Kết quả đạt được

Một là, đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương và trong toàn xã hội về sự cần thiết phải cơ cấu lại nông nghiệp. Qua đó, khắc phục nhiều hạn chế của nền nông nghiệp kinh tế hộ, quy mô nhỏ với những yếu kém nội tại để nâng cao khả năng cạnh tranh, hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp. Đồng thời, từng bước nâng cao thu nhập và đời sống của người dân nông thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả.

Hai là, hệ thống thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được tiếp tục đổi mới phù hợp và hiệu quả hơn

Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều quy định pháp luật, cơ chế chính sách phù hợp với cơ chế thị trường, tạo thuận lợi thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp; tháo gỡ một bước nút thắt về đất đai, đầu tư, tín dụng, liên kết hợp tác, bảo hiểm, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo…

Các công ty nông, lâm nghiệp được sắp xếp, đổi mới hoạt động, nâng cao hiệu quả; thu hút doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp đã khẳng định là nhân tố nòng cốt trong chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh nông sản. Năm 2017, ghi dấu ấn với 1.955 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20% so với bình quân 4 năm trước. Năm 2018, số doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản thành lập mới tăng 12,3% so với năm 2017, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp lên 9.235 doanh nghiệp[1]. Tính đến nay, cả nước có trên 49.600 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, chiếm 8% tổng doanh nghiệp cả nước. Số hợp tác xã được củng cố và hình thành mới là 5.943, nâng tổng số hợp tác xã nông nghiệp cả nước là 13.400, trong đó có 55% hoạt động hiệu quả, tỷ lệ hợp tác xã tham gia dịch vụ tiêu thụ nông sản cho xã viên tăng từ dưới 10% trước đây lên 20,5%. Kinh tế hộ tiếp tục được hỗ trợ và chuyển hướng quy mô lớn hơn; kinh tế trang trại phát triển nhanh, với số lượng 34.000 trang trại, tăng 50,8% so với năm 2012.

Đến nay, cả nước có 1.096 mô hình chuỗi liên kết, 1.426 sản phẩm và 3.174 địa điểm giới thiệu, bán sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn.

Ba là, cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu

- Lĩnh vực trồng trọt: 5 năm qua, đã chuyển đổi trên 200 ngàn hécta lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác; đồng thời, chuyển đổi cơ cấu giống, đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng và giảm chi phí sản xuất, nhất là đối với cây trồng chủ lực. Sau 5 năm, giá trị tăng thêm trồng trọt tăng 7,8%, thu nhập bình quân trên 1ha canh tác tăng 4,8%; trong đó, cây ăn quả đóng góp cho tăng trưởng trồng trọt từ 12% lên 32%; cây công nghiệp từ 27% lên 43%.

- Lĩnh vực chăn nuôi: Chăn nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ mới phát triển mạnh, nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất. 5 năm qua, sản lượng thịt hơi các loại tăng 30%, sữa tươi tăng 47%; trứng gia cầm tăng 18,7%... Nhiều sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao, như: trứng omega, sữa hữu cơ, thịt bò, thịt gia cầm đang từng bước tạo thương hiệu trên thị trường; giá trị tăng thêm tăng bình quân 3,85%/năm.

- Lĩnh vực lâm nghiệp: Thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên, tập trung cải thiện năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng; chuyển từ rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn; phát triển hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao trong khâu giống và chế biến. Đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty Lâm nghiệp; phát triển mạnh dịch vụ môi trường rừng. Sau 5 năm, tỷ lệ diện tích rừng trồng từ nguồn giống có chứng nhận tăng 15%; diện tích rừng trồng gỗ lớn đạt trên 192 ngàn hécta. Sản lượng gỗ rừng trồng tăng 18%/năm, đáp ứng 80% nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 40,7% lên 41,45%. Giá trị tăng thêm tăng 6,3%/năm.

- Lĩnh vực thủy sản: Chú trọng tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hành nuôi tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm; tổ chức lại sản xuất trên biển và tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật bảo quản hải sản đánh bắt. Sau 5 năm, tổng sản lượng thủy sản tăng từ 5,92 triệu tấn lên 7,2 triệu tấn; giá trị sản xuất thủy sản trong tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đã tăng từ 18,8% lên 20,5%; giá trị tăng thêm tăng 4,3%/năm, giá trị sản xuất trên 1ha mặt nước tăng 1,4 lần.

- Lĩnh vực diêm nghiệp: Sản lượng muối bình quân đạt 1,13 triệu tấn/năm, trong đó tỷ trọng muối công nghiệp tăng từ 27,8% lên 31,2%, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng muối trong nước; đã hình thành 3 vùng sản xuất muối công nghiệp và từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất muối ở những vùng có lợi thế.

