Thị trường tiềm năng

Nằm trong khu vực kinh tế Asean được đánh giá là năng động nhất thế giới, Việt Nam là thị trường bán lẻ nhiều tiềm năng với số lượng người tiêu dùng hơn 90 triệu dân và dân số thành thị chiếm 33%.

Theo báo cáo gần đây nhất của Công ty TNHH CB Richard Ellis (CBRE) thì Việt Nam được xếp thứ 2 trong số 10 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất châu Á năm 2014.

Tính theo sức mua tương đương, năm 2013 đạt hơn 4.000 USD/người. Ước tổng mức bán lẻ 6 tháng đầu năm 2014 tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2013. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ cả nước 6 tháng đầu năm nay tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước.

Vì vậy, xu hướng phát triển của thị trường phân phối bán lẻ tại Việt Nam đang bùng nổ các loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại lớn. Tính đến cuối năm 2013, cả nước có 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại, cùng vài trăm cửa hàng tiện lợi, trong đó có 22 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài đang kinh doanh. Các kênh bán lẻ này chiếm khoảng 20% thị trường bán lẻ và dự kiến sẽ tăng lên 40% thời gian tới.

Theo quy hoạch của Bộ Công Thương, lĩnh vực bán lẻ sẽ tăng trưởng bình quân 19-20%/năm trong giai đoạn 2011-2015 và 20-21%/năm từ năm 2016 đến năm 2020. Dự kiến, năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại.

Cũng dự đoán về việc tăng trưởng trên, hãng nghiên cứu Statista (Đức) cho biết, thị trường bán lẻ Việt Nam có thể đạt doanh thu tới trên 80 tỷ USD/năm trong năm 2014 và có thể lên tới 100 tỷ USD/năm vào năm 2016.

Thách thức từ các doanh nghiệp ngoại

Mặc dù các tập đoàn bán lẻ nước ngoài chỉ chiếm gần 4% trong tổng mức bán lẻ tại Việt Nam, nhưng lại có nhiều lợi thế về vốn, mặt bằng bán lẻ, nhân lực… nên doanh số mà siêu thị của các tập đoàn nước ngoài thu về thường lớn hơn từ 20-30 lần so với doanh nghiệp nội và không ngừng lớn mạnh.

Trong khi đó, doanh nghiệp bán lẻ trong nước còn thiếu và yếu về hệ thống phân phối, năng lực quản trị, liên kết, chất lượng hàng hóa… nên cạnh tranh ngày càng khó khăn.

Thêm vào đó, trong những năm gần đầy, hàng loạt tập đoàn bán lẻ lớn đang gia tăng thăm dò, tìm kiếm cơ hội đầu tư hoạt động tại Việt Nam, như: Walmart, Auchan, Robinson… khiến cho cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bán lẻ ngoài nước với doanh nghiệp bán lẻ trong nước ngày càng khốc liệt.

Mới đây nhất, Tập đoàn bán lẻ số 1 Hàn Quốc - Lotte đặt mục tiêu 60 siêu thị tại Việt Nam vào năm 2020. Aeon - ông lớn trong ngành bán lẻ Nhật Bản thông báo sẽ mở trung tâm thương mại thứ 2 trong năm 2014 và năm 2020 sẽ mở 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam. Auchan (Pháp) - tập đoàn bán lẻ quốc tế sở hữu bởi gia đình Mulliez - kinh doanh chủ yếu trên lĩnh vực siêu thị và đại siêu thị, dự kiến đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam trong 10 năm tới.

Trước đó, thương vụ Metro Cash&Carry chuyển nhượng kinh doanh bán buôn 19 trung tâm Metro cho Tập đoàn Berli Jucker đã khiến các doanh nghiệp nội lo lắng. Bởi các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đều cho biết là sẽ ưu tiên bán hàng Việt nhưng các doanh nghiệp đều lo ngại sẽ bị từ chối khi đưa hàng vào, hạn chế sự tiếp cận thị trường của doanh nghiệp Việt.

Cần phải làm gì?

Theo Phó viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), ông Võ Trí Thành, tham gia thị trường bán lẻ chính là tham gia sân chơi của nhiều doanh nghiệp bán lẻ. Vì vậy, có nhiều cách để phối hợp với doanh nghiệp nước ngoài, như: chuyển nhượng, liên doanh... Do đó, thị trường sẽ cho ta biết hoặc tự các doanh nghiệp sẽ biết phải làm như thế nào là tốt nhất. Vấn đề là qua quá trình ấy, doanh nghiệp có học hỏi, vươn lên không.

Cùng với đó, các nhà bán lẻ nên tập trung vào sản phẩm có thể sử dụng để củng cố hình ảnh, thương hiệu và lòng trung thành của khách hàng; các chương trình khuyến mãi giúp nâng cao nhận biết của khách hàng; các sản phẩm ít nhạy cảm về giá cả, ít có sản phẩm thay thế...

Theo quan điểm của Luật sư Lê Nết, Công ty luật LNT & Partners nhận định, các doanh nghiệp Việt thiếu vốn, công nghệ và kiến thức. Muốn có các yếu tố trên thì phải liên kết nhà đầu tư nước ngoài để cùng đi. Vì vậy, doanh nghiệp không nên lo lắng khi nhiều nhà bán lẻ nước ngoài đổ bộ vào.

“Nếu các nhà bán lẻ nước ngoài cam kết bán hàng Việt 50% hoặc nhiều hơn thì nên hoan nghênh. Quan trọng là họ cần cam kết bán hàng Việt Nam nhiều trong hệ thống của mình chứ Nhà nước không cần bảo hộ”, ông Nết nói.

Còn bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, cơ quan nhà nước cần tập trung xây dựng khoảng 20 nhà bán lẻ hàng đầu hoặc 10 doanh nghiệp có giá trị gia tăng cao, nhằm giúp các nhà bán lẻ Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Bà Loan cũng kiến nghị “Để doanh nghiệp nội vươn lên, Hiệp hội mong muốn có những chính sách và quy định mạnh mẽ hơn nữa, hỗ trợ cho hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. Đơn cử như: hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu thị trường… Một trong những điểm nâng cao cạnh tranh cho doanh nghiệp bán lẻ nội là phải giải quyết được mặt bằng bán lẻ. Đây là vấn đề cực kỳ khó khăn, nếu không được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước”./.

Nguồn:
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/713209/suc-ep-lon-tren-thi-truong-ban-le
http://www.baohaiquan.vn/pages/dn-ban-le-chuan-bi-vao-cuoc-choi-moi.aspx
http://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep/doanh-nghiep-ban-le-viet-nam-them-suc-ep-canh-tranh-353399.vov