Lần đầu tiên tỉnh hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/14 chỉ tiêu chủ yếu

Theo Báo cáo Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018, năm 2017, với tinh thần trách nhiệm cao của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và toàn dân, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định, phát triển và đạt được nhiều kết quả trên nhiều lĩnh vực, lần đầu tiên tỉnh hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/14 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội - môi trường. Cụ thể như sau:

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12.302 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 9,01% so với cùng kỳ năm trước và đạt kế hoạch đề ra, trong đó: Khu vực Nông - Lâm - Thủy sản tăng 5,64%; Công nghiệp - Xây dựng tăng 13,69%; Dịch vụ tăng 7,24%, Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 15,4%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 31,96 triệu đồng năm 2016 lên 34,77 triệu đồng.


Lần đầu tiên tỉnh hoàn thành và hoàn thành vượt mức 14/14 chỉ tiêu chủ yếu

Về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Năm 2017, tín dụng có tốc độ tăng trưởng tốt, mặt bằng lãi suất cho vay ổn định. Các ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn chấp hành đúng các quy định về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND, một số ngân hàng thương mại đã triển khai các chương trình khuyến mại và tăng nhẹ lãi suất huy động ở một số kỳ hạn dài từ 0,1-0,3%/năm.

Tổng thu ngân sách Nhà nước ước khoảng 2.257 tỷ đồng, đạt 122,13% so dự toán, trong đó: Thu nội địa 1.935 tỷ đồng, đạt 112,04% dự toán; thu xuất nhập khẩu 277 tỷ đồng, đạt 307,78% so dự toán. Tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 6.080 tỷ đồng, đạt 93,63% nhiệm vụ chi, trong đó: Chi cân đối ngân sách địa phương đạt 6.010 tỷ đồng, đạt 93,42% nhiệm vụ chi; ghi thu ghi chi qua ngân sách là 70 tỷ đồng, đạt 115,95% nhiệm vụ chi.

Tổng các nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước thực hiện trong năm 2017 là 1.863,717 tỷ đồng, trong đó: Thuộc kế hoạch năm 2017 là 1.651,440 tỷ đồng và thuộc kế hoạch năm 2016 kéo dài là 212,277 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/10/2017, tổng giá trị khối lượng thực hiện là 545,222 tỷ đồng, tổng số vốn đã giải ngân là 943,586 tỷ đồng, đạt 50,63% so với kế hoạch địa phương giao, tính riêng kế hoạch năm 2017, giải ngân đạt 54,67%. Ước thực hiện giải ngân cả năm đạt khoảng 90% kế hoạch.

Về sản xuất nông nghiệp. Tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm vụ Đông xuân 2016-2017 là 11.145 ha, đạt 102,8% kế hoạch và bằng 98,5% so với cùng kỳ; diện tích cây trồng vụ mùa 2017 (tính đến ngày 31/10/2017) là 159.800 ha, đạt 99,8% kế hoạch và bằng 100,7% so với cùng kỳ năm trước. Công tác quản lý bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng được thực hiện nghiêm túc. Việc chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần nâng cao cuộc sống cho người dân sống gần rừng, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Công tác kiểm tra, tuần tra, truy quét các vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng được tổ chức thường xuyên. Chăn nuôi tương đối ổn định, tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh ước đạt 228.298 con, trong đó: đàn trâu 23.014 con, đạt 97,6% so với kế hoạch. Diện tích nuôi trồng thủy sản ở ao hồ nhỏ ước đạt 625 ha, có 263 lồng nuôi, nuôi trồng thủy sản ở các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đạt 1.390 ha. Sản lượng thuỷ sản đạt khoảng 4.086 tấn.

Về sản xuất công nghiệp. Năm 2017, tình hình sản xuất công nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực, các cơ sở sản xuất hoạt động tương đối ổn định và có chiều hướng phát triển tốt. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 5.350 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ và đạt 102,9% so với kế hoạch năm. Các ngành công nghiệp có lợi thế được chú trọng phát triển; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề thiểu thủ công nghiệp được quan tâm huy động nguồn lực đầu tư.

