Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã đến dự và cắt băng khánh thành.

Cùng dự sự kiện có nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và lãnh đạo một số ban, bộ, ngành. Trong đó có đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng.

Các lãnh đạo Đảng và Nhà nước cắt băng khánh thành dự án/ Ảnh: Báo Quảng Ninh

Tầm vóc dự án PPP mang ý nghĩa tiên phong của tỉnh Quảng Ninh

Khởi công tháng 9/2014, với thiết kế dài 24,6km, rộng 25m, 4 làn xe, vận tốc tối đa 100km/h, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng bao gồm 2 dự án thành phần là: Cao tốc Hạ Long - cầu Bạch Đằng được đầu tư 6.416 tỷ đồng bằng vốn ngân sách, với chiều dài 19,3km; cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến dài 5,3km, đầu tư theo hình thức BOT, tổng vốn 7.277 tỷ đồng.

Đây là tuyến cao tốc đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ giao cho địa phương thực hiện bằng nguồn ngân sách của tỉnh và hình thức đối tác công-tư (PPP), được coi là một hình mẫu về cách làm trong phát triển hạ tầng giao thông. Bởi từ trước đến nay, vốn đầu tư làm cao tốc là nhiệm vụ của Bộ Giao thông Vận tải, nằm trong danh mục chi từ ngân sách trung ương...

Trong 4 năm triển khai, dự án đã gặp khá nhiều khó khăn, như: đặc điểm địa hình phức tạp, có diễn biến bất thường, độ lún cố kết kéo dài, những đoạn tuyến phải gia tải chờ lún đến 18 tháng; đoạn đầu tuyến có nhiều hang Karst làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công cầu sông Hốt. Riêng cầu Bạch Đằng, là cầu thứ 8 trên thế giới thiết kế dây văng nhiều nhịp và là cầu đầu tiên tại Việt Nam. Cầu có trụ tháp thấp, bị khống chế phễu bay của Cảng hàng không Cát Bi (TP Hải Phòng), dẫn đến góc nghiêng của dây văng nhỏ (đạt 19 độ, khuyến cáo cầu dây văng lớn hơn 22 độ), lực tác dụng ngang vào xe đúc lớn. Các khối đúc hẫng sử dụng công nghệ xe đúc chạy dưới có trọng lượng lên đến 215 tấn, lần đầu triển khai ở Việt Nam...

Tuy nhiên, với sự tham gia của của hầu hết các doanh nghiệp xây dựng hàng đầu của ngành giao thông vận tải, đại công trường trải dài suốt 25km đã được đồng loạt thi công trong 4 năm miệt mài, liên tục.

Những khó khăn về kỹ thuật lần lượt được tháo gỡ, tiến độ thi công được duy trì, chất lượng công trình được quản lý chặt chẽ, nguồn vốn cho dự án được tỉnh Quảng Ninh quan tâm, bố trí, hỗ trợ giải quyết kịp thời. Công trình nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các bộ, ngành trung ương và tỉnh Quảng Ninh.

Do đó, tiến độ thực hiện đảm bảo theo kế hoạch, là một trong những dự án đường cao tốc có thời gian thi công nhanh nhất hiện nay tại Việt Nam.

Chính thức đưa vào khai thác, tuyến đường sẽ là nhân tố tăng sức hấp dẫn đầu tư cho tỉnh Quảng Ninh cũng như khu vực. Góp phần giảm cự ly và rút ngắn thời gian từ Quảng Ninh - Hà Nội xuống còn 130km, với 1,5 giờ đi chuyển; giảm còn 25km từ Quảng Ninh đi Hải Phòng, thay vì 75km như trước đây; thuận lợi giao thông đường bộ, phát huy hiệu quả khai thác sân bay Cát Bi và phân tải cho cảng Lạch Huyện, cảng Đình Vũ (Hải Phòng).

Đồng thời tạo điều thuận lợi cho các tour du lịch hấp dẫn các tỉnh phía Bắc đến với Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

Thủ tướng khẳng định, đây chính là bước đột phá quan trọng về hạ tầng giao thông kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc

Cần tiếp tục đổi mới cách thức thu hút đầu tư

Khẳng định, đây chính là bước đột phá quan trọng về hạ tầng giao thông kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phân tích: Có 4 lý do để khẳng định tính đột phá mạnh mẽ của dự án này.