- Công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch phát triển mạnh chế biến sâu, tinh chế. Đến nay, cả nước có trên 7.000 cơ sở quy mô công nghiệp, 86,2% xã có cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản; tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu tăng cao, như: cà phê hòa tan tăng 2,83 lần; 50% sản lượng thủy sản và 76% giá trị đồ gỗ, lâm sản được chế biến sâu. Nhờ đó, giá trị tăng thêm chuỗi giá trị sản phẩm qua chế biến đạt 15,3%. Cơ giới hóa sản xuất được triển khai mạnh, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, thu nhập cho nông dân. Ở nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng có mức độ cơ giới hóa cao[2], giảm chi phí được khoảng 15%-20%.

- Thủy lợi và phòng chống thiên tai: Tái cơ cấu lĩnh vực này tập trung vào 5 vấn đề lớn: (1) Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi; (2) Phát triển tưới cho cây trồng cạn; (3) Phát triển thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản; (4) Nâng cao mức bảo đảm an toàn hồ chứa; và (5) Nâng cao năng lực phòng chống thiên tai. Sau 5 năm, tổng năng lực tưới tăng thêm là 134 nghìn hécta; tiêu tăng thêm là 114 nghìn hécta, chuyển thủy lợi chủ yếu phục vụ lúa nước sang đa mục tiêu; hiệu suất tưới các công trình thủy lợi tăng từ 76,5% lên 78%, hiệu suất tiêu nước tăng từ 88,9% lên 90,2%; 276 ngàn hécta cây trồng cạn ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, tăng 3 lần. Công tác phòng chống thiên tai đã được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, hoàn thiện bộ máy tổ chức, tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bốn là, thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản được mở rộng, tăng nhanh tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao, có lợi thế. Đến nay, nông lâm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu đến gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 157,49 tỷ USD, tăng 51,2% so với giai đoạn trước. Năm 2018 đạt trên 40 tỷ USD, 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD, trong đó 5 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD. Tỷ trọng nông sản, có lợi thế, tăng cao như: rau, quả tăng từ 3% lên 9,59%; hạt điều tăng từ 5,4% lên 9,63%, đồ gỗ và lâm sản tăng từ 18% lên 22%. Năng lực cạnh tranh, uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam tiếp tục được nâng cao trên trường quốc tế.

Năm là, Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều thành tựu to lớn và có ý nghĩa. Thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào công tác chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, chuyển mạnh từ ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng sang trọng tâm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống của nông dân. Đến hết năm 2018, cả nước có 3.787 xã (42,2%) đạt chuẩn và 61 huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Cùng với đó, cơ cấu kinh tế nông thôn tiếp tục chuyển đổi theo hướng tăng nhanh công nghiệp; dịch vụ nông nghiệp phát triển mạnh và được xã hội hóa cao. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 14,1% năm 2012 xuống 8% năm 2017.

Sáu là, khoa học, công nghệ được ứng dụng rộng rãi hơn, đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, an toàn được triển khai mạnh mẽ, đã làm thay đổi tập quán canh tác và nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế nông nghiệp. Trong 5 năm qua, 214 giống cây trồng, 15 giống thủy sản, 58 giống lâm nghiệp mới và 103 kỹ thuật tiến bộ được công nhận, đưa vào sản xuất; 839 tiêu chuẩn và 211 quy chuẩn kỹ thuật được ban hành và áp dụng trong thực tiễn.

Bảy là, công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được quan tâm. Đào tạo nghề cho khoảng 1,19 triệu người lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề nông nghiệp tăng từ 20% lên 38%.

Tám là, cơ cấu đầu tư công trong nông nghiệp được điều chỉnh theo các mục tiêu ưu tiên, chấm dứt dàn trải. Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hàng chục công trình thủy lợi, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và cảng cá được hoàn thành, đưa vào hoạt động và đang phát huy hiệu quả.

Chín là, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm được tăng cường

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát các thủ tục hành chính; bãi bỏ, đơn giản hóa 287 thủ tục (56,5%); 241 điều kiện đầu tư kinh doanh (69,8%), 35/64 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành (54,6%); danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành trước thông quan xuất nhập khẩu giảm từ 7.698 còn 1.800 (76,6%).

Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm về chất lượng, kiểm soát chất cấm luôn được coi trọng, từng bước giải quyết các bức xúc của xã hội, tạo niềm tin của người tiêu dùng trong nước và đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các thị trường. Năm 2018, đã có 98,2% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản; 93,3% cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp được kiểm tra đạt điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tuy cơ cấu lại nông nghiệp đạt được nhiều kết quả quan trọng, có ý nghĩa, nhưng thẳng thắn đánh giá, chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cần được nhận diện và tập trung giải quyết để đạt được mục tiêu chiến lược. Một số nhiệm vụ khó đạt mục tiêu nếu không có sự đầu tư thích đáng và tổ chức thực hiện quyết liệt, đó là: tốc độ tăng giá trị gia tăng của ngành và các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt; tỷ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp được tưới tiết kiệm nước; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các hình thức hợp tác, liên kết; tỷ lệ cơ sở sản xuất chăn nuôi có xử lý chất thải bằng các giải pháp hiệu quả, đảm bảo vệ sinh và an toàn môi trường.

