Ngày 06/12/2017, Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội và WWF-Việt Nam phối hợp tổ chức tọa đàm “Nhìn từ APEC 2017: Cơ hội phát triển bền vững cho doanh nghiệp”.

Số doanh nghiệp thực hiện CSR rất ít

Phát biểu tại tọa đàm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp hoạt động tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp gia tăng lợi thế cạnh tranh trong môi trường hội nhập khi đối tác quốc tế và các nhà nhập khẩu đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ các chuẩn mực toàn cầu về lao động và bảo vệ môi trường.

Chính vì vậy, theo bà Lan, trách nhiệm xã hội doanh nghiệp đã không còn là một sự cam kết tự nguyện mà chính là một yêu cầu tất yếu và tiên quyết cho sự cạnh tranh và phát triển bền vững của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự quan tâm đến CSR

Nói về thực trạng doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội ở Việt Nam, bà Lan cho biết, các hệ ý tưởng về CSR đã đưa vào Việt Nam từ cách đây 20 năm. Tuy nhiên, trong số các doanh nghiệp tham gia cam kết thực hiện CSR, thì chủ yếu là các công ty đa quốc qua, còn doanh nghiệp Việt Nam tham gia không nhiều.

“Đáng buồn hơn là, trong số ít các doanh nghiệp Việt Nam cam kết thực hiện CSR đó, lại có nhiều doanh nghiệp không có ý nghĩa giúp đỡ cộng đồng thực sự, mà chỉ dùng việc đó để PR bản thân và doanh nghiệp”, bà Lan cho biết.

Đồng tình với ý kiến trên, Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc Trung tâm khoa học tư duy thuộc Bộ Khoa học công nghệ, Chủ tịch Hội tri thức 3.0 cũng cho biết, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa hiểu hết bản chất của CSR, nên hiện nay rất nhiều công ty, tập đoàn của Việt Nam đang thực hiện CSR một cách rất “thô”, đó là đưa CSR vào ngân sách marketing và coi những chuyện đi làm từ thiện là một cách marketing để kiếm tiền.

Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa còn cho biết, trong khi các doanh nghiệp trên thế giới rất coi trọng CSR, thậm chí nhiều công ty còn để Ban CSR trong cơ cấu hội đồng quản trị, nằm trên ban điều hành và ban tổng giám đốc để đưa ra các vấn đề về triết lý phát triển của doanh nghiệp, thì các doanh nghiệp Việt Nam chỉ xếp CSR nằm dưới bộ phận marketing. Ban CSR đi đâu, làm gì cũng phải theo chỉ đạo của marketing để có lợi ích nhất cho mình.

“Đây là những hiện tượng có thật mà các doanh nghiệp Việt Nam vẫn hay làm và điều này cho thấy những nhận thức sai lệch về việc thực hiện CSR, từ đó có thể lý giải vì sao CSR ở Việt Nam mãi không phát triển”, ông Hòa nhấn mạnh.

Đừng chỉ coi CSR là trách nhiệm!

Đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp, ông Hòa cho biết, hiện nay, khi tính giá trị của một doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, tiền và báo cáo tài chính chỉ chiếm 30% độ tin cậy, còn lại là các giá trị lớn khác nằm ở tài sản vô hình, như: về lòng trung thành về thương hiệu và về niềm tin, về sự yêu quý và kinh nghiệm của các chuyên gia trong công ty và đặc biệt cuối cùng là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Chính vì vậy, ông Hoa cho biết, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng thay đổi tư duy về vai trò của CSR, bởi nếu thực hiện tốt CSR, doanh nghiệp sẽ đạt được giá trị vô hình rất lớn và từ giá giá trị vô hình đó sẽ được chuyển thành giá trị tài chính cho doanh nghiệp.

“Đừng chỉ coi CSR là trách nhiệm, là tốn tiền, mà hay coi nó là quyền lợi. Đây là quan điểm mang tầm triết lý của sự phát triển”, ông Hòa nhấn mạnh.

Về phía Chính phủ, ông Hòa kiến nghị, Chính phủ cần phải tạo ra những “ngách quyền lợi” thực sự cho doanh nghiệp làm tốt về CSR, để biến những giá trị vô hình của doanh nghiệp thành tài sản hữu hình, từ đó các doanh nghiệp doanh nhân ắt sẽ tự nguyện thực hiện.

Đại diện cho doanh nghiệp thực hiện tốt CSR trên toàn cầu, ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Tài Chính B.Braun Việt Nam chia sẻ, để thành công như hiện nay B.Braun rất quan tâm đến việc thực hiện CSR, trong đó, tính bền vững là nguyên tắc định hướng quan trọng cho các hoạt động của B. Braun Việt Nam, như: tạo ra các giá trị bền vững cho nhân viên, xã hội và môi trường là rất quan trọng.

“Bên cạnh đó, B. Braun Việt Nam luôn hướng tới các hoạt động bảo vệ môi trường và các loài hoang dã thông qua việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên có trách nhiệm và hợp pháp, đặc biệt không sử dụng các nguồn nguyên liệu từ động, thực vật hoang dã nguy cấp để sản xuất ra các sản phẩm và dịch vụ y tế có tác dụng chữa bệnh nhưng vẫn thân thiện với môi trường", ông Hùng cho biết./.