Thứ nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đột phá đáng tự hào hơn cả là việc hình thành một cây cầu “Made in Việt Nam” - cầu Bạch Đằng - một minh chứng cụ thể và rõ ràng về tinh thần tự lực, tự cường, về khả năng làm chủ công nghệ và thi công cầu đường của người Việt Nam.

Cao tốc Hạ Long-Hải Phòng không chỉ phát huy thêm giá trị của cao tốc Hà Nội-Hải Phòng mà còn thúc đẩy liên kết vùng, góp phần kết nối toàn khu vực tam giác phát triển 3 chữ H: Hà Nội-Hải Phòng-Hạ Long, mở thêm không gian và cơ hội phát triển kinh tế-xã hội lớn cho toàn khu vực.

Công trình cũng tạo đột phá về mặt thời gian, tài nguyên quý nhất. Thủ tướng cho rằng, rất nhiều người dân, doanh nghiệp, du khách sẽ hài lòng khi biết rằng thời gian đi Hạ Long-Hải Phòng hiện rút xuống chỉ còn 30 phút thay vì 2 tiếng như trước đây, đồng thời tuyến Hạ Long-Hà Nội nay chỉ mất 1 tiếng 30 phút thay vì 3-4 giờ đồng hồ.

Thủ tướng cũng cho rằng cây cầu có sự đột phá bởi tư duy năng động, dám nghĩ dám làm của lãnh đạo địa phương với sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các thời kỳ; sự phối hợp chặt chẽ hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương liên quan. Đó là một sự táo bạo, sự đột phá cần thiết trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh, của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, người lao động đã làm việc ngày đêm trên công trường và cảm ơn những hộ gia đình trong vùng dự án đã dành mặt bằng cho dự án.

“Tôi yêu cầu chính quyền các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi để ổn định cuộc sống của nhân dân. Tôi đề nghị chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thành các công việc còn lại để tuyến đường cao tốc Hạ Long-Hải Phòng thực sự là con đường cao tốc đồng bộ, hiện đại, an toàn và hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tuyến đường cao tốc và cây cầu hiện đại này là một sự đầu tư lớn về nguồn lực, công sức, trí tuệ của đất nước, từ các nhà đầu tư đến nhân dân, chính quyền và các đơn vị triển khai. Để tuyến đường thực sự có hiệu quả thì phải thu hút được nhiều hành khách, hàng hóa vận chuyển, điều này phụ thuộc then chốt vào sự cất cánh kinh tế và du lịch của tỉnh Quảng Ninh và TP. Hải Phòng trong thời gian tới.

Quảng Ninh phải làm xuất sắc vai trò một cực tăng trưởng phía Bắc

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chiều cùng ngày, Thủ tướng nhìn nhận, sự chuyển đổi của Quảng Ninh phát triển từ “nâu” sang “xanh” cũng là hành trình phát triển của chính Việt Nam.

Thủ tướng đánh giá cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành của Quảng Ninh

Việt Nam được coi là một quốc gia phát triển nhanh ở châu Á thì Quảng Ninh là một tỉnh phát triển năng động hàng đầu của Việt Nam. Tỉnh đã coi trọng phát triển bền vững và có nhiều mặt tiên phong, làm nên thương hiệu dẫn đầu của Quảng Ninh.

“Thủ tướng luôn theo dõi những vấn đề đổi mới phát triển của tỉnh Quảng Ninh thời gian qua”, Thủ tướng đánh giá cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành của Quảng Ninh. Đây là tỉnh đầu tiên và duy nhất trong cả nước tới thời điểm này thực hiện thành công mô hình đối tác công tư PPP trong xây dựng cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cầu Bạch Đằng…

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, tỉnh còn phát triển dưới mức tiềm năng, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao còn ít. Doanh nghiệp địa phương còn hạn chế về quy mô và khả năng cạnh tranh. Đánh giá cao nỗ lực của tỉnh trong tăng gấp đôi số lượng doanh nghiệp vào năm 2020, lên 25.000 doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng, “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, số lượng cần gắn với chất lượng và sức cạnh tranh.