Về thương mại - dịch vụ. Hoạt động thương mại ổn định, hàng hóa dồi dào, phong phú về mẫu mã, chủng loại, hàng nội địa chiếm ưu thế trên thị trường. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam năm 2017” và Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp tục được thực hiện. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ ước 14.932,8 tỷ đồng, đạt 94,51% so với kế hoạch.Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 135 triệu USD, vượt 68,75% kế hoạch, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Cao su thô, cà phê nhân, bàn ghế các loại, tinh bột sắn,… chủ yếu xuất khẩu qua các nước Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Malaysia; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 18,3 triệu USD, vượt 123,2% kế hoạch, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là phân bón, gỗ tròn, gỗ xẻ…

Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 9%

Năm 2018, Tỉnh tiếp tục cố gắng khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 9% với cơ cấu kinh tế hợp lý. Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến. Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong toàn tỉnh, triển khai có hiệu quả Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020. Dự kiến tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) trong tỉnh trên 9%; Cơ cấu kinh tế năm 2018: Nông - lâm - thuỷ sản: 26-27%; Công nghiệp - Xây dựng: 25-26%; Thương mại - Dịch vụ: 39-40%. Thu nhập bình quân đầu người trên 37 triệu đồng; Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: 2.136 tỷ đồng... Để đạt được các mục tiêu này, năm 2018, Tỉnh cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp nhiệm vụ sau:

Một là, tập trung phát triển kinh tế. Theo đó, cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng có lợi thế và giá trị kinh tế cao; thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển nông, lâm nghiệp đã được ban hành; đẩy mạnh thực hiện kế hoạch dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng cánh đồng lớn tạo điều kiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc và chất lượng các loại giống cây trồng, vật nuôi. Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư du lịch, trồng rừng, trồng cây công nghiệp, sâm Ngọc Linh, các cây dược liệu quý và rau, hoa xứ lạnh.

Nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp, đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của ngành như: chế biến nông lâm sản, phát triển thủy điện, điện mặt trời, khai thác và chế biến khoáng sản. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư theo đúng chủ trương, định hướng của tỉnh. Bố trí và huy động nguồn lực để đầu tư lưới điện cho các thôn, làng chưa có điện.

Huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp các cửa khẩu; hình thành mô hình thương mại - dịch vụ nông thôn, gắn với sản xuất, chế biến và lưu thông hàng hóa; tăng cường kiểm soát chất lượng và giá cả các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống, sức khỏe nhân dân; thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh trong các dịp lễ, tết.

Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư. Ưu tiên đầu tư cho các công trình, dự án quan trọng, cấp bách của tỉnh, các công trình có tính kết nối, lan tỏa phát triển giữa các vùng, các ngành, lĩnh vực; các dự án khắc phục thiên tai, hạn hán, đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt; phát triển ba vùng kinh tế động lực; giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới.

Hai là, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ gắn với nông thôn mới. Theo đó, cần tích cực thực hiện các giải pháp huy động tối đa các nguồn lực; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội theo hình thức đối tác công tư (PPP), nhất là hình thức BT, BOT. Tập trung nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn từ khai thác quỹ đất để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng tại ba vùng kinh tế động lực; Khu trung tâm hành chính mới của tỉnh; Khu trung tâm huyện lỵ huyện mới Ia H’Drai.

Ba là, tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Tích cực triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, xử lý dứt điểm về ô nhiễm môi trường tại các khu vực khai thác khoáng sản, hoạt động chế biến mủ cao su, sản xuất tinh bột sắn... Đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, chất thải, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư, khu sản xuất tập trung, khu chăn nuôi, khu giết mổ gia súc, gia cầm.

Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện và tổ chức kiểm tra việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh; khảo sát sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với việc giải quyết thủ tục hành chính; kiểm tra tình hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyệ.

Năm là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011-2020; Đề án Quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ tri thức tỉnh Kon Tum đến năm 2020; Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nhằm nâng cao trình độ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu công việc./.