Một số cơ hội, thách thức trong thời gian tới

Thuận lợi và cơ hội

- Đảng, Nhà nước tiếp tục dành ưu tiên, quan tâm chỉ đạo với nhiều cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho Ngành;

- Kinh tế vĩ mô ổn định; quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng của cả nước đang được Đảng, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và coi trọng cơ cấu lại nông nghiệp;

- Hội nhập quốc tế mạnh mẽ mang đến cơ hội mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, tiếp cận khoa học công nghệ, tăng năng lực, trình độ sản xuất để nâng cao khả năng cạnh tranh;

- Sự phát triển của khoa học công nghệ đang trở thành động lực chủ yếu làm thay đổi cơ cấu kinh tế và cơ cấu thị trường toàn cầu, mở ra cơ hội ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao để tăng năng suất và hiệu quả;

- Nhận thức và kinh nghiệm về xây dựng nền sản xuất nông nghiệp cạnh tranh quốc tế của các cấp, các ngành, lực lượng doanh nghiệp, nông dân đã từng bước được nâng cao.

Khó khăn, thách thức

Nông nghiệp nước ta hiện nay và dự báo thời gian 5-10 năm tới sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đó là:

- Những hạn chế, yếu kém nội tại của nền sản xuất nhỏ, lạc hậu chậm được khắc phục thời gian qua sẽ vẫn là thách thức lớn;

- Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến nông nghiệp Việt Nam ngày càng nghiêm trọng, đòi hỏi vừa có những ứng phó trước mắt kịp thời, vừa có chiến lược lâu dài để hạn chế thiệt hại và thích nghi hiệu quả;

- Các nguồn lực cho tăng trưởng ngày càng khan hiếm và sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các lĩnh vực khác;

- Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước ngày càng cạnh tranh gay gắt hơn;

- Năng lực, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý ngành còn nhiều bất cập.

Giải pháp trọng tâm thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp giai đoạn tới

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 tại Quyết định 1819/QĐ-TTg, ngày 16/11/2017. Trong đó, xác định các giải pháp đồng bộ nhằm khắc phục và đẩy mạnh hiệu quả thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp, như sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức. Đây được xác định là giải pháp đầu tiên, rất quan trọng để tạo sự thống nhất về tính tất yếu và tầm quan trọng của thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp đến các cấp, ngành, địa phương và người dân và về xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa cạnh tranh quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường vai trò, trách nhiệm của Lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để tổ chức thực hiện hiệu quả chủ trương này.

Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 26/NQ-TW Trung ương 7, khóa X và các chủ trương của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo điều kiện để các thành phần kinh tế, đặc biệt là nông dân và doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai, nguồn vốn và thị trường để đầu tư sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Thứ ba, rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng kế hoạch sản xuất theo 3 nhóm sản phẩm: (1) Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; (2) Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; (3) Nhóm sản phẩm là đặc sản của địa phương.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, trọng tâm là phát triển doanh nghiệp nông nghiệp; đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, phát triển trang trại theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức nông dân sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu.

Tiếp tục mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nông dân, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp; chuyển mạnh lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn.

Thứ năm, tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, tập trung giải quyết các vấn đề căn cốt trong chuỗi sản xuất, nhất là công nghệ giống, quy trình sản xuất và chế biến, tiêu thụ; phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả của ngành.

Xây dựng, hoàn thiện và áp dụng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình kỹ thuật sản xuất tiên tiến; đẩy mạnh đăng ký bảo hộ sản phẩm, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm.

Thứ sáu, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thị trường. Tăng cường năng lực hội nhập quốc tế; tổ chức nghiên cứu, đánh giá tác động của hội nhập quốc tế đem lại, tuyên truyền phổ biến để các địa phương, doanh nghiệp và người dân có phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý trong giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế.

Tổ chức lại hệ thống thương mại nông sản nội địa; đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và xây dựng thương hiệu, truy suất nguồn gốc hàng nông sản.

Nâng cao năng lực nghiên cứu và dự báo cung cầu nông sản, cung cấp kịp thời cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân điều chỉnh sản xuất phù hợp; tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, kết nối giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối; kết nối thị trường trong nước với thị trường toàn cầu.

Thứ bảy, tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội, thúc đẩy hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hội nhập quốc tế; tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới.

Thứ tám, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý ngành từ Trung ương đến địa phương. Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các ban chỉ đạo và bộ máy giúp việc các cấp để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới./.



[1] S liu sau khi đã tr s doanh nghip gii th và dng hot động

[2] Khâu làm đất đạt 98% (có 8 tỉnh đạt 100%), khâu thu hoạch đạt 82% (cao nhất là tỉnh Long An, An Giang đạt 98%; Vĩnh Long đạt 97%; Kiên Giang đạt 95%); sấy lúa chủ động đạt 46%, tuốt lúa, xay xát lúa gạo đạt 100%

TS. Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 04/2019