Thách thức lớn

Chia sẻ tại Hội thảo “Tình hình kinh tế - thương mại Việt Nam và thế giới 2013 – Triển vọng 2014” do Trường Đại học Ngoại thương tổ chức mới đây, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW nhận định, tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn chưa có nhiều điểm tích cực. Tuy kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi nhưng còn chậm chạp với tốc độ khác nhau. Tuy kinh tế vẫn tăng trưởng dự kiến ở mức cao so với tình hình kinh tế thế giới (khoảng 7,8%), nhưng tình trạng suy giảm đầu tư mạnh hơn dự kiến đã xảy ra ở Trung Quốc.

Trong nước, kinh tế Việt Nam vẫn đang trì trệ và tăng trưởng ở mức thấp. Về ngắn hạn, Việt Nam đang đối mặt với các vấn đề như niềm tin của khu vực tư nhân bị suy giảm, cục máu đông nợ xấu ẩn chứa nguy cơ đổ vỡ của thị trường bất động sản và nợ của khối doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, dư địa của chính sách tài khóa bị thu hẹp, đầu tư công kém hiệu quả.

Cụ thể, đầu tư của tư nhân đã giảm mạnh từ 15% GDP (2007-2010) xuống khoảng 11,5% GDP (2013). Báo cáo chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho thấy các doanh nghiệp có xu hướng giảm đầu tư hoặc không mở rộng sản xuất. Chỉ số PMI phần lớn thời gian của năm 2013 nằm dưới ngưỡng 50 hàm ý sản xuất của ngành chế tạo có chiều hướng thu hẹp. Chi tiêu hộ gia đình giảm mạnh, chỉ tăng 5,1% trong giai đoạn 2009-2012 so với mức 8,9% của 4 năm trước đó.

Về nợ xấu, VAMC chỉ có thể giải quyết được một phần, trong khi đó TS. Lê Đăng Doanh dẫn số liệu các tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty đã nợ 1,3 triệu tỷ đồng - chiếm 70 % tổng số nợ xấu.

Về dài hạn, các vấn đề về thể chế nhà nước trong nền kinh tế thị trường vẫn chưa được giải quyết (điển hình là nạn tham nhũng, lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ) do mô hình tăng trưởng kinh tế đang áp dụng không còn thích hợp. Các vấn đề của doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng, kết cấu hạ tầng, lao động chất lượng cao vẫn là trở ngại cho công cuộc tái cơ cấu. Sức cạnh tranh bị giảm sút và năng suất lao động thấp trong khi nguồn cung về các kỹ năng, kỹ thuật của kinh tế thị trường còn hạn chế.

5 yêu cầu để doanh nghiệp chống chọi với khó khăn

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định, sang năm 2014, cộng đồng doanh nghiệp Việt cần lưu ý một số thách thức: Khó khăn khách quan làm bộc lộ yếu kém chủ quan.

Nhu cầu có khả năng thanh toán thay đổi, sức mua giảm sút; chưa có thị trường vốn dài hạn (10 năm), doanh nghiệp phải vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn, rủi ro rất cao; tín dụng đóng băng hay tăng trưởng rất chậm, doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng từ ngân hàng.

Thủ tục hành chính tăng lên, chi phí cho “quan hệ” tăng cao, thuế, phí làm tăng chi phí của doanh nghiệp; các chi phí đầu vào đều tăng: điện, gas, xăng dầu, chi phí tiền lương... trong khi không thể tăng giá bán trên thị trường tương ứng với tăng giá đầu vào. Lạm phát, tỷ giá tác động đến kinh doanh. Cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn trên thị trường trong nước và quốc tế, các rào cản kỹ thuật, các vụ kiên tăng lên.

Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động phân tích rõ thực trạng doanh nghiệp, làm rõ những khâu yếu nhất phải giải quyết; thông tin đầy đủ về thực trạng doanh nghiệp với công nhân, nhân viên để thống nhất ý chí và hành động; tập trung vào sản phẩm, dịch vụ mạnh nhất của doanh nghiệp, không phân tán lực lượng đầu tư ra nhiều ngành; tái cấu trúc tài chính: cắt giảm chi phí tối đa, thương lượng tái cơ cấu nợ với các chủ nợ. Nếu cần phải bán một phần doanh nghiệp hay sáp nhập để duy trì hoạt động; Nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ quản lý. Có thể cử nhân viên đi học bồi dưỡng về quản trị kinh doanh; Chú ý quản trị rủi ro: tỷ giá, đối thủ, đối tác.

TS. Lê Đăng Doanh cũng đưa ra 5 lời khuyên đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Đó là: (1) Trong môi trường kinh tế biến động, yêu cầu đầu tiên đối với nền kinh tế là khả năng chịu đựng hay đối phó, thích nghi được với những biến động từ bên ngoài; (2) Bền vững trong tăng trưởng thay vì tốc độ tăng trưởng cao, ảnh hưởng đến môi trường; (3) Sáng tạo là động lực chủ yếu để phát triển; (4) Công bằng và bao dung tất cả các tầng lớp xã hội, không loại trừ bất kỳ nhóm nào (nam, nữ) ra khỏi quá trình tăng trưởng, bảo đảm tăng trưởng bền vững; (5) Năng lực cạnh tranh phải được nâng lên, trước hết thông qua cải cách thể chế, chính sách, khoa học - công nghệ.

Dẫn chứng một chiến thuật “kéo pháo vào, kéo pháo ra” trong quân sự làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Doanh dí dỏm nói, “Hãy đánh giá tình hình, nếu cần phải có quyết định điều chỉnh lại chiến lược và khi có cơ hội thì hãy thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Vì vậy, các doanh nghiệp hãy học tập Đại tướng".

Đồng quan điểm này, TS. Đào Ngọc Tiến, trường Đại học Ngoại thương cho rằng, doanh nghiệp trong nước cần tìm hiểu lại thị trường, mở rộng các thị trường tiềm năng như: Myanmar, Các tiểu vương quốc Ả-rập-xê-út, Colombia, New Zealand... hoặc tìm kiếm các đối tác là chính các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để liên kết sản xuất – kinh doanh...

Cũng theo TS. Tiến, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần nêu cao phương châm chủ động, sẵn sàng, quyết tâm, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của khu vực và thế giới.

Về phía cơ quan quản lý, điều hành, TS. Tiến kiến nghị chính sách cụ thể hơn để nắm bắt tối đa cơ hội với các hiệp định thương mại tự do (FTA) mở cũng như Chính phủ cũng cần tăng cường năng lực “phòng vệ thương mại”, bảo vệ các doanh nghiệp trong nước trước những thách thức, cạnh tranh ngày càng lớn trong hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay./.