Thông tin từ Samsung cho biết, trong hai ngày, 29-30/11/2017, Ban lãnh đạo Samsung Việt Nam đã thực hiện chuyến thăm, làm việc và khảo sát 6 doanh nghiệp đã tham gia vào chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp do chính chuyên gia của Samsung đến từ Hàn Quốc thực hiện.

Trong vòng 12 tuần, các chuyên gia Hàn Quốc đã khảo sát, đánh giá các doanh nghiệp trong thời gian 2 tuần và trực tiếp tư vấn, làm việc cùng doanh nghiệp Việt trong 10 tuần tiếp theo nhằm cải tiến quy trình sản xuất và hoàn thiện các tiêu chuẩn trong việc cung ứng sản phẩm, linh kiện cho các nhà máy của Samsung tại Việt Nam.

6 doanh nghiệp tham gia tư vấn lần này gồm có 3 doanh nghiệp tại phía Bắc và 3 doanh nghiệp tại phía Nam. Khảo sát cho thấy các công ty đã đạt được những kết quả tốt trong cải tiến sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong đó, Công ty Cổ phần Manutronics Việt Nam hiện là nhà cung ứng cấp 2 của Samsung Electronics Việt Nam (SEV) và Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT), sản xuất đĩa quang (CD, DVD, CD-R) và lắp ráp điện tử công nghệ cao. Sau 3 tháng tham gia chương trình tư vấn cải tiến, tỷ lệ hàng lỗi công đoạn PQC (Công đoạn kiểm tra đầu/giữa/cuối) của Manutronics Việt Nam đã giảm 63%, giảm chi phí tồn kho nhựa 35%, giảm tỉ lệ thất thoát thiết bị đến 82%.

Tổng Công ty Tiến Thành - công ty in và bao bì Châu Thái Sơn hiện là nhà cung ứng cấp 2 của Samsung Display Vietnam (SDV) và Samsung SDI Việt Nam (SDIV), hoạt động trong lĩnh vực đóng gói, in ấn. Chương trình tư vấn cải tiến với sự hỗ trợ của các chuyên gia Samsung đã giúp Tiến Thành khắc phục triệt để một số công đoạn phải kể đến như tỷ lệ lỗi in sai màu từ 6% xuống còn 0%, tỷ lệ lỗi in sai maket từ 0.83% xuống còn 0%. Với những cải tiến về trang thiết bị, năng suất lao động cũng tăng từ 600 sản phẩm/giờ lên 700 sản phẩm/giờ. Tỷ lệ sản phẩm lỗi khi đến tay khách hàng cũng giảm liên tục với tỉ lệ giảm 71%. Giá trị hàng tồn kho do vậy mà cũng giảm 26% sau chương trình tư vấn cải tiến.

Khảo sát tại CTCP Công nghệ Bắc Việt

CTCP Công nghệ Bắc Việt là nhà cung ứng cấp 2 của Samsung Electronics Việt Nam (SEV) và Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) trong lĩnh vực sản xuất khuôn mẫu chính xác và linh kiện nhựa điện tử. 12 tuần tham gia chương trình tư vấn đã mang tới cho Bắc Việt những kết quả cải tiến đáng kể từ việc sản xuất, chất lương sản phẩm cũng như việc quản lý tồn kho. Theo đó tỷ lệ tồn kho giảm ở mức 37% trong tháng 8 xuống còn 24% trong tháng 11. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia Samsung, Bắc Việt cũng đã xây dựng thành công hệ thống cải tiến lỗi mãn tính, giúp đo lường và phân tích lỗi để kịp thời lập phương án cải tiến và đối sách phòng ngừa. Tỷ lệ lỗi PQC theo đó giảm tới 63% sau quá trình cải tiến.

Công ty TNHH Sản xuất Thương mại In Minh Mẫn là doanh nghiệp tiềm năng, đang trong quá trình xem xét để ký hợp đồng cung ứng. Minh Mẫn hoạt động trong lĩnh vực in ấn với các sản phẩm nổi bật như nhãn mác có hiển thị đèn và nút, nhãn mác decal, nhãn ngoài trời.. Sau chương trình tư vấn, Minh Mẫn có sự thay đổi đáng kể về tỷ lệ hàng lỗi với việc giảm 72% tỷ lệ lỗi ở đầu khách hàng; 22% tỷ lệ lỗi công đoan PQC. Trong quá trình cải tiến với việc thực hiện khoa học quy trình nhập trước xuất trước và ngăn ngừa số lượng vật tư tồn lâu, Minh Mẫn đã giảm đáng kể giá trị tồn kho vật tư từ 1,6 tỷ đồng trong 46 ngày xuống còn 0.9 tỷ đồng với thời gian lưu kho là 23 ngày, giảm tồn kho thành phẩm từ 3,6 tỷ đồng trong 29 ngày xuống còn 1,1 tỷ đồng trong 8 ngày.

