Phát biểu khai mạc buổi lễ, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương cho biết, hiện nay, Việt Nam là một trong các quốc gia chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, với những ảnh hưởng tiêu cực, sâu rộng vào đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp. Trước hiện trạng đó, việc tìm ra các cách làm, ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hâu là việc làm cấp thiết hiện nay.

Sau hơn một năm đồng hành cùng Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC), các đơn vị được lựa chọn hỗ trợ trong Cuộc thi Chứng minh ý tưởng lần thứ nhất đã gặt hái được nhiều thành công, như: doanh thu tăng trưởng 300%, kêu gọi hơn 200.000 USD vốn đầu tư, khẳng định được thương hiệu tại thị trường miền bắc Việt Nam và vươn tới thị trường quốc tế hay tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng chi phí cho khách hàng...

Tiếp nối thành công nêu trên, VCIC khởi động Cuộc thi CMYT lần thứ 2 vào tháng 04/2017, với mô hình mới theo sáng kiến của Ngân hàng Thế giới và được VCIC điều chỉnh phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Cuộc thi nhận được gần 400 đề xuất tham dự và sau đó lựa chọn được 20 đơn vị xuất sắc nhất.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu được tôn vinh

Trong đó, có 17 doanh nghiệp được nhận hỗ trợ tài chính và dịch vụ đi kèm, gồm: Công ty cổ phần công nghệ cao Hachi; Nhóm nghiên cứu phát triển công nghệ giám sát tài nguyên môi trường; Nhóm MAPDAS; Nhóm SeA Square; Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ Trí Nam; Công ty cổ phần công nghệ s3; Công ty cổ phần Hà Yến; Nguyễn Thế Nghĩa (Nghiên cứu chế tạo và thương mại hoá “turbine gió dải rộng hiệu suất cao, giá thành rẻ cho TN1); Công ty cổ phần Việt Nam Food Hậu Giang; Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ Cao CHỮ TÂM; Công ty cổ phần Rynan Technologies Vietnam; TS. Đào Thị Nhung (Ứng dụng công nghệ cao trong chế tạo và thương mại hóa dây chuyền bảo quản nông sản sau thu hoạch quy mô vừa và nhỏ ở Việt Nam); Hợp tác xã Nông nghiệp Trường Xuân-Evergreen Agricoop Giao Thủy-Nam Định; Nhóm cá nhân đề xuất: Startup ”Nông nghiệp bền vững SHPDU”; Công ty TNHH tư vấn dịch vụ quản lý hành chính và Thương mại quốc tế; Trường Đại học Nông Lâm Huế/ Công ty cổ phần phát triển NTTS Thừa Thiên Huế; Công ty TNHH MTV Dịch vụ và CN Nuôi trồng Thủy sản.

Còn lại có 4 doanh nghiệp chỉ hỗ trợ kỹ thuật, dịch vụ của VCIC, không hỗ trợ tài chính, đó là: Công ty Cổ phần Viễn thông NewTelecom; Công ty Cổ phần AntBuddy (AntBuddy Joint Stock Company); Công ty TNHH Sinh học Phương Nam; nhóm nghiên cứu của TS. Đỗ Ngọc Chung (Tăm thân thiện môi trường).

Đánh giá cao những ý tưởng sáng tạo của các doanh nghiệp, cá nhân được tôn vinh, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam hy vọng rằng, những doanh nghiệp chiến thắng ngày hôm nay sẽ được hỗ trợ phát triển một cách tốt nhất nhất để có thể đưa ra giải pháp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu vào trong cộng đồng và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế và tạo việc làm tại địa phương.

Còn theo ông Giles Lever, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, hỗ trợ và khuyến khích các hoạt động quốc tế nhằm đối phó với biến đổi khí hậu là lĩnh vực ưu tiên trong nguồn tài trợ của Vương quốc Anh.

“Chúng tôi hy vọng VCIC là nền tảng cho các ý tưởng đổi mới, tạo ra những ảnh hưởng mang tính chuyển đổi quy mô lớn thông qua chuyển giao công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu có giá thành hợp lý, phổ biến những kinh nghiệm thực tiễn tốt, mở ra những cơ hội thị trường mới và tiềm năng thương mại cho các doanh nghiệp”, ngài đại sứ nhấn mạnh./.

VCIC là một dự án được Nhóm Ngân hàng Thế giới tài trợ, được hỗ trợ bởi Chính phủ Úc và Vương Quốc Anh. VCIC cung cấp những hỗ trợ tài chính, nâng cao năng lực và dịch vụ tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng công nghệ sạch trong các lĩnh vực chính bao gồm năng lượng hiệu quả, năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững, quản lý và lọc nước, công nghệ thông tin gắn với ứng phó biến đổi khí hậu.