Ngày 05/12/2017, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp cùng Báo Văn hóa tổ chức hội thảo “Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh”.

Vẫn “thờ ơ” với văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh

Phát biểu tại hội thảo, bà Chu Thị Thái Hằng, Tổng Biên tập Báo Văn hóa cho biết, hiện nay, trong khi, đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp gắn liền với lợi nhuận, triết lý kinh doanh, sự sống còn và phát triển bền vững của doanh nghiệp, thì hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam thiếu kiến thức và kinh nghiệm trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thậm chí mơ hồ và không quan tâm.

“Những vụ việc gần đây, như: khăn lụa “made in China” Khaisilk hay lô mỹ phẩm 11 tỷ đồng không rõ xuất xứ của Công ty TNHH Thiên nhiên TS Việt Nam đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về một bộ phận doanh nghiệp sẵn sàng vì lợi nhuận để đánh đổi tất cả”, bà Hằng nhấn mạnh.

Vì lợi nhuận, Khaisilk đã bất chấp bán khăn lụa "made in China"

Nhận định về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cũng cho biết, văn hóa doanh nghiệp ở Việt Nam hiện đang có 2 bức tranh đối lập nhau: một bên là doanh nghiệp có văn hóa, đạo đức và giữ triết lý về môi trường, triết lý về quốc gia, triết lý về doanh nghiệp và triết lý cách sống...; Còn một bên là doanh nghiệp chỉ đặt lợi nhuận lên tất cả, bất chấp luân thường đạo lý, như: vụ Khaisilk, vụ lô mỹ phẩm trị giá 11 tỷ đồng…

“Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của doanh nghiệp Việt Nam trong mắt người tiêu dùng trong và ngoài nước”, TS. Thành cho biết.

TS. Nguyễn Minh Phong, Phó Ban Tuyên truyền Lý luận, Báo Nhân dân cũng cho rằng, tình trạng doanh nghiệp có vi phạm quyền lợi người tiêu dùng còn khá phổ biến, nhất là ở lĩnh vực an toàn thực phẩm, an toàn thông tin, chất lượng hàng hóa.

Ví dụ như ở Hà Nội trong giai đoạn 2011-2016, các cơ quan chức năng kiểm tra hơn 824 nghìn cơ sở, phát hiện hơn 135 nghìn cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, xử lý hơn 41 nghìn vụ, phạt tiền hơn 18,4 nghìn cơ sở với tổng số tiền phạt trên 92 tỷ đồng, tiêu hủy thực phẩm không an toàn gần 48 tỷ đồng. Năm 2016, tổng số mẫu thực phẩm xét nghiệm là 24.905 mẫu, phát hiện 443 mẫu không đạt chiếm tỷ lệ 1,8%, tiền hành truy xuất nguồn gốc và tiêu hủy gần 10 tấn sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Để xảy ra tình trạng trên, ông Phong cho biết, là do nhận thức sai lệch, cực đoan của chủ doanh nghiệp liên quan đến văn hóa doanh nghiệp, tạo ra hiệu ứng sai lệch, từ đó thiếu tôn trọng người tiêu dùng khi đưa sản phẩm ra thị trường. Đồng thời cũng do cơ quan nhà nước bao che, dung túng doanh nghiệp có chất lượng thấp vì đã nhận phí bôi trơn…

Ở góc độ khác, PGS, TS. Nguyễn Quốc Thịnh, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh lại cho rằng, để xảy ra tình trạng trên, cũng là do người tiêu dùng quá hiền, hiện có tình trạng nhiều người tiêu dùng chấp nhận dùng hàng giả, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, như: sử dụng phầm mềm máy tính trái phép… khiến các doanh nghiệp có cơ hội phát triển.

Đừng chỉ “đau đáu” nghĩ tới lợi nhuận!

Trước thực trạng doanh nghiệp vẫn “thờ ơ” với văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh, bà Chu Thị Thái Hằng cho biết, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, muốn đứng vững trước sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường trong và ngoài nước, mỗi doanh nghiệp không những phải trang bị cho mình những kiến thức những công nghệ cần thiết mà cần phải xây dựng cho mình một nền tảng văn hóa doanh nghiệp vững chắc…

“Văn hóa doanh nghiệp khi được xây dựng hoàn thiện không những kích thích sức phát triển sản xuất mà còn có ý nghĩa quan trọng để xây dựng uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp”, bà Hằng nhấn mạnh.

Bà Hằng cũng cho biết, xây dựng văn hóa doanh nghiệp gồm một số vấn đề căn bản, như: Xây dựng triết lý hoạt động của doanh nghiệp; đạo đức kinh doanh; hệ thống hàng hóa và dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp cho thị trường; phương thức tổ chức hoạt động của doanh nghiệp; phương thức giao tiếp của doanh nghiệp với xã hội…

TS. Võ Trí Thành cho biết, ở Israel, quả trứng gà đẻ nhân văn đã có giá cao hơn rất nhiều gà công nghiệp, tức là con gà được bay, chạy nhảy thoải mái và khi đó đẻ trứng là đẻ nhân văn. Hay con lợn ở châu Âu, nếu giết mổ mà không chết ngay, thì cũng không được mang ra thị trường bán. “Điều đó chững tỏ doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường không nhân văn, thì sẽ khó có thể tồn tại và phát triển bền vững”, ông Thành nhấn mạnh.

Theo đó, TS. Thành mong rằng, doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng có văn hóa và trách nhiệm với cộng đồng và chữ doanh nhân, doanh nghiệp sẽ trở thành một chữ “viết hoa”.

Cũng đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp, PGS, TS. Nguyễn Quốc Thịnh cho biết, ngày nay, cách nhìn nhận về thương hiệu đã khác rất nhiều. Việc xây dựng thương hiệu chính là tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp, của khách hàng với thị trường. Việc xây dựng thương hiệu chính là đưa ra những cam kết có trách nhiệm, dựa trên đạo đức, dựa trên mong muốn của khách hàng, của cộng đồng.

PGS, TS. Thịnh cho biết: “Doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển bền vững thì đừng chỉ có đau đáu nhìn vào lợi nhuận mà phải tìm được giá trị của doanh nghiệp và quan trọng là phải có cam kết sản phẩm đưa ra thị trường và có cách thức ứng xử văn minh với khách hàng”./.