Toàn cảnh Diễn đàn

Nhiều thác thức

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bảo hiểm nông nghiệp là một sản phẩm bảo hiểm truyền thống nằm trong số hơn 500 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ hiện hành trên thị trường bảo hiểm thế giới (bao gồm trên 250 sản phẩm bảo hiểm tài sản, gần 200 sản phẩm bảo hiểm con người và xấp xỉ 100 sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm). Chính vì vậy, tham gia bảo hiểm nông nghiệp sẽ giúp người dân yên tâm sản xuất.


Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

“Việt Nam là một nước nông nghiệp, nhưng hàng năm thiên tai, dịch bệnh đã cướp đi của người nông dân khối tài sản ước tính 1,5% GDP. Vì vậy, người nông dân cần một sự bảo đảm cho thành quả và công sức lao động của mình và bảo hiểm nông nghiệp chính là hi vọng chuẩn xác nhất. Đặc biệt, Bảo hiểm nông nghiệp được coi là tấm khiên vững chắc, đưa ngành nông nghiệp ngày càng tiệm cận hơn với sản xuất hàng hóa mà điều đó phải bắt nguồn từ chính các doanh nghiệp và sự thay đổi tư duy từ người nông dân”, ông Phòng nói.

Cùng chung quan điểm này, ông Tăng Minh Lộc, Phó chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông nghiệp Việt Nam cho rằng, bảo hiểm nông nghiệp là yếu tố quan trong thúc đấy phát triển nền nông nghiệp hàng hóa bền vững.

“Tham gia bảo hiểm nông nghiệp sẽ giúp tất cả nông dân tuân theo quy trình sản xuất tiên tiến, giúp sản xuấ an toàn, năng suất tăng, chất lượng tăng, giá thành giảm, từ đó giúp tăng thu nhập. Vì có bảo hiểm nên người nông dân tự tin sản xuất theo chỉ đạo, mở rộng quy mô sản xuất nên tăng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, mở rộng quy mô từ đó sẽ có nhiều sản phẩm hàng hóa hơn. Bên cạnh đó, bảo hiểm cũng giúp giảm thiểu rủi ro cho người dân, khi gặp thiên tai sẽ đc cơ quan bảo hiểm xét để bồi hoàn, có cơ hội tái sản xuất, phát triển bền vững”, ông Lộc chia sẻ.

Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay, việc triển khai và nhân rộng chương trình bảo hiểm nông nghiệp đang gặp không ít những thách thức. Bởi cả người nông dân và doanh nghiệp đều chưa “mặn mà” trong lĩnh vực này. Đối với doanh nghiệp thì đây là lĩnh vực có độ rủi ro cao, đòi hỏi vốn lớn, thời gian thu hồi vốn chậm. Trong khi đó, phần lớn người dân đều chưa có điều kiện tham gia bảo hiểm, họvẫn theo lề nối sản xuất cũ, trình độ chưa cao, chưa hiểu hết được ý nghĩa thực sự của bảo hiểm nông nghiệp.

“Năm 2011, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định 315/2011/QĐ-TTg và đạt được một số kết quả bước đầu, như: Vận động được 304.017 hộ nông dân mua bảo hiểm cho nuôi trồng thủy sản, cây lúa và vật nuôi (trâu, bò, lơn, gà) với doanh thu phí bảo hiểm đạt 394 tỷ đồng, tuy nhiên doanh nghiệp cũng giải quyết bồi thường 712,9 tỷ đồng cho người mua bảo hiểm (chủ yếu là bồi thường thủy sản 306% doanh thu)”, bà Hoàng Thị Tính - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC).

Bên cạnh đó, bà Tính cũng cho rằng, bảo hiểm nông nghiệp đòi hỏi vốn lớn, có số đông người tham gia bảo hiểm, cần kênh phân phối lớn, nhưng ít doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu này. Trong khi khâu đánh giá rủi ro gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp chưa hiểu hết tập quán sản xuất của người nông dân. Hơn nữa, khu vực nông thôn lại thường xuyên xảy ra thiên tai, dịch bệnh, ẩn chứa nhiều rủi ro, trong khi, quy trình trồng trọt, chăn nuôi còn chưa phù hợp, thiếu sự kiểm soát. Nông dân còn sản xuất manh mún.

Đồng tình với quan điểm này, ông Hoàng Xuân Điều – Phó Chủ tịch Ban Giám định bồi thường xe cơ giới, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, trong quá trình thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp cũng đã có những kết quả nhất định. Nhưng đang tồn tại một số bắt cập khi thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, như: Bộ sản phẩm còn chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người nông dân ở một số địa bàn; tại một số nơi, người dân chưa mặn mà và chưa quan tâm đến bảo hiểm nông nghiệp, thời gian thí điểm ngắn, có nhiều thay đổi chưa kịp đi vào cuộc sống; Quá trình khai thác bảo hiểm, giám định tổn thất, quản lý rủi ro…còn yếu; Hệ thống thu thập số liệu, thống kê…chưa hoàn thiện; Chương trình bị gián đoạn gây khó khăn cho các bên triển khai, nhu cầu bảo hiểm nông nghiệp của người dân chưa được đáp ứng kịp thời...

