Số lượng doanh nghiệp bất động sản tăng mạnh

Theo báo cáo mới nhất của Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới trong 9 tháng đầu năm 2017 là 3.508 doanh nghiệp (tính trung bình mỗi ngày có 13 doanh nghiệp mới ra đời trong lĩnh vực này), tăng 62,4% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2016. Đồng thời, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong lĩnh vực này cũng tăng 3,9% (có 349 doanh nghiệp) so với cùng kỳ năm 2016.

Bên cạnh đó, số vốn đổ vào lĩnh vực này cũng tăng, với 234.374 tỷ đồng và 57,1% số vốn đăng ký. Số lao động trong các doanh nghiệp mới ngành này cũng khoảng 24.908 người, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2016.

Số doanh nghiệp bất động sản trong các tháng đầu năm tăng mạnh

Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, lũy kế đến 21/09/2017 , lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã thu hút được 620 dự án, với tổng vốn 51,15 tỷ USD (16,49% tổng vốn đầu tư), đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI, sau công nghiệp chế biến, chế tạo

Riêng 9 tháng đầu năm 2017, lĩnh vực bất động sản đứng thứ 7 về thu hút vốn FDI, với 49 dự án cấp mới, đạt 766,7 triệu USD và tổng vốn đăng ký đầu tư cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 1.141,79 triệu USD.

Trước đó, 9 tháng đầu năm 2016, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI, với 39 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1.003,24 triệu USD, chiếm 6,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, nửa đầu năm nay, vốn FDI vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản vẫn tăng 13,8% về vốn và tăng 10 dự án cấp mới (tăng 36,1%).

Lo ngại về tính bền vững

Số lượng doanh nghiệp bất động sản tham gia thị trường nhiều chứng tỏ sức hút của thị trường này ngày càng lớn. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt.

Theo thống kê của Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, số doanh nghiệp bất động sản giải thể và tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2017 cũng tăng đáng kể (913 doanh nghiệp), tăng 196,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Thêm vào đó là những lo ngại liên quan đến chất lượng của các doanh nghiệp bất động sản, bởi dường như các doanh nghiệp bất động sản “ăn nên làm ra” vẫn đang dựa vào các mối quan hệ và nguồn vốn ngân hàng để phát triển.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, dòng tiền vẫn đang âm thầm chảy vào bất động sản thông qua các con số dư nợ tín dụng được công bố. Cụ thể, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng bất động sản hiện nay chiếm khoảng 8% tổng dư nợ (khoảng 450.000 - 500.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, con số thực tế của tín dụng bất động sản lại “ẩn náu” trong tín dụng tiêu dùng rất lớn. Thống kê từ Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy, tín dụng tiêu dùng hiện nay khoảng 650.000 tỷ đồng, nhưng trong đó có khoảng 50% là vay mua và sửa nhà.

Do vậy, các chuyên gia cảnh báo, trong bối cảnh thị trường bất động sản phục hồi nhưng thiếu bền vững, nợ xấu vẫn còn cao, việc các ngân hàng tiếp tục đẩy vốn vào bất động sản, đặc biệt là các dự án nhà ở cao cấp, các dự án trên giấy... sẽ khó tránh tình trạng "bong bóng" bất động sản đi kèm nợ xấu bùng nổ như thời điểm trước đây.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cảnh báo: “Nếu ngân hàng tiếp tục cho phép tăng trưởng tín dụng tiêu dùng đổ vào bất động sản, một bộ phận giới đầu tư dưới chuẩn - tức là thay vì dựa trên nguồn vốn của mình để đầu tư bất động sản dài hạn, thì lại dựa vào vốn vay ngân hàng - thì nó sẽ tạo ra tăng trưởng nóng. Như vậy, độ rủi ro và mức độ xử lý sẽ còn nặng hơn. Việc đổ mạnh cho vay tiêu dùng bất động sản không chỉ khiến hệ thống ngân hàng khó thoát khỏi được khối nợ xấu mà còn dẫn đến nguy cơ đóng băng thị trường này”.

Với những nguy cơ tiềm ẩn trên, ông Hiển cho rằng, trong giai đoạn này cần thúc đẩy tăng trưởng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, kích cầu tiêu dùng nội địa… chứ không nên dồn mạnh vào nhà đất. Bởi, tiêu dùng bất động sản là đầu tư lâu dài, ít tạo việc làm, ít tạo sản xuất, kinh doanh nhất.

Đối với các doanh nghiệp bất động sản, ông Ngô Quang Phúc, Phó Tổng giám đốc Him Lam Land cho rằng, thị trường bất động sản hiện nay đang rất khắc nghiệt. Chính vì vậy, doanh nghiệp bất động sản muốn phát triển dự án thành công, thì phải chế biến được món ăn hợp với khẩu vị của thị trường, bởi đi sau mà không có những món ăn ngon, chắc chắn sẽ thất bại.

Ông Phúc đưa lời khuyên: “Khách hàng trong giai đoạn hiện nay rất thông minh khi quyết định mua hàng, do vậy, chất lượng sản phẩm nhà ở sẽ được các chủ đầu tư nâng cao hơn nhiều để giành thế cạnh tranh một cách tốt nhất" ./.