Mức tăng trưởng cao nhất trong 7 năm qua

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế và người dân nên ngành nông nghiệp đã đạt được một năm thắng lợi toàn diện. Theo đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có mức tăng khá cao với 3,76%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 7 năm qua.

Thủ tướng chủ trị Hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trong năm 2018, các địa phương đã chuyển 105.000ha đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả và các cây màu, cây làm thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Sản lượng và chất lượng nhiều loại rau màu, trái cây tăng 26.100ha về diện tích và 300.000 tấn về sản lượng so với năm 2017. Giá trị sản xuất trồng trọt tăng 2,52%, cao hơn mục tiêu đề ra (2,5%).

Lĩnh vực chăn nuôi đã có chuyển biến rõ nét trong tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, trang trại theo chuỗi. Một số sản phẩm chăn nuôi bước đầu đã xuất khẩu, như: thịt lợn đông lạnh chính ngạch sang Myanmar, thịt gà sang Nhật Bản... Tổng sản lượng thịt hơi đạt 5,36 triệu tấn, tăng 3,2% so với năm 2017. Giá trị sản xuất chăn nuôi tăng 3,98%, cao hơn mục tiêu đề ra (2,1%). Tổng sản lượng thủy sản đạt 7,75 triệu tấn, tăng 6,1%. Tỷ trọng các sản phẩm có giá trị cao tăng mạnh (tôm các loại đạt khoảng 804.000 tấn, tăng 8,0%, cá tra đạt khoảng 1,418 triệu tấn, tăng 10,3%). Giá trị sản xuất tăng 6,5%, vượt mục tiêu đề ra (5,29%).

Năm 2018, số doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản thành lập mới tăng 12,3% so với năm 2017, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp lên 9.235 doanh nghiệp. Tính đến nay, cả nước có trên 49.600 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, chiếm 8% tổng doanh nghiệp cả nước. Số hợp tác xã được củng cố và hình thành mới là 5.943, nâng tổng số hợp tác xã nông nghiệp cả nước là 13.400, trong đó có 55% hoạt động hiệu quả, tỷ lệ hợp tác xã tham gia dịch vụ tiêu thụ nông sản cho xã viên tăng từ dưới 10% trước đây lên 20,5%. Kinh tế hộ tiếp tục được hỗ trợ và chuyển hướng quy mô lớn hơn; kinh tế trang trại phát triển nhanh, với số lượng 34.000 trang trại, tăng 50,8% so với năm 2012. Đến nay, cả nước có 1.096 mô hình chuỗi liên kết, 1.426 sản phẩm và 3.174 địa điểm giới thiệu, bán sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2018 đạt kỷ lục với 40 tỷ USD. Xây dựng nông thôn mới đã đạt 42,4% số xã và 61 huyện, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao cho ngành trong năm 2018. Bên cạnh đó, tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,65%, là con số rất cao nếu so với mức bình quân thế giới chỉ đạt 29%.

“Những kết quả trên đã khẳng định chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh theo hướng chuyển từ mục tiêu số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng; chuyển từ sản xuất quy mô nhỏ lẻ, phân khúc sang quy mô lớn, khép kín theo chuỗi giá trị”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả vượt bậc, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn yếu kém và nhiều thách thức cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Đó là cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu. Tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở nên phổ biến, chủ đạo. Kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và tiếp tục bộc lộ những hạn chế, yếu kém cản trở quá trình sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển, lợi thế cạnh tranh năng suất lao động thấp, tổn thất sau thu hoạch còn cao. Thị trường tiêu thụ ngày càng biến động, nguy cơ rủi ro; trong khi năng lực quản trị, công tác dự báo cung-cầu còn bất cập. Dich bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; quản lý an toàn thực phẩm vẫn rất khó khăn, phức tạp. Một số địa phương cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới để chuyển sang giai đoạn nâng cao, nhưng một số địa phương có số xã đạt chuẩn rất thấp.

Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 43 tỷ USD năm 2019

Nhìn nhận bức tranh nông nghiệp năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đạt kết quả vượt bậc, có nhiều điểm sáng, điểm mới, có những bứt phá ngoạn mục, đạt thành tích xuất sắc, toàn diện.