Thủ tướng kỳ vọng Quảng Ninh tiếp tục đi tiên phong, trở thành nguồn cảm hứng và bài học kinh nghiệm cho các tỉnh, thành phố khác trên cả nước trên một số khía cạnh. Đó là sáng kiến cải cách thể chế; khơi thông các nút thắt phát triển cơ sở hạ tầng và huy động vốn từ xã hội; tiếp tục đột phá tái cơ cấu kinh tế gắn liền với mô hình tăng trưởng bên cạnh phát triển đô thị xanh, sạch, thông minh.

Tỉnh phải có cơ cấu dân số ở đô thị nhiều hơn nữa, tốt hơn nữa so với mức bình quân chung của cả nước.

Quảng Ninh phải làm xuất sắc vai trò một cực tăng trưởng phía bắc, chủ đạo để tạo sự kết nối, lan tỏa với các tỉnh, thành lân cận và thúc đẩy kinh tế cả vùng và cả nước.

Xác định chỗ đứng trong chuỗi giá trị quốc tế, cạnh tranh với các đô thị khác trên thế giới chứ không phải trong nước. Quảng Ninh phải là trung tâm giao lưu quốc tế, một điểm đến cho nhà đầu tư, du khách, hàng hóa và những ý tưởng sáng tạo, đột phá, giữ vai trò dẫn dắt sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm.

Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh năm sau cao hơn năm trước; 6 tháng đầu năm 2018 tăng 10,16%, dự kiến cả năm 2018 tăng trên 11%. GRDP bình quân đầu người đạt 5.065 USD/người/năm (gấp đôi bình quân cả nước), tăng bình quân 9,1%/năm. Năng suất lao động tăng bình quân 10,6%/năm. Thu ngân sách luôn trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. 8 tháng năm 2018, tổng thu ngân sách ước đạt hơn 27.800 tỷ đồng. Đến tháng 8/2018, toàn tỉnh có 16.680 doanh nghiệp, vốn đăng ký 180.000 tỷ đồng.

Tỉnh cần chú trọng phát triển đô thị, một động lực tăng trưởng mới của tỉnh. Tiếp tục nghiên cứu và cụ thể hóa các điều kiện xây dựng Vân Đồn thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, phấn đấu đến năm 2050, Vân Đồn trở thành một trong những động lực kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của châu Á-Thái Bình Dương.

Tỉnh cần tiếp tục phát triển du lịch, dịch vụ đẳng cấp cao, chất lượng cao, bền vững, đa dạng, kết nối với các trung tâm du lịch lớn của quốc gia và quốc tế. Phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao và đa chức năng. Phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, khai khoáng bền vững, phát triển xanh, giảm tối đa tác động tiêu cực tới tài nguyên du lịch.

Cần tổng kết, rút kinh nghiệm, hoàn thiện những sáng kiến cải cách thể chế, trong đó có mô hình trung tâm phục vụ hành chính công thuộc tỉnh và trực thuộc cấp huyện, mô hình hợp nhất một số cơ quan,.

Một lần nữa, Thủ tướng nhắc lại điều ông mong muốn tại cuộc làm việc lần trước với tỉnh là Quảng Ninh trở thành trung tâm giao lưu quốc tế, một điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư, du khách, hàng hóa, một nơi khởi phát những ý tưởng sáng tạo đột phá, nhờ đó, luôn giữ vai trò tiên phong cải cách của cả nước và dẫn dắt sự phát triển của vùng kinh tế trong điểm phía bắc. “Hạ Long không chỉ là mảnh đất cho rồng hạ mà còn là nơi rồng Quảng Ninh, rồng Việt Nam cất cánh”, Thủ tướng bày tỏ.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã cho ý kiến chỉ đạo về một số kiến nghị của tỉnh với tinh thần tạo điều kiện cho Quảng Ninh phát triển hơn nữa./.