng (bằng 76,5% so với cùng kỳ năm 2016), thu về 11.589,3 tỷ đồng (bằng 314,11% so với cùng kỳ năm 2016).

Cũng theo dự thảo, trong năm 2017, trung bình mỗi bộ, ngành địa phương có từ 1-4 doanh nghiệp thoái vốn. Tổng số tiền thoái vốn năm 2017 là 60.000 tỷ đồng. Một số bộ, địa phương có số doanh nghiệp cần thoái vốn nhiều là: Bộ Công thương 4 doanh nghiệp; Bộ Giao thông vận tải 7 doanh nghiệp, Bộ Xây dựng 9 doanh nghiệp, UBND TP. Hà Nội 17 doanh nghiệp; Bắc Giang 11 doanh nghiệp, Bình Định 9 doanh nghiệp; Nghệ An 6 doanh nghiệp...

Các doanh nghiệp bộ, ngành địa phương chuyển về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để tiến hành thoái vốn là 11 doanh nghiệp. Trong đó, có một số doanh nghiệp lớn sẽ thoái vốn, như: Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ thoái 20% vốn điều lệ. Tổng công ty Sông Hồng thoái 35% vốn điều lệ; Tổng công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng (DIC) thoái 49,65% vốn điều lệ, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội 47,8%...

Riêng năm 2018, địa phương thoái vốn nhiều nhất vẫn là Hà Nội với 17 doanh nghiệp. Đáng lưu ý trong năm này là số doanh nghiệp chuyển về SCIC để thoái vốn cao hơn với 48 doanh nghiệp. Năm 2018, có rất nhiều doanh nghiệp quy mô lớn tiến hành thoái vốn như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam thoái với tỷ lệ 24,86%; Tổng công ty CP Xây dựng công nghiệp Việt Nam: 16,75%; Tổng công ty Hàng không Việt Nam: 15,16%; Tổng công ty CP Sông Hồng: 38%; Tổng công ty Lắp máy Việt Nam 46,88%...

Sabeco, Habeco, doanh nghiệp quân đội... thoái theo phương án riêng

Theo dự thảo, có nhiều đơn vị thực hiện thoái vốn theo phương án riêng, không đưa vào danh mục này. Đó là các công ty nông, lâm nghiệp và các công ty thành viên của tập đoàn kinh tế, tổng công ty chưa thực hiện cổ phần hóa; doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, SCIC, Tổng công ty Bia -Rượu - Nước giải khát Hà Nội, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, Bệnh viện Giao thông vận tải, Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam, Công ty Đầu tư Tháp truyền hình Việt Nam và các doanh nghiệp khác có danh sách kèm theo.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng số doanh nghiệp còn vốn nhà nước (không tính doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, UBND TP. Hồ Chí Minh, Tổng Công ty SCIC, các doanh nghiệp bán vốn theo Quyết định riêng của Thủ tướng) là 375 doanh nghiệp với tổng vốn khoảng 108.502 tỷ đồng (tính theo mệnh giá). Tổng số vốn dự kiến thoái từ năm 2017- 2020 theo mệnh giá là 64.457 tỷ đồng.

Để đạt kết quả theo danh mục được phê duyệt, Dự thảo cũng quy rõ trách nhiệm cho các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND cấp tỉnh. Theo đó, bên cạnh việc thực hiện nghiêm quy định, các “tư lệnh” này còn có quyền điều chỉnh sớm tiến độ và tăng tỷ lệ thoái vốn so với tỷ lệ tối thiểu hàng năm đã được phê duyệt; bổ sung thêm doanh nghiệp thực hiện thoái vốn sớm hơn nhưng cần đảm bảo hiệu quả. Đặc biệt, tỷ lệ thoái và tổng số thu từ thoái vốn vào cuối kỳ đạt đúng theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự thảo cũng nêu rõ, trong điều kiện thị trường không thuận lợi, tính đặc thù khách quan của từng bộ, ngành, UBND cấp tỉnh dẫn đến việc không thể thực hiện thoái vốn theo kế hoạch, bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, trước ngày 25 tháng cuối của quý và trước ngày 25/12 hàng năm, các đơn vị này phải gửi báo cáo về tình hình triển khai thực hiện đến Bộ Tài chính để tổng hợp, theo dõi. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có trách nhiệm hàng năm thực hiện rà soát và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020 cho phù hợp.

Cho ý kiến vào dự thảo Quyết định của Thủ tướng về Danh mục này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết với những doanh nghiệp có vốn Nhà nước lớn như Habeco, Sabeco, SCIC, PVN, EVN, ACV... thì Thủ tướng Chính phủ sẽ có Quyết định riêng về cổ phần hoá, bán vốn Nhà nước. Số doanh nghiệp nhà nước còn lại cần thiết phải được tập hợp đầy đủ trong một Danh mục cần bán vốn để công khai cho các nhà đầu tư biết, tính toán lựa chọn sở trường để đầu tư.

Phó Thủ tướng cũng đồng tình với dự thảo khi quy định tỷ lệ bán vốn từng năm (tỷ lệ tối thiểu), nhưng không “đóng băng” tỷ lệ này mà khuyến khích bộ, địa phương tăng tỷ lệ và đẩy nhanh tiến độ bán vốn theo tình hình thị trường.

“Quy định danh mục doanh nghiệp bán vốn và tỷ lệ bán vốn hàng năm từ nay tới năm 2020 để đánh giá cụ thể và ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu bộ ngành, địa phương. Nếu không làm được thì phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tài chính rà soát, tính toán số lượng doanh nghiệp nhà nước, số vốn cần thoái của doanh nghiệp nhà nước tới năm 2020 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2017./.