Thủ tướng Nguyễn Xuân phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Tái cơ cấu đúng hướng nên nhiều loại sản phẩm có sản lượng lớn đã xuất hiện ở Việt Nam. Từ đó, ngành nông nghiệp đóng góp vào xuất khẩu vượt mức kế hoạch và đứng thứ 2 Đông Nam Á về xuất khẩu nông nghiệp. Đi liền với đó là thị trường tiêu thụ được mở rộng. Đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã được củng cố và đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp lớn. Điều đáng mừng là có 18 nhà máy chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp được đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động.

“Điều chúng ta cần quan tâm và đã làm được một phần quan trọng trong tổ chức là tiêu thụ trong nước. Chúng ta đã chủ động xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn”, Thủ tướng nói và dẫn số liệu, có 1.096 chuỗi cho hơn 1.400 sản phẩm. Đã tổ chức nhiều diễn đàn quảng bá nông sản cho người dân. Nhiều thể chế quan trọng cho ngành nông nghiệp được sửa đổi, ban hành. Bộ đã cắt giảm 173/345 điều kiện đầu tư kinh doanh (đạt 50%), đúng với yêu cầu của Chính phủ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Đánh giá cao nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp, Thủ tướng biểu dương lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đứng đầu là Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đã “miệng nói tay làm, kề vai sát cánh, chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, hiệu quả, đề xuất kịp thời, có quan hệ chặt chẽ với các tỉnh, thành phố, các bộ, chỉ đạo có uy tín, trách nhiệm”.

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải khơi gợi được khát vọng của dân tộc, phải phấn đấu trong 10 năm nữa, Việt Nam lọt vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, riêng lĩnh vực chế biến nông sản, phải vào tốp 10 của thế giới. Phải phấn đấu trở thành trung tâm chế biến, xuất khẩu đồ gỗ, lâm sản hàng đầu thế giới, là nơi sản xuất tôm lớn của thế giới.

“Tăng trưởng nông nghiệp phải đạt cao, ít nhất là 3%, xuất khẩu khoảng 42-43 tỷ USD”, Thủ tướng nêu rõ.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tìm mọi cách để thực hiện mục tiêu trên.

“Tôi đề nghị các đồng chí tìm tòi mọi cách, phát huy mọi sáng tạo để thực hiện đạt cao hơn mục tiêu đưa ra”, Thủ tưởng yêu cầu.

Gợi ý các giải pháp để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng cho rằng, việc đầu tiên là phải có thể chế pháp luật tốt, phải xóa bỏ những quy định lạc hậu để nông nghiệp Việt Nam có bước tiến. Đồng thời, thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ hơn mô hình tăng trưởng nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, trong đó có việc xây dựng sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, sản phẩm chủ lực của địa phương.

Bên cạnh đó, cần làm tốt hơn nữa công tác thị trường, bao gồm cả dự báo, cả cân đối cung cầu, cả phát triển thị trường mới và đặc biệt là xây dựng thương hiệu trong nông nghiệp, từ gạo đến tôm, đến giống lúa, cá tra… Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, ưu tiên công nghệ cao, công nghệ sinh học, đặc biệt là ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn, không phải nông nghiệp ở ngoài cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Đối với việc xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng lưu ý, cần chú trọng tiêu chí thu nhập của người dân.

“Đừng bị bệnh thành tích, chỉ có hình thức, mà chính là đời sống của người dân ở các vùng chúng ta xây dựng nông thôn mới như thế nào”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cùng với đó, Thủ tướng cũng đề nghị, theo dõi diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động làm công tác tham mưu chỉ đạo ứng phó với thiên tai, không để bị động bất ngờ. Phải tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng về quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp, khắc phục những tồn tại mà năm 2018 chưa làm tốt. Cán bộ làm nông nghiệp cần có tinh thần là phải cùng nông dân, sống trong lòng nông dân để làm cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp, nông thôn.

“Cán bộ nông nghiệp phải sát dân, đừng có xa dân, nắm được tâm tư nguyện vọng, nắm được nhu cầu của người dân, đừng có hời hợt trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Phải phát huy vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng mạnh mẽ hơn để đưa các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Quan tâm đào tạo cán bộ khoa học công nghệ cho nông nghiệp, cán bộ quản lý nông nghiệp, cán bộ am hiểu về công nghệ chế biến, công nghệ thực phẩm, nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao…

Cuối cùng, Thủ tướng nhấn mạnh, thể chế chính sách, tạo môi trường đầu tư vào nông nghiệp cùng với hành động, chỉ đạo cụ thể, quyết liệt của cán bộ nông nghiệp các cấp sẽ đóng góp vào thành công của nông nghiệp Việt Nam năm 2019./.