Ngày 17/08, Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xây dựng mô hình hợp tác xã hiệu quả gắn với chuỗi giá trị”.

3.584 hợp tác xã giải thể và chờ giải thể

Theo thống kê của Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay cả nước có khoảng 19.569 hợp tác xã. Doanh thu bình quân của một hợp tác xã năm 2016 đạt 3.017 triệu đồng/HTX, tăng 498,3 triệu đồng (tăng 19,8%) so với năm 2013.

Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2016, số hợp tác xã giải thể (theo quy định tại Điều 54, Luật Hợp tác xã), chờ giải thể là 3.584 hợp tác xã, chiếm 18,3% tổng số hợp tác xã hiện có của cả nước.

Trong đó, vùng có số lượng hợp tác xã giải thể, chờ giải thể nhiều nhất cả nước là vùng Đông Bắc với 1.347 hợp tác xã, chiếm 34% tổng số hợp tác xã cả vùng. Trong đó, số hợp tác xã ngừng hoạt động chiếm hơn 72% trong tổng số hợp tác xã giải thể, chờ giải thể. Điều này cho thấy, "sức sống" của một bộ phận hợp tác xã vẫn còn đáng lo ngại.

Sức sống của các hợp tác xã vẫn là vấn đề nan giải

Chia sẻ khó khăn của chính hợp tác xã mình, ông Nguyễn Phú Hoàng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Bình Thuận cho biết, trong quá trình tổ chức thực hiện mô hình hợp tác xã kiểu mới, Liên hiệp hợp tác xã còn thiếu vốn sản xuất, vốn hoạt động còn nhỏ trình độ quản lý, khả năng tiếp thị, quản trị kinh doanh còn yếu.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Phú Hoàng cũng nhận thấy, chưa có sự phối hợp chặt chẽ từ cấp ủy, chính quyền đến ban, ngành, đoàn thể trong quá trình tổ chức thực hiện mô hình, như: ban hành văn bản đến triển khai thực hiện còn chậm, nhân sự phụ trách phối hợp thực hiện tham gia mô hình chưa có nhiều kinh nghiệm.

Ngoài ra, các hình thức liên kết sản xuất trong nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn do quy mô hàng hóa nhỏ, lẻ, chưa đảm bảo chất lượng đồng đều. Tỷ lệ tiêu thụ qua hợp đồng còn thấp, doanh nghiệp thường thông qua thương lái thu gom, đồng thời sự liên kế giữa doanh nghiệp và hợp tác xã; thành viên hợp tác xã và hợp tác xã chưa thực sự gắn kết được lợi ích và trách nhiệm các bên với nhau.

Còn theo ông Trần Văn Cứng, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã An Giang cho rằng, thì khó khăn lớn nhất của các hợp tác xã tại Tỉnh đó là việc liên kết sản xuất với doanh nghiệp.

Theo ông Cứng, hiện nay, Liên minh hợp tác xã An Giang đang triển khai xây dựng 5 mô hình hợp tác xã kiểu mới liên kết với doanh nghiệp để tạo thành chuối liên kết đối với cây lúa.

Tuy nhiên, để thực hiện các mô hình này, thì doanh nghiệp phải có tiềm lực rất mạnh về tài chính và con người. Trong khi đó, ở An Giang hiện nay lại không có nhiều doanh nghiệp có đủ tiềm lực thực hiện mô hình này.

Bên cạnh đó, ông Cứng còn cho biết, vai trò của cán bộ quản lý hợp tác xã là các hộ nông dân rất mờ nhạt. Trong giai đoạn đầu, khi hợp tác xã mới thành lập thì có thể điều hành được. Nhưng, khi bắt đầu lớn mạnh, thì các cán bộ này không đủ năng lực, trình độ để quản lý dẫn đến việc phụ thuộc quá nhiều doanh nghiệp liên kết.

