Theo đó, nông nghiệp nông thôn là lĩnh vực đa ngành với 65,49% dân số và 67,95% lao động cư trú trong khu vực nông thôn, trong đó 41,87% sản xuất nông nghiệp vào năm 2016.

Trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nỗ lực, phối hợp các bộ, ngành, địa phương tái cơ cấu, tiếp tục đổi mới thể chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi hơn phát triển sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bãi bỏ 118 điều kiện kinh doanh

Để thực hiện cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, Bộ ban hành Kế hoạch hành động thực hiện việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, Bộ đề xuất sửa đổi, bổ sung 04 Nghị định, sẽ hoàn thành vào quý II/2018. Đối với 2 pháp lệnh, 3 nghị định có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh sẽ được sửa đổi, bổ sung theo tiến độ của chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tổ chức rà soát sâu hơn đối với 508 thủ tục hành chính còn hiệu lực và đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 287 thủ tục hành chính (chiếm 56,5 %), gồm: bãi bỏ 81 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 205 thủ tục hành chính. Để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, Bộ dự kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung 13 văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, trong đó sẽ hoàn thành việc xây dựng 10 thông tư trong quý I/2018. Riêng đối với 3 văn bản liên quan đến lâm nghiệp, thủy sản sẽ hoàn thành vào quý III/2018 theo tiến độ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản.

Đối với hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ, hiện nay, các cơ quan thuộc Bộ thực hiện 40 thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành gồm 32 thủ tục hành chính liên quan đến hàng hóa nhập khẩu và 8 thủ tục hành chính liên quan đến hàng hóa xuất khẩu. Trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải quy định rõ về thời gian, hồ sơ, trình tự, thủ tục theo hướng tinh gọn, giảm thiểu chi phí, thời gian thực hiện. Về cơ bản, các thủ tục hành chính liên quan kiểm tra chuyên ngành từng bước được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp thông lệ quốc tế.

Đối với kiểm tra lô hàng thủy sản xuất khẩu, thời gian rút ngắn từ 5-7 ngày làm việc xuống còn 8 giờ/1 lô hàng; thực tế nhiều lô hàng được cấp Giấy chứng nhận trong 2-3 giờ, tiết kiệm cho doanh nghiệp từ 15%-20% chi phí. Đối với kiểm dịch thực vật, theo quy định của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, thời gian giải quyết là 24 giờ kể từ khi bắt đầu kiểm dịch; thực tế đã rút ngắn xuống còn không quá 4 giờ đối với hàng hóa vận chuyển đường bộ, đường hàng không và không quá 10 giờ đối với đường biển.

Để tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm thiểu kiểm tra chuyên ngành, Bộ đã rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa 18/40 thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành (đạt tỉ lệ 45%) theo hướng hợp nhất thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm và thủ tục kiểm dịch đối với hàng hóa có nguồn gốc thực vật vừa phải kiểm dịch, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm; nhập 2 thủ tục đăng ký kiểm dịch và khai báo kiểm dịch đối với đối với hàng hóa thuộc diện kiểm dịch có nguồn gốc động vật và áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, quy định tần suất kiểm tra đối với các mặt hàng đang thực hiện kiểm tra 100% lô hàng.

Phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành nêu trên đã góp phần tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Chỉ tính riêng hoạt động kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật giảm khoảng 654,4 tỷ đồng (ước tính cắt giảm 108.524 ngày công, chiếm tỷ lệ cắt giảm là 66,7%); kiểm dịch thực vật giảm khoảng 178,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất và dự kiến các giải pháp khắc phục đối với nhóm hàng có chồng chéo kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể, đối với 7 loại hàng chịu sự kiểm tra chuyên ngành của 2 bộ, đề nghị Chính phủ xem xét giao một bộ đầu mối chủ trì, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện theo hướng một cơ quan kiểm tra chuyên ngành có lực lượng, điều kiện tại cửa khẩu, nên giao cả kiểm tra về kiểm dịch và an toàn thực phẩm. Đối với 6 nhóm hàng chịu sự kiểm tra chuyên ngành của 2 đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ kiên quyết bố trí hợp lý trong quý IV/2017./.