Còn Công ty Nhật Minh được đánh giá là doanh nghiệp nhiều tiềm năng, đang trong quá trình xem xét để ký hợp đồng cung ứng. Nhật Minh hoạt động trong lĩnh vưc khuôn mẫu chính xác và chi tiết nhựa cho ngành công nghiệp điện, điện tử và ô tô. Tham gia chương trình tư vấn cải tiến với sự hỗ trợ của các chuyên gia Samsung, Nhật Minh đã có những cải tiến đáng kể trong quy trình vận hành và sản xuất, rút ngắn thời gian lưu kho thành phẩm từ 13 ngày xuống còn 10 ngày, tiết kiệm gần 200 triệu đồng giá trị hàng tồn kho thành phẩm mỗi tháng. Một thay đổi đáng kể sau quá trình cải tiến là việc lắp cánh tay robot và băng tải tự động hỗ trợ việc mở cửa khuôn lấy sản phẩm do đó rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện phần công việc này. Bên cạnh đó, việc quản lý ghi chép đo lường, giúp Nhật Minh kiểm soát tốt lỗi tại các công đoạn để xử lý trước và tăng cường hoạt động cảI tiến.

Công ty Vinavit là doanh nghiệp tiềm năng, đang trong quá trình xem xét để ký hợp đồng cung ứng chuyên sản xuất bu lông, ốc vít…Khi tham gia chương trình tư vấn, Vinavit đã cải tiến đáng kể môi trường làm việc giúp ngăn ngừa và đề phòng tai nạn. Bên cạnh đó, Vinavit đã nâng thời gian máy chạy thực tế từ 65% lên đến 84,3%. Hiệu suất lao động vì thế mà được nâng lên 29%, số lượng hàng tồn giảm đáng kể từ 250 tấn trong 20 ngày xuống còn 70 tấn trong 3 ngày.

Cùng với việc hoàn thành chương trình tư vấn cải tiến cho 12 doanh nghiệp Việt tiềm năng, cũng trong năm 2017, Samsung đạt mục tiêu tăng số doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 lên tổng số 29 doanh nghiệp.

Tiến đến mục tiêu 50 nhà cung ứng cấp 1 đến năm 2020, đồng thời tạo ra sự lan toả rộng khắp giúp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam, Samsung đã hợp tác với Bộ Công thương nhân rộng chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp với sáng kiến thành lập Ban Cố vấn xây dựng và triển khai chương trình trên diện rộng.

Thông tin từ Samsung cho biết, Ban Cố vấn của chương trình sẽ gồm các thành viên đến từ Bộ Công thương, Sở Công thương Bắc Ninh, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Công nghiệp phụ trợ Việt Nam, Hiệp hội Điện tử Việt Nam và các giáo sư từ các trường đại học.

Dự kiến, chương trình này sẽ đi vào triển khai trong tháng 12/2017, với mục tiêu đào tạo ra đội ngũ chuyên gia cốt cán người Việt Nam, đóng vai trò là hạt nhân để đào tạo nhân rộng cho các doanh nghiệp trong nước.

Đánh giá về chương trình này, ông Shim Won Hwan, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Điện tử Việt Nam cho biết: “Chương trình Tư vấn cải tiến doanh nghiệp được Samsung tổ chức từ năm 2015 đến nay đã giúp cho tổng số 26 doanh nghiệp Việt Nam đạt được nhiều thành tích tốt trong quá trình cải tổ doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh. Chúng tôi tin rằng, mô hình tư vấn này khi được nhân rộng với sự hợp tác từ Bộ Công Thương sẽ tạo ra những tác động to lớn trên diện rộng. Đây chính là động lực để chúng tôi kiên trì và bền bỉ với những nỗ lực đồng hành cùng sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam nói chung”.

Sau những nỗ lực nhằm tìm kiếm và kết nối với các nhà cung ứng Việt, con số các doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung cứng cấp 1 của Samsung đã tăng lên mạnh mẽ: từ 4 doanh nghiệp năm 2014 lên tới 29 doanh nghiệp tại thời điểm hiện tại. Các doanh nghiệp này hiện đang tham gia chuỗi cung ứng cho các nhà máy của Samsung tại Việt Nam là Samsung Electronics Việt Nam (SEV), Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT), Tổ hợp SEHC (Tp. Hồ Chí Minh), Samsung Display Vietnam (Bắc Ninh), Samsung SDI Việt Nam (Bắc Ninh) và Samsung Điện cơ Electro-Mechanics Việt Nam (Thái Nguyên)./.