Nông dân vẫn… khổ nhất

Các diễn giả tham dự hội thảo đã đưa ra bức tranh sáng tối về vùng nông thôn Việt Nam và chia sẻ những khó khăn, thách thức đối với người nông dân, nhất là trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Khi khắc họa về người nông dân Việt Nam, GS. Nguyễn Lân Dũng đã chua xót mà rằng: "Người nông dân Việt Nam chỉ đủ ăn, đủ no, đủ ấm, nhưng… không có tiền".

Dẫn chứng cho nhận định này, vị giáo sư này cho biết, tính trung bình thu nhập một ngày của người nông dân chỉ vẻn vẹn 2.000 đồng. "Với số tiền ít ỏi như vậy, người nông dân sẽ ra sao khi ốm đau?", GS. Dũng băn khoăn.

Ông nói tiếp đầy chua xót: "Chúng ta có danh xuất khẩu gạo số 1 thế giới nhưng tiền xuất khẩu gạo chỉ đủ bù để nhập ngô và đậu tương cho thức ăn chăn nuôi".

Đồng tình với quan điểm của GS. Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường chia sẻ thêm: “Chúng ta đang bàn về người nông dân thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong khi tam nông hiện nay có ba cái nhất, người nông dân khổ nhất, nông nghiệp khó khăn nhất, nông thôn nghèo nhất”.

Tìm lối ra cho người nông dân: Cách nào?

Để người nông dân sống được trong bối cảnh hiện nay, theo ông Nguyễn Quốc Cường cho rằng họ phải có trình độ khoa học công nghệ, khả năng tiếp cận được với công nghệ mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phải thạo nghề, có kiến thức sản xuất hàng hóa, có kiến thức về kinh tế thị trường, biết sử dụng công cụ tin học, cơ giới trong sản xuất, tăng cường vai trò của xã hội và cộng đồng. Bên cạnh đó, cần huy động các nhà khoa học dành nhiều nghiên cứu và hướng dẫn cho nông dân cách thức, quy trình sản xuất thật cụ thể, ngắn gọn để họ tự vươn lên.

Nhấn mạnh vào sự chủ động của người nông dân, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: “Cần đưa ra chính sách cụ thể, các chính sách về giá cả, vật tư, con giống, thức ăn, thuốc thú y cho đến đầu ra của sản phẩm, đồng thời có chính sách bảo hộ cho sản xuất nông nghiệp trong nước, tìm ra thể chế để người nông dân sáng tạo, lựa chọn thị trường cho mình”.

Nhìn ở góc độ bao quát hơn, PGS, TSKH. Bùi Quang Dũng, Viện Xã hội học thì nhìn nhận, cần xem tái cấu trúc ngành nông nghiệp là nhân tố hàng đầu và then chốt để giảm nghèo và tăng thu nhập. Chú trọng phát triển khu vực kinh tế phi nông nghiệp trong nông thôn, hình thành khu vực dịch vụ và nghề phụ, làng nghề truyền thống. Các chính sách và biện pháp giảm nghèo cần tập trung vào vùng sâu, vùng xa, các xã đặc biệt khó khăn.

“Cụ thể, cần phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh mới trong nông thôn (đặc biệt là các hình thức liên kết hợp tác mới) nhằm tận dụng mọi nguồn lực về đào tạo nghề nghiệp cho lao động nông thôn”, ông Dũng cho biết.

Bên cạnh đó tăng cường hỗ trợ nông dân về vốn sản xuất dưới mọi hình thức và theo các kênh khác nhau như: tín dụng ngân hàng, quỹ hỗ trợ nông dân… Mở rộng tuyên truyền sâu rộng dưới nhiều hình thức về các loại hình bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong nông thôn. Đồng thời, tổ chức đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động ở nông thôn, bao gồm cả tầng lớp lãnh đạo, quản lý ở cấp xã.

Còn theo ông Hoàng Xuân Thành, cần hình thành các tổ nhóm nông dân phi chính thức, bán chính thức xuất phát từ nhu cầu liên kết, hợp tác thực sự của người dân có thể giúp cải thiện đời sống và giảm nghèo, ngoài ra, phát triển một số hợp tác xã kiểu mới, hoạt động đem lại lợi ích cho các xã viên, đồng thời một số doanh nghiệp cần thúc đẩy tiếp cận thị trường theo chuỗi cho các mặt hàng nông sản của đồng bào dân tộc thiểu số với xu hướng đôi bên cùng có lợi./.

Vừa qua, báo cáo từ cuộc khảo sát 3.700 hộ gia đình tại 12 tỉnh trên cả nước của CIEM cho thấy, thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình ở nông thôn đang giảm dần và tỷ lệ hộ nghèo không giảm trong giai đoạn 2010-2012, tương ứng số hộ tái nghèo tăng lên. Theo đó, thu nhập trung bình của hộ thuần nông chỉ đạt 48.618 đồng/ngày, tức khoảng 1.458.000 đồng/tháng.