Nhận định trên được TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển vì sự bền vững Việt Nam 2017 với chủ đề “Nhân rộng các mô hình kinh doanh giúp giải quyết các thách thức bền vững”, ngày 10/10/2017.

Nhiều mô hình kinh doanh vì cộng đồng đang tỏa sáng

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Vũ Tiến Lộc cho biết, cuối tháng 09/2015, Việt Nam cùng với 192 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã chính thức thông qua 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) – trọng tâm của chương trình nghị sự phát triển toàn cầu cho 15 năm tiếp theo (Chương trình Nghị sự 2030 vì sự Phát triển bền vững).

Kể từ đó tới nay, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng kế hoạch triển khai hiệu quả Chương trình Nghị sự này tại Việt Nam, trong đó tiêu biểu là việc “địa phương hoá” các SDGs (V-SDGs) sao cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam.

TS. Vũ Tiến Lộc phát biểu tại diễn đàn

Tuy nhiên, TS. Lộc cũng cho biết, nỗ lực của một mình Chính phủ là không đủ để thực hiện các mục tiêu tham vọng này, mà còn cần đến toàn xã hội, trong đó khu vực doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Theo TS. Lộc, thực tế ngày càng có nhiều mô hình kinh doanh vì cộng đồng đang tỏa sáng, như: Mô hình kinh doanh cùng người thu nhập “thấp”, mô hình nền kinh tế tuần hoàn, mô hình xây dựng chuỗi giá trị bền vững, mô hình thực hiện minh bạch, liêm chính trong kinh doanh, lập báo cáo phát triển bền vững, áp dụng bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững CSI...

TS. Vũ Tiến Lộc phát biểu: “Chúng tôi hoan nghênh việc nhiều doanh nghiệp đã giảm tới 99% phát thải khí CO2, nói “không” với xử lý chất thải bằng phương pháp chôn lấp, sử dụng năng lượng tái tạo, tái sử dụng tới 98%-99% phụ phẩm và phế liệu, tạo ra nhiều việc làm đàng hoàng cho người lao động…”

Ngoài các mô hình kinh doanh mới đó, mô hình doanh nghiệp xã hội cũng là một điểm sáng bền vững và nhân văn… Ở Việt Nam, doanh nghiệp xã hội đã trở thành chủ thể kinh tế được pháp luật ghi nhận và khuyến khích. Nhiều doanh nhân Việt đã chọn con đường làm doanh nghiệp xã hội để đóng góp cho phát triển cộng đồng, coi việc mang lại hạnh phúc cho mọi người là mục tiêu tối thượng…

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam cho biết, thời gian qua nhiều doanh nghiệp cũng đã có ý thức hơn trong phát triển kinh doanh vì cộng đồng.

Ông Vinh thông tin thêm, trong vòng 5 năm, số lượng các doanh nghiệp lập báo cáo bền vững đã tăng gấp 2 lần, với 90% các doanh nghiệp đăng ký, đã có 500 công ty lớn nhất lập báo cáo bền vững. Hơn thế nữa, mạng lưới hợp tác cũng đã được tăng cường với sự liên kết chặt chẽ và tích cực giữa các doanh nghiệp và các quốc gia.

Tiếp tục thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững

Để thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong hành trình xanh, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, cần nâng cao vai trò và vị thế của doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Theo ông Kamal Malhotra, cộng đồng doanh nghiệp cần được coi là phần quan trọng của nền kinh tế chứ không chỉ là kênh huy động vốn. Chúng ta cần đẩy mạnh nguồn tài chính; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đưa ra những giải pháp hợp tác để thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân. Với những tác động to lớn tới sự phát triển kinh tế xã hội, khu vực kinh tế tư nhân cần có kế hoạch và hành động chung về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp.

Còn ông Nguyễn Quang Vinh cho rằng, để kinh doanh tốt hơn và vì một thế giới tốt đẹp hơn, mục tiêu đưa ra là cần sự hỗ trợ đối với các doanh nghiệp để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững như một chiến lược tăng trưởng đúng đắn; cần sự gắn kết các mục tiêu phát triển bền vững vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Cùng với đó, thúc đẩy hệ thống tài chính với định hướng đầu tư bền vững lâu dài...

Đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp, TS. Lộc cho rằng, các doanh nghiệp cần phải tích cực hưởng ứng kinh doanh bền vững hơn. Bởi, theo TS. Lộc, đã qua rồi thời kỳ doanh nghiệp dựa vào tài nguyên, lao động giá rẻ và đánh đổi môi trường, thay vào đó là bước vào kỷ nguyên phát triển thông minh và nhân văn, làm giàu bằng cách phụng sự xã hội: bảo toàn thiên nhiên, chăm lo đến người lao động, quan tâm phát triển cộng đồng.

TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: “Phát triển nhân văn và bao dung hơn không còn là sự lựa chọn mà đó là con đường tất yếu, là lời giải cho sự bế tắc của mô hình phát triển theo chiều rộng. Đó cũng là “giấy thông hành thế hệ mới” cho sự tham gia của các doanh nghiệp vào nền kinh tế toàn cầu là câu trả lời cho sự tồn tại hay không tồn tại trong dài hạn”.

Cũng theo TS. Lộc, trong thời gian tới, VCCI cũng sẽ thành lập Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Triển khai Nền kinh tế tuần hoàn (VCCE), qua đó thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của doanh nghiệp trong việc xây dựng một nền kinh tế phi phát thải, tạo thêm công ăn việc làm cho thị trường lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư tại Việt Nam, cũng như nắm bắt được cơ hội kinh doanh trị giá 4,5 nghìn tỷ USD do kinh tế tuần hoàn mang lại.

Ngay sau Diễn đàn này, dự án “Zero Waste to Nature – Không xả thải vào môi trường tự nhiên”, hoạt động đầu tiên của VCCE, sẽ được khởi động với sự tham gia của ba công ty: Unilever Việt Nam, CocaCola Việt Nam và Dow Chemical Việt Nam. Đồng thời, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) cũng sẽ hợp tác với Trung tâm Thương mại Quốc tế (International Trade Center) áp dụng Sustainability Map, bộ hệ thống tiêu chuẩn để hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam./.