Ngày 27/11/2017, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan) tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2017.

Doanh nghiệp “kêu” khó

Phát biểu tại hội nghị, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, những nỗ lực cải cách thuế, hải quan đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Tại Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2018 do Ngân hàng Thế giới vừa công bố, chỉ số nộp thuế năm thứ 4 liên tiếp được đánh giá là một trong những chỉ số có tác động tích cực nhất với môi trường kinh doanh chung ở Việt Nam, tăng 81 bậc và đứng thứ 86/190.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, thời gian tới, bên cạnh các giải pháp về cơ cấu lại ngân sách nhà nước bảo đảm an toàn bền vững nền tài chính quốc gia, củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính hiệu quả, công bằng, thực hiện đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế xã hội, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ở góc độ khác, ông Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, mặc dù ghi nhận những chính sách, pháp luật về thuế đã thay đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số quy định trong chính sách thuế thay đổi nhanh chóng khiến doanh nghiệp gặp khó.

Các đại biểu tại hội nghị

Ông Khương phát biểu: “Thậm chí, nhiều doanh nghiệp cho biết có nhiều nghị định, thông tư về thuế vừa ra đã chỉnh sửa bổ sung, văn bản ra lúc nào doanh nghiệp cũng không biết. Điều đó khiến cho nhiều doanh nghiệp nắm bắt không kịp các thay đổi về thủ tục, chính sách thuế nói riêng và thay đổi pháp luật liên quan đến sản xuất kinh doanh nói chung", ông Khương nói.

Đại diện VCCI cũng cho rằng, do quy định, hướng dẫn về các loại thuế còn dàn trải ở nhiều thông tư, nghị định của các năm khác nhau, khiến doanh nghiệp lúng túng trong việc áp dụng luật thuế. Trong khi đó, thủ tục dành cho các doanh nghiệp nợ thuế, phạt chậm nợ thuế còn rườm ra, phức tạp, làm khó doanh nghiệp; mức phạt khoản tiền chậm nộp quá cao khiến doanh nghiệp gặp thêm khó khăn về kinh doanh.

Đặc biệt, về quá trình thanh kiểm tra, ông Khương chỉ ra rằng, trong một số trường hợp, thanh kiểm tra thuế quá chậm, đến khi kiểm tra sau 5 năm thậm chí 10 năm mới kiểm tra thì tính phí nộp chậm/ngày của chi phí không hợp lý, khiến bị truy thu vừa tiền lãi chậm nộp lên hơn 100 triệu chẳng hạn thì doanh nghiệp "chỉ còn nước phá sản".

Ông Khương nói: “Khi thanh kiểm tra thuế cán bộ thuế yêu cầu hàng loạt biểu mẫu. Nếu không có, thì phạt mà nhiều hồ sơ để có phục vụ mỗi lần thanh tra kiểm tra, doanh nghiệp lại như đi van lạy, xin các đối tác, mà đâu phải đối tác nào cũng lưu trữ hồ sơ giấy tờ có hệ thống”.

Cũng theo ông Khương, hiện tại khá nhiều doanh nghiệp lo ngại khả năng tuân thủ chính sách, pháp luật thuế. Trong đó, phần lớn hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đều là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, không có nhiều thời gian cũng như nguồn lực dành cho bộ phận kế toán làm việc chuyên sâu và bài bản.

Đối với lĩnh vực hải quan, ông Khương cho biết, trong thực tế doanh nghiệp vẫn e sợ thủ tục hải quan do công chức cán bộ hải quan có thể viện lý do quá tải, giải quyết hồ sơ tồn đọng trước đó… mà làm chậm hồ sơ của mình.

Đại diện VCCI cũng đề cập tới tình trạng cán bộ hải quan hay bắt lỗi nhỏ nhặt của doanh nghiệp để làm khó, nên doanh nghiệp phải tự mình bồi dưỡng cho công chức cán bộ hải quan (ở hầu hết các khâu công chức cán bộ hải quan có tiếp xúc người làm thủ tục xuất nhập khẩu của doanh nghiệp).

Ông Khương nói: "Chi phí ngoài quy định quá nhiều vì còn quá nhiều khâu doanh nghiệp phải trực tiếp làm việc với phía hải quan”.

Về vấn đề kiểm tra chuyên ngành, ông Khương đánh giá, đây hiện đang là một trong những rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp bởi thực tế có quá nhiều văn bản, thông tư, nghị định chồng chéo của các cơ quan chuyên ngành làm doanh nghiệp dễ bị nhiễu loạn và rối loạn thông tin.

Tiếp tục gỡ khó cho doanh nghiệp

Trước những khó khăn trên, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, sửa đổi các văn bản luật và dưới luật theo hướng tiếp cận thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và thể chế bằng văn bản. Các biểu mẫu cũng không nên thay đổi quá nhiều nếu không thực sự cần thiết phải thay đổi thì giữ ổn định trong thời gian nhất định.

Cần có cơ chế để doanh nghiệp tiếp cận một số thông tin liên quan đến giá trị hàng hóa, đặc biệt liên quan đến quá trình chuyển giá, tránh để các doanh nghiệp trong nước thiệt thòi khi có hợp tác trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, cần nâng cao tỷ trọng áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình tiếp cận và giải quyết các thủ tục hành chính.

Ông Khương nhấn mạnh: “Tiếp tục rà soát, tiếp cận các phản hồi của doanh nghiệp và người dân đối với những cán bộ còn có thái độ và biểu hiện vòi vĩnh, chung chi với doanh nghiệp, góp phần nâng cao hình ảnh của cán bộ thuế, hải quan văn minh, hiện đại và đồng hành cùng doanh nghiệp trong sự nghiệp sản xuất, kinh doanh của họ”.

Lắng nghe những ý kiến trên, Thứ trưởng Mai khẳng định, thời gian tới, ngành Tài chính sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, trọng tâm là lĩnh vực thuế, hải quan, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ.

Thứ trưởng Mai cũng cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách thuế hải quan, khuyến khích khởi nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh doanh nghiệp.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định: “Trước mắt hướng tới đạt mục tiêu môi trường kinh doanh bằng mức trung bình ASEAN 4, rút thời gian thông quan còn 70 giờ, hàng hóa nhập khẩu còn 90 giờ; hoàn thuế điện tử đạt tối thiểu 70% về số thủ tục và 70% về số hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng điện tử giải quyết trong quý IV/2017. Đồng thời tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc”./.