Sáng 15/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội nghị các Bộ trưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 24 (SMEMM 24) với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số” đã khai mạc.

Tham dự hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các bộ trưởng kinh tế thành viên APEC và chuyên gia kinh tế đến từ các tổ chức kinh tế quốc tế.

Phát biểu chào mừng hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, 21 nền kinh tế thành viên của APEC chiếm khoảng 39% dân số thế giới, 57% GDP và gần 50% thương mại toàn cầu; Trong đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp và tạo ra 60% số việc làm, có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng của từng thành viên và toàn khu vực. Đây là nguồn động lực cho tăng trưởng, đổi mới và sáng tạo tại các nền kinh tế APEC.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các bộ trưởng kinh tế thành viên APEC và chuyên gia kinh tế

Qua 30 năm đổi mới, từ một nước nghèo, đến năm 2010 Việt Nam đã trở thành một quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình. Con đường phát triển của Việt Nam là một minh chứng sống động cho vai trò và tầm quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, như một động lực chủ yếu để tạo ra nhiều việc làm cho người dân, vừa góp phần duy trì tăng trưởng, ổn định kinh tế, xã hội vừa tạo điều kiện cho người dân vươn lên thoát nghèo, sáng tạo và làm giàu.

Đánh giá cao chủ đề hội nghị lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chủ đề Hội nghị là một trong 4 lĩnh vực ưu tiên của năm quốc gia APEC 2017, thể hiện mong muốn của Việt Nam được hợp tác cùng các đối tác thành viên nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của khu vực có cơ hội sáng tạo, tiếp cận thông tin và thị trường toàn cầu.

Trong xu thế của nhân loại bước vào kỷ nguyên số, các doanh nghiệp nhỏ và vừa với trình độ công nghệ, năng lực tài chính, quản trị còn hạn chế sẽ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nhưng cũng là nhóm đối tượng năng động và dễ thích nghi nhất. Vì vậy, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ tích cực để khối doanh nghiệp này mở rộng quy mô, đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các nền kinh tế thành viên APEC cần hợp tác thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu; thuận lợi hóa môi trường kinh doanh cho ác doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

"Mọi kế hoạch hợp tác với những mục tiêu tốt đẹp trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ chỉ trở thành hiện thực nếu chúng ta có lòng tin, sự quyết tâm hợp tác cùng nhau để gìn giữ môi trường hòa bình, bảo đảm an ninh, an toàn cho sự tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, dòng vốn đầu tư," Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Tại phiên khai mạc, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiêm Chủ tịch SMEMM 24 nhấn mạnh, những bước tiến mạnh mẽ của công nghệ kỹ thuật số, sự biến đổi không ngừng của nền kinh tế thế giới tạo ra cơ hội và điều kiện phát triển mới cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực tế đó đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải theo kịp xu thế của thời đại kỹ thuật số, tạo ra môi trường thuận lợi và áp dụng các phương pháp hỗ trợ hợp lý để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tại Hội nghị lần thứ 24 các bộ trưởng phụ trách doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC 2017, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận nội dung nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và đổi mới của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời đại kỹ thuật số; chia sẻ kinh nghiệm, thực hành tốt về thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ đó, đưa ra các sáng kiến đẩy mạnh hoạt động hợp tác trong tương lai giữa các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, để các doanh nghiệp nhỏ và vừa thực sự là một động lực mới cho sự phát triển bền vững của các nền kinh tế APEC.

Hội nghị này đã thông qua 3 văn kiện quan trọng gồm: (1) Sáng kiến về Thúc đẩy khởi nghiệp APEC, (2) Chiến lược phát triển DNNVV xanh, bền vững và sáng tạo, (3) Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng phụ trách DNNVV lần thứ 24. Các văn kiện trên một lần nữa nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của vấn đề phát triển DNNVV trong cộng đồng kinh tế châu Á – Thái Bình Dương. Sáng kiến về Thúc đẩy khởi nghiệp và Chiến lược phát triển DNNVV xanh, bền vững và sáng tạo dự kiến sẽ được trình lên Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC tháng 11 tới đây tại thành phố Đà Nẵng./.