Đây là một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Nghị định về tổ hợp tác mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến cộng đồng.

Tổ hợp tác được tự nguyện đăng ký hoạt động

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, cả nước ước có khoảng 98.600 tổ hợp tác, với hơn 1,2 triệu thành viên, tạo việc làm cho hơn 1 triệu người. Mức doanh thu bình quân của một tổ hợp tác năm 2016 là 229 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân cho một lao động thường xuyên trong tổ hợp tác là 26 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, hiện nay, các tổ hợp tác không có tư cách pháp nhân và tư cách chủ thể của quan hệ dân sự chưa rõ ràng. Các hợp tác xã này hoạt động không ổn định, không có cơ chế công khai tổ viên liên kết giữa các thành viên rất lỏng lẻo, đồng thời trách nhiệm của tổ hợp tác đối với bên thứ ba không rõ. Điều này gây tâm lý e ngại đối với các bên ký kết hợp đồng; hạn chế khả năng hoạt động, hợp tác, phát triển sản xuất, kinh doanh của tổ hợp tác.

Trình tự, thủ tục đăng ký tổ hợp xã đơn giản, thuận tiện và không bắt buộc

Để giải quyết vấn đề trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị việc cấp đăng ký và mã số cho từng tổ hợp tác trong dự thảo Nghị định về tổ hợp tác. Đồng thời, công khai thông tin về tổ hợp tác, người đại diện và thành viên tổ hợp tác, nhằm tạo sự minh bạch hóa hoạt động và các thành viên trong tổ hợp tác, từ đó khiến các đối tác yên tâm hơn, tạo tiền đề cho phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, việc đăng ký tổ hợp tác được thiết kế theo hình thức khai báo thông tin (không phải xin phép - cho phép), rất đơn giản, thuận tiện và không bắt buộc, mà hoàn toàn dựa vào sự tự nguyện của các tổ hợp tác khi thấy được các lợi ích của việc đăng ký hoạt động này mang lại.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, đối tượng mà Bộ khuyến khích đăng ký hoạt động này không phải tất cả 98.600 tổ hợp tác, mà chỉ các nhóm, tổ hợp tác hoạt động ổn định, thường xuyên, có thực hiện một hoặc một số khâu dịch vụ, hoạt động sản xuất, kinh doanh mới phải đăng ký (chủ yếu là trong hơn 36.000 tổ hợp tác đã chứng thực hợp đồng hợp tác).

Bởi, hầu hết tổ hợp tác này đã có cơ cấu quản lý rõ ràng, có sự liên hệ hợp tác chặt chẽ giữa các thành viên, hoạt động tương đối ổn định trong thời gian nhất định; có nhu cầu ký kết các hợp đồng kinh doanh mà không phải qua trung gian là UBND như trước đây; cần cơ chế điều chỉnh minh bạch và ổn định nhằm hạn chế rủi ro có thể xảy ra cho thành viên và đối tác của tổ hợp tác…

Không chỉ có lợi ích là tạo niềm tin với đối tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn cho biết, việc đăng ký hoạt động còn giúp tổ hợp tác dễ dàng vay vốn, bởi Dự thảo sẽ giải quyết vấn đề về người đại diện cho THT trong các giao dịch dân sự thông qua cơ chế ủy quyền tại hợp đồng hợp tác.

Ngoài ra, đối với cơ quan nhà nước, việc đăng ký này còn giúp nắm được tình hình phát triển phát triển của tổ hợp tác, qua đó tăng cường công tác quản lý và kịp thời hỗ trợ hoạt động của tổ hợp tác.

Sẽ có cơ chế hỗ trợ riêng cho tổ hợp tác

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đa số các chính sách hiện nay của Nhà nước chưa quan tâm đến việc hỗ trợ, hình thành và phát triển của tổ hợp tác. Hầu như chưa có chính sách hỗ trợ riêng cho tổ hợp tác, kinh phí hạn chế do lồng ghép với chương trình hỗ trợ hợp tác xã.

Điều này dẫn đến việc hỗ trợ hay không hỗ trợ tổ hợp tác phụ thuộc vào sự quan tâm, chỉ đạo của từng địa phương, từ đó tổ hợp tác khó phát triển mạnh mẽ do thiếu vốn, năng lực cán bộ hạn chế, khó khăn trong giải quyết đầu ra sản phẩm

Để giải quyết vấn đề trên, dự thảo Nghị định về hợp tác xã quy định chính sách riêng hỗ trợ cho tổ hợp tác đồng thời bố trí nguồn kinh phí riêng hỗ trợ tổ hợp tác, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ hợp tác hoạt động và phát triển, khắc phục những hạn chế hiện nay của tổ hợp tác.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, sự cần thiết phải xây dựng nghị định đã rõ ràng và không thể bàn cãi, vấn đề còn lại chỉ là nội dung của Nghị định và vấn đề này cần phải được sự trao đổi, lấy ý kiến của cộng đồng để Dự thảo khi được ban hành và đi vào cuộc sống có hiệu quả tốt nhất./.

Hiện tại, Dự thảo gồm 8 chương, 44 điều. Cụ thể: Chương I: Những quy định chung; Chương II: Thành viên tổ hợp tác; Chương III: Thành lập tổ hợp tác; Chương IV: Tổ chức và Điều hành tổ hợp tác; Chương V: Tài sản, tài chính của tổ hợp tác; Chương VI: Chấm dứt hoạt động của tổ hợp tác; Chương VII: Quản lý nhà nước về tổ hợp tác; Chương VIII: Tổ chức thực hiện.