Để thúc đẩy thị trường bảo biểm nông nghiệp

Đề cập đến định hướng trong chính sách nhằm thúc đẩy thị trường bảo hiểm nông nghiệp, ông Đàm Quang Thắng – Chủ tịch Hiệp hội hóa chất nông nghiệp Hà Nội đề cho rằng, chính sách hỗ trợ nên tập trung trực tiếp vào cây trồng vật nuôi có giá trị; tập trung vào việc sản xuất hướng tới xuất khẩu theo tiêu chuẩn các nước trên thế giới; tập trung vào việc sản xuất theo các vùng tập trung: vải thiều Lục Ngạn...

“Thay vì chính sách hỗ trợ cho người nghèo vì bản thân các doanh nghiệp đã hỗ trợ quá nhiều, ông Thắng đề nghị hỗ trợ liên kết sản xuất, mà liên kết thì rất cần có bảo hiểm. Cùng với đó là hỗ trợ vào vùng có sản xuất cây trồng vật nuôi có xuất khẩu: Không cần hỗ trợ 100%, chỉ cần hỗ trợ 1 phần nào đó”, ông Thắng kiến nghị.

Đồng tình với đề xuất của ông Thắng, ông Ngô Viết Trung cho rằng, về định hướng chính sách bảo hiểm nông nghiệp trong thời gian tới, trước hết cần tới sự ban hành Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp để tạo cơ sở pháp lý tiếp tục triển khai, phát huy được các kết quả tích cực và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian thí điểm,…Tiếp đó cần đề xuất chính sách theo dự thảo Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp. Cụ thể là, Dự thảo nghị định sẽ đưa ra danh mục cây trồng vật nuôi cụ thể. Đối tượng hỗ trợ, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình hợp tác, quy mô lớn, áp dụng quy trình sản xuất tập trung, tiên tiến… Tuy nhiên, chính sách của Đảng và Nhà nước có tính đan xen giữa an sinh xã hội và hỗ trợ sản xuất nên chúng tôi cố gắng tách 2 yếu tố đó và tập trung hỗ trợ sản xuất.

Ông Ngô Việt Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm - Bộ Tài chính

“Theo thí điểm, hộ nghèo được 100%, các đối tượng khác cũng được hỗ trợ rất cao, để tránh các hộ nay ỉ lại hoàn toàn vào hỗ trợ của Nhà nước, dự thảo nghị định mới sẽ để mức tối đa là 90%. Với các đối tượng khác, sẽ tập trung hỗ trợ cho sản xuất hàng hóa, nhằm thúc đẩy chiến lược phát triển nông thôn”, ông Trung nói.

Liên quan đến giải pháp nhằm thúc đẩy lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp, bà Tính, cho rằng Chính phủ và các bộ, ngành cần ban hành khung chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm mục đích huy động nhiều nguồn lực hơn nữa để thúc đẩy bảo hiểm nông nghiệp. Theo đó, không nên giới hạn số lượng doanh nghiệp tham gia; không tạo ra các rào cản kỹ thuật nhằm hạn chế doanh nghiệp bảo hiểm tham gia; không giới hạn điều kiện phải có chi nhánh tại các tỉnh dự kiến làm bảo hiểm nông nghiệp vì trên thực tế nhiều doanh nghiệp có cán bộ, đại lý viên đủ năng lực và kiểm soát tốt và tiếp cận tốt bà con nông dân làm còn hiệu quả hơn.

“Ngoài việc hỗ trợ cho người mua bảo hiểm nông nghiệp về phí bảo hiểm, cần xây dựng cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp bảo hiểm, như: giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm trích lập quỹ dự phòng cho các doanh nghiệp bảo hiểm khi kết quả kinh doanh bảo hiểm nông nghiệp bị lỗ. Các địa phương cần cung cấp cho các doanh nghiệp bảo hiểm các cơ sở dữ liệu về tổn thất để các nhà Tái bảo hiểm quốc tế có đủ cơ sở cung cấp vốn, quy tắc điều kiện bảo hiểm và mức phí bảo hiểm phù hợp; ban hành các quy trình kỹ thuật nuôi trồng phù hợp đặc thù của từng địa phương. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý tại Trung ương và địa phương với doanh nghiệp bảo hiểm và các hộ nông dân/tổ chức nông nghiệp”, bà Tính đề xuất.

Trong khi đó, TS. Đặng Kim Khôi – Giám đốc Trung tâm Tư vấn Chính sách nông nghiệp (Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho rằng, Chính phủ cần xem bảo hiểm nông nghiệp là một sản phẩm được vận hành theo cơ chế thị trường, trong đó, Chính phủ hỗ trợ để tạo thuận lợi cho việc thành lập và hoạt động của thị trường (thiết lập khung pháp lý phù hợp, hỗ trợ chiến dịch truyền thông, hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp dữ liệu…). Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ phí bảo hiểm với mức độ phù hợp, kinh phí đào tạo/tập huấn và hoạt động tuyên truyền, vận động nhằm thúc đẩy thị trường trong giai đoạn hiện nay.

“Chính phủ cũng cần xem xét xây dựng hệ thống tái bảo hiểm thích hợp để thu hút doanh nghiệp bảo hiểm tham gia thị trường, thông qua việc xem xét giảm đầu tư trực tiếp cho nông dân bằng cách giảm tỷ lệ hỗ trợ phí về mức thích hợp nhằm thúc đẩy nhu cầu tự nguyện và nâng cao năng lực quản lý rủi ro ở cấp hộ để giảm rủi ro doanh nghiệp”, TS. Khôi kiến nghị thêm./.