Ngày 22/11/2017, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Cắt giảm điều kiện kinh doanh tại Bộ Công thương: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp” với sự tham dự của ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương và TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.

“Cắt giảm” điều kiện kinh doanh để tạo cơ hội cho doanh nghiệp

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, điều kiện kinh doanh tại Bộ Công Thương đã được triển khai từ tháng 07/2016 và đến ngày 20/9/2017 vừa qua, Bộ Công Thương đã quyết định cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh (chiếm tới 55% tổng số điều kiện kinh doanh) do Bộ quản lý.

Thứ trưởng còn khẳng định: "Việc rà soát, cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh lần này chỉ là mở đầu cho công tác cải cách của Bộ. Đây sẽ là việc làm thường xuyên, liên tục, không phải việc làm theo năm theo tháng".

Ngày 20/09/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2018. Theo Quyết định này, 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được cắt giảm. Con số này nhiều hơn khoảng 60 điều kiện so với dự kiến ban đầu và chiếm khoảng 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh của 27 nhóm ngành hàng.

Trong 675 điều kiện kinh doanh được quyết định cắt bỏ, Thứ trưởng Khánh cho biết, các lĩnh vực cắt giảm điều kiện kinh doanh rất nhiều, nhưng rõ nét nhất là ở lĩnh vực an toàn thực phẩm, xăng dầu, điện... Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh sẽ tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp gia nhập thị trường, xây dựng thị trường cạnh tranh thực sự, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân.

Đánh giá cao những động thái tích cực của Bộ Công Thương trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, bấy lâu nay điều kiện kinh doanh là vấn đề nhức nhối, làm gia tăng khó khăn khi gia nhập thị trường, triệt tiêu các sáng kiến trong kinh doanh, giảm năng lực cạnh tranh...

TS. Cung vui mừng cho biết: “Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Bộ Công Thương trong nhiệm kỳ này, rất nhiều vướng mắc trong ngành Công Thương đã tồn tại từ nhiều năm nay mà đã được giải quyết, như: bỏ quy định kiểm tra fomaldehyt cho hàng dệt may hay việc dán nhãn năng lượng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong suốt một thời gian dài".

TS. Cung cũng cho rằng, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, mà còn cho cả nền kinh tế.

Ông Cung giải thích: "Chúng ta cắt giảm điều kiện để giảm chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp. Như vậy, nếu doanh nghiệp có thua lỗ thì cũng mất ít hơn, khả năng hồi phục lại cũng nhanh hơn. Chưa kể đến việc chi phí kinh doanh giảm đi, thì giá cả mặt hàng đó cũng giảm xuống, từ đó tác động lan toả tới cả nền kinh tế".

Bao giờ việc cắt bỏ này có hiệu lực?

Trước câu hỏi bao giờ việc cắt bỏ 675 điều kiện kinh doanh này có hiệu lực, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, việc cắt bỏ 675 điều kiện kinh doanh là ý nguyện của ngành Công Thương. Tuy nhiên, muốn thực hiện thì lại phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Thứ trưởng Khánh giải thích: “675 điều kiện cắt giảm thuộc 16 lĩnh vực quản lý, nên ít nhất phải sửa đổi 16 Nghị định thuộc các lĩnh vực này. Mà sửa đổi 16 Nghị định cần tối thiểu 1 năm”.

Chính vì vậy, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ phương án cho phép dùng 1 Nghị định sửa nhiều Nghị định, ban hành văn bản theo thủ tục rút gọn ngày 05/10/2017.

Thứ trưởng Khánh thông tin thêm: “Ngày 10/11/2017, Thủ tướng đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Công Thương. Hiện dự thảo Nghị định đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Chúng tôi sẽ sớm trình Chính phủ phê duyệt trước ngày 30/11/2017 để việc cắt giảm sớm được thực hiện".

Các đại biểu tại tọa đàm

Ngoài ra, Thứ trưởng Khánh còn cho biết, việc đề xuất cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh thể hiện tư duy chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm của Bộ Công Thương. Theo đó, Bộ Công thương sẽ chỉ ban hành hệ thống tiêu chuẩn. Người dân, doanh nghiệp sẽ căn cứ vào những tiêu chuẩn này để thực hiện. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất. Cách làm này cũng giảm được chi phí tuân thủ quy định xuống mức thấp nhất có thể.

Tránh tình trạng “cắt” lại “mọc”

Mặc dù ghi nhận những kết quả tích cực từ những việc cắt giảm thủ tục điều kiện kinh doanh qua của các Bộ, ngành, địa phương, tuy nhiên TS. Nguyễn Đình Cung cũng lo ngại rằng, quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh dù đã được triển khai từ năm 1999, nhưng đến năm 2003, các điều kiện kinh doanh lại xuất hiện nhiều hơn tính đến thời điểm đó.

TS. Cung lấy ví dụ về thực tế tại ngành giao thông – vận tải cũng như một số ngành khác, trước đây các thủ tục, điều kiện sản xuất doanh gần như đã bỏ gần hết, nhưng đến thời điểm hiện nay lại phục hồi gần như toàn bộ.

Theo đó, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, để phòng ngừa việc tái lập tràn lan các thủ tục, điều kiện kinh doanh không đáng có, điều kiện đầu tiên và tiên quyết chính là thay đổi tư duy và cách thức quản lý. Bởi lẽ, khi cơ quan chức năng đặt ra điều kiện tiền kiểm hàng hóa thì không bao giờ hạn chế được điều kiện kinh doanh. Bên cạnh đó, ông Cung cũng cho rằng, tuyệt đối tránh việc cứ mỗi khi xã hội, nền kinh tế xuất hiện một hình thức kinh doanh mới, cơ quan quản lý lại cho ra đời hàng loạt các điều kiện kinh doanh, thủ tục rườm rà để quản lý, chi phối.

TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: “Khi các bộ, ngành, địa phương đã xác định cắt bỏ điều kiện kinh doanh thì cần phải có phương thức quản lý, giám sát việc thực thi quy định, tránh tối đa việc tái lập thủ tục, điều kiện kinh doanh",

Liên quan tới vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định, khi điều kiện kinh doanh xóa bỏ thì không một nơi nào có thể đòi hỏi thêm các giấy phép con, việc kiểm tra phải dựa trên các quy chuẩn và tiêu chuẩn đã được lượng hóa bằng các quy định của pháp luật một cách công khai, minh bạch và hơn nữa là giúp loại bỏ được một số công chức có thể gây khó dễ cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Thứ trưởng Khánh cũng cho rằng, các bộ ngành không thể đủ lực lượng để kiểm tra hết mà chỉ đưa ra các quy chuẩn, tiêu chuẩn còn ở địa bàn nào thì phải do chính quyền địa phương đó giám sát, kiểm tra.

Đối với các cơ quan chức năng, ông Khánh cho rằng phải chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm mới giải quyết được vấn đề "tái mọc" điều kiện kinh doanh./.