Trong khi đó, ông Bùi Nghị, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã cho biết, việc liên kết giữa hợp tác xã với nhà nông và nhà buôn rất tốt, giữa các nhà khoa học, viện nghiên cứu cũng đã bắt đầu có sự kết nối. Tuy nhiên, với ngân hàng, thì chưa chặt chẽ, nên thiếu vốn vẫn là rào cản đối với sự phát triển của các hợp tác xã.

Học hỏi kinh nghiệm phát triển hợp tác xã từ Đức, Canada, Hà Lan

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển hợp tác xã ở Canada, ông Claude-André Guillotte, chuyên gia pháp luật đến từ trường đại học của Canada cho biết, các hợp tác xã ở Việt Nam cần được xây dựng trên cơ sở tự nguyện, huy động nguồn lực từ mỗi thành viên tham gia. Tuy nhiên, phải hạn chế chia lãi suất dựa trên vốn góp và phải có dự phòng không chia và phân bổ thặng dư cho các thành viên để vốn cho hợp tác xã hoạt động.

Cũng theo ông Claude- André Guillotte, để hợp tác xã phát triển cần hình thành hệ thống pháp luật liên quan đến hợp tác xã sao cho dễ hiểu, dễ hoạt động. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có công cụ thông tin để giám sát các hoạt động kinh doanh từ hợp tác xã với những con số thông tin khách quan, khoa học, “biết nói”, qua đó Chính phủ sẽ có các quyết sách hỗ trợ hợp tác xã phù hợp.

“Tăng cường công cụ tài chính phù hợp và chiến dịch nâng cao nhận thức cho người dân về hợp tác xã cũng là những việc cần làm để phát triển hợp tác xã”, ông Claude- André Guillotte nói thêm.

Còn theo ông Christian Staacke, Liên đoàn Hợp tác xã Raiffeisen thì cho rằng, các hợp tác xã và thành viên hợp tác xã có nhu cầu rất lớn với các dịch vụ, như: Cung ứng đầu vào, khuyến nông, Tín dụng và maketing. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam nên phát triển các thị trường này.

Về phía các hợp tác xã, thì cần phải chuyên nghiệp hóa bộ máy quản lý hợp tác xã. Đồng thời cần đáp ứng được các yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao của các thị trường bán buôn, siêu thị và xuất khẩu. Ngoài ra, cần đủ lớn mạnh về mặt kinh tế trên chính thị trường của mình, hay có thể sáp nhập vào một tổ chức hợp tác xã khác để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cũng chia sẻ kinh nghiệm phát triển hợp tác xã ở Hà Lan, ông Harm Haverkort, Trưởng đại diện Tổ chức Hỗ trợ Phát triển Hà Lan (Agriterra) tại Việt Nam cho biết, các yếu tố để hợp tác xã phát triển đó là: tăng sự tin tưởng vào hợp tác xã, cải thiện việc quản lý hợp tác xã, tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên kết thị trường, mở rộng quy mô kinh doanh, tạo chuỗi giá trị sản xuất cho hợp tác xã. Bên cạnh đó cũng cần cho phép tiếp cận tài chính dễ dàng, bảo đảm sử dụng công nghệ tiên tiến và nâng cao khả năng hấp thụ kiến thức cho các thành viên hợp tác xã.

Đưa lời khuyên cho các hợp tác xã, ông Bùi Nghị cũng cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội đã và đang thay đổi, đòi hỏi các hợp tác xã cũng phải thay đổi để hoạt động phù hợp và hiệu quả hơn.

Ông Bùi Nghị nhấn mạnh, mỗi hợp tác xã cần cải thiện sức cạnh tranh; chủ động trong huy động và sử dụng các nguồn lực tổng hợp, nhấn mạnh vai trò của việc ứng dụng công nghệ tiên tiến cũng như nâng cao hiệu quả quản trị kết hợp với hoạt động xây dựng thương hiệu và tiếp thị, xúc tiến thương mại.

Hợp tác xã phải chuyển dịch mạnh mẽ sang mô hình hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất cũng như sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, với sản phẩm có giá trị gia tăng cao; đáp ứng yêu cầu trong nước cũng như tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.../.