Nỗ lực cải thiện

Xác định cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quyết định sự thành công của việc thu hút đầu tư, nên ngay từ đầu năm 2017, Bình Định đã chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính; rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp...

Bên cạnh đó, Tỉnh cũng tập trung chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đổi mới công nghệ... Tổ chức Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp trong các khu kinh tế, khu công nghiệp và trên địa bàn Tỉnh để lắng nghe những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, từ đó có biện pháp kịp thời để tháo gỡ.

TP. Quy Nhơn, Bình Định

Trong năm 2017, Tỉnh cũng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp, nhất là thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu, cụm công nghiệp. Chú trọng quảng bá hình ảnh của tỉnh trên trang báo, đài có uy tín như: Báo Đầu tư, Báo Công Thương, Báo Thương hiệu & Công luận,Tạp chí Nhà đầu tư, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Bình Định, Bình Định Điện tử, Đài Phát thanh Truyền hình Bình Định và một số tờ báo uy tín khác nhằm giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư và quảng bá hình ảnh của Tỉnh.

Đặc biệt, gặp gỡ nhiều tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn đến tiềm hiểu cơ hội đầu tư, như: Tiếp và làm việc với Chủ tịch Tập đoàn Trường Thành Việt Nam và Liên doanh Univergry (Liên doanh giữa Tây Ban Nha và Nhật Bản) về các bước chuẩn bị đầu tư dự án Công viên Năng lượng điện mặt trời tại Bình Định; Đoàn đại biểu của Quận Yongsan, TP Seoul (Hàn Quốc); Chủ tịch Tập đoàn CJ Việt Nam cùng với đoàn làm phim điện ảnh của CJ đi tìm kiếm các bối cảnh tại các điểm du lịch của Bình Định để khảo sát bối cảnh thực hiện phim Tuổi thanh xuân phần 3 tại Bình Định; Tập đoàn Toshiba, Tập đoàn Sparx, Tập đoàn Kumagaigumi (Nhật Bản); Tập đoàn Công nghiệp nặng và Xây dựng Doosan Hàn Quốc (Doosan)...

Theo đó, trong năm 2017, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên toàn Tỉnh ước khoảng 874 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký ước khoảng 5.681,7 tỷ đồng, vốn đăng ký bình quân 6,5 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 19,3% về số doanh nghiệp đăng ký và tăng 79,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ

Từ đầu năm đến nay, Tỉnh cũng đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký 92 triệu USD. So với cùng kỳ thì số dự án FDI cấp mới tương đương và tổng vốn đầu tư cũng tăng gần 20 triệu USD. Tính đến nay, toàn tỉnh có 72 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 899,56 triệu USD; trong đó có 27 dự án trong khu kinh tế và khu công nghiệp.

Năm 2018: Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư

Để đẩy mạnh thu hút đầu tư, năm 2018, Bình Định đưa ra các giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như chế biến nông lâm, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, sản xuất vật liệu xây dựng; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các ngành sản xuất tân dược, giày dép, may mặc, thực phẩm, đóng mới và sửa chữa tàu cá; đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp cơ khí, công nghiệp nhựa, sản xuất thiết bị nông, lâm, thủy hải sản và phụ tùng thay thế... kết hợp với trình độ công nghệ cao, công nghệ sạch, tiêu tốn ít nguyên liệu, năng lượng và thân thiện với môi trường.

Thứ hai, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp; theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, nhất là các mặt hàng, nhóm hàng đang có lợi thế về nguyên vật liệu, thị trường tiêu thụ; chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, các dự án đã và đang đầu tư để xem xét giải quyết, tháo gỡ kịp thời nhằm tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Thứ ba, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp xử lý hàng tồn kho để sớm tiếp cận vốn vay của ngân hàng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là đối với các lĩnh vực thuế, hải quan, đất đai, thành lập, giải thể doanh nghiệp... nhằm tạo thuận lợi và giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Thứ năm, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư để triển khai các dự án, nhất là các dự án đầu tư mới đã đăng ký và cấp phép đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp; tập trung thi công, đảm bảo tiến độ một số dự án trọng điểm về giao thông, thủy lợi, như: Đường trục Khu kinh tế nối dài, đường phía Tây tỉnh (ĐT.639B), Hồ chứa nước Đồng Mít...; sớm đưa một số nhà máy đang xây dựng đi vào hoạt động, như Nhà máy thức ăn chăn nuôi CJ (324.000 tấn sản phẩm/năm)...

Thứ sáu, tiếp tục chỉ đạo rà soát các cơ chế chính sách hiện có, bổ sung một số cơ chế, chính sách mới cùng với triển khai thực hiện các chính sách của Trung ương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Tỉnh. Củng cố và phát huy vai trò của các Hiệp hội ngành, nghề nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh./.