Phát triển nghề cá bền vững

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Phúc – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, về việc tại sao đến nay Liên minh châu Âu (EU) chưa gỡ thẻ vàng đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam? Những thách thức gì chúng ta còn phải tiếp tục đối mặt và phải làm gì để gỡ thẻ vàng từ Liên minh châu Âu?

Ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam coi 9 nội dung kiến nghị của EU trùng với ý tưởng xây dựng nghề cá phát triển có trách nhiệm, bền vững của Đảng và Nhà nước. Vừa qua, những nội dung này đã được lồng vào Luật Thủy sản (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4. Vì vậy, sẽ phải chấn chỉnh lại với nghề cá có 1 triệu lao động, 109 nghìn tàu thuyền còn khai thác mang tính tự phát nhiều, vùng gần bờ cạn kiệt tài nguyên.

Về chương trình hành động, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một chương trình hành động để tháo gỡ thẻ vàng này. Theo đó, tất cả 28 tỉnh duyên hải, các bộ, ban ngành đều có trách nhiệm, các doanh nghiệp, ngư dân đều có trách nhiệm tham gia. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm không để ngư dân đánh bắt sai phạm ở vùng ngoài vùng biển quy định của Việt Nam. Ngư dân các thuyền trưởng, thuyền viên, sau khi đánh bắt phải về tổ chức khai báo, trình báo với cảng cá và đơn vị có trách nhiệm quản lý đó đơn vị thủy sản cấp tỉnh. Cùng với đó là bảo đảm tuân thủ các kiến nghị EU đưa ra như nâng cấp cơ sở vật chất, khu neo đậu, bến cảng.

“Sau hơn 1 năm tổ chức thực hiện Chương trình hành động thì tất cả những vi phạm về khai thác bên ngoài địa phận Việt Nam ở khu vực các quốc đảo ở Thái Bình Dương chúng ta không có vụ việc nào vi phạm, nhưng khu vực biển phía Nam vẫn còn mấy chục vụ vi phạm. Về khai báo, còn một số ngư dân vẫn không tuân thủ khai báo vì cho rằng thủ tục rườm rà, người dân chưa kịp thay đổi tập quán do đó vẫn còn sai phạm. Cơ sở vật chất khu neo đậu, bến cảng để đáp ứng cho những mục tiêu quản lý bền vững chưa đảm bảo được và còn một số những vấn đề khác”, Bộ trưởng Cường nói.

Sẽ phối hợp với địa phương trong vấn đề đầu ra cho nông sản

Cũng trong lĩnh vực nông nghiệp, vấn đề giải cứu nông sản cũng được các đại biểu quan tâm. Đại biểu Trần Đình Gia – đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết giải pháp để tránh một cuộc giải cứu nông sản đối với cây ăn quả có múi, khi mà báo chí phản ánh việc phát triển cây ăn quả có múi đến giai đoạn hiện nay có khoảng trên 90.000ha và cung đã vượt cầu rất xa.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, vừa qua, chúng ta đã có một bước cố gắng lớn. Ví dụ, họ cây có múi, riêng rau quả hiện nay, diện tích rau chúng ta có khoảng triệu ha, diện tích quả chúng ta có khoảng độ 800.000ha. Một năm, Việt Nam sản xuất ra khoảng 30 triệu tấn rau và 15 triệu tấn quả, giá trị năm nay chúng ta xuất khoảng 4,2 tỷ USD. Tuy nhiên, vấn đề chính hiện nay là quá nhiều hộ sản xuất nhỏ, do trong chừng mực nhất định có những lúc thời vụ, có những cây, có những vùng dư thừa.

Về giải pháp, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trước mắt là lấy bài học kinh nghiệm Bắc Giang tập trung xúc tiến đầu tư, tiêu thụ, đẩy mạnh vừa xuất khẩu, vừa tiêu thụ nội địa cho 3 vạn ha vải.

“Kinh nghiệm ở Bắc Giang cho thấy với ba vạn ha vải, tỉnh này đã làm tốt việc đẩy mạnh tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu khẩu, tập trung xúc tiến đầu tư”, Bộ trưởng cho hay.

Còn về lâu dài, ngành cũng đang bàn với các địa phương tập trung chế biến và đẩy mạnh xuất khẩu quả tươi. Hiện nay các doanh nghiệp cũng muốn vào chế biến nhưng vì khó là diện tích của chúng ta khá phân tán. Hai là muốn cho chế biến thì phải đồng nhất, ví dụ cam, quýt muốn chế biến phải mỏng vỏ, xơ dày, dai, nếu vỏ dày, tan xơ thì rất khó.

Đây là những vấn đề cần làm từng bước một. Bộ đang cùng tập trung chỉ đạo các viện cùng với các doanh nghiệp để cùng phối hợp với dân làm từng bước”, Bộ trưởng Cường nói./.