Tỷ lệ vốn nhà nước bán ra rất thấp

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giai đoạn 2011-2015, cả nước đã cổ phần hóa thành công hơn 508 doanh nghiệp, năm 2016, có 58 doanh nghiệp được phê duyệt cổ phần hoá. Tính đến hết 8 tháng năm 2017, đã có hơn 33 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hoá, giá trị thực tế vào khoảng 80.600 tỷ đồng (gấp 3 lần vốn điều lệ).

Tuy nhiên, theo PGS, TS. Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam, có một nghịch lý là mặc dù số lượng doanh nghiệp nhà nước được lên kế hoạch cổ phần hóa là rất lớn, song tỷ lệ vốn nhà nước được phép bán lại rất hạn chế, may lắm cũng chỉ là 49%, nên nhiều nhà đầu tư bị loại khỏi quyền tham gia điều hành, chưa nói đến quyền chi phối doanh nghiệp. Và đây chính là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư ít mặn mà với quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Là một nhà đầu tư nước ngoài, ông Johnathan Ooi, Giám đốc Công ty Pricewaterhouse Coopers cho hay, tâm lý chung của các đối tác mà ông tham gia tư vấn khi muốn đầu tư làm cổ đông chiến lược với các doanh nghiệp cổ phần hóa là mong mỏi gắn bó lâu dài để cùng phát triển công ty chứ không chỉ mua cổ phần để thu phần lợi nhuận giá cổ phiếu.

“Đa số họ muốn được tham gia ban điều hành, cao hơn nữa là quyền kiểm soát doanh nghiệp có tiếng nói đủ sức nặng trong nâng cao quản trị doanh nghiệp. Cho nên một khi chỉ bán cho họ ở mức 10-15-20%, thì động cơ của họ không đủ cao” - ông Johnathan Ooi nói.

Bên cạnh đó, ông Johnathan Ooi cũng cho rằng, những thông tin, như: niêm yết giá bán bao nhiêu, bán cho nhà đầu tư nước ngoài bao nhiêu phần trăm… của các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam cũng chưa rõ ràng.

Đồng ý với ý kiến trên, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội lại cũng cho rằng, việc thiếu minh bạch trong công bố thông tin chính là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư thiếu tin tưởng.

“Đối với nhà đầu tư nước ngoài, họ phải biết rõ cái họ mua cái gì, chứ không phải một cách mơ hồ”, ông Adam Sitkoff nhấn mạnh.

Cần phải làm gì?

Trước những khó khăn, thách thức vừa nêu trên, ông Adam Sitkoff cho rằng, để có thể tối đa hóa doanh thu từ cổ phần hóa và tăng sự tin tưởng của các nhà đầu tư, cần thiết phải cho họ thấy được một quá trình cổ phần hóa, thoái vốn minh bạch và nhà đầu tư phải được cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến doanh nghiệp..

Trong khi đó, ông Tony Foster, luật sư điều hành Công ty luật Freshfields cho rằng, để thu hút được các nhà đầu tư nghiêm túc và dài hạn, cần phải tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần chi phối trong các doanh nghiệp cổ phần hóa hay thoái vốn nhà nước.

“Các cơ quan của Chính phủ nên xem xét sửa đổi các quy định pháp luật để cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 49% cổ phần trong các doanh nghiệp cổ phần hóa hay thoái vốn nhà nước”, ông Tony Foster kiến nghị.

Còn theo bà Võ Hà Duyên, Giám đốc Công ty Luật Vilaf, để khắc phục những bất cập trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp thì cần áp dụng phương pháp định giá tài sản phù hợp với cơ chế thị trường; bảo đảm vốn, tài sản của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp được định giá đầy đủ, hợp lý, công khai, minh bạch.

Đồng thời, lựa chọn được các tổ chức tư vấn định giá độc lập có năng lực chuyên môn, uy tín; khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia mua cổ phần, góp vốn vào doanh nghiệp khi cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước./.