Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng chính

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2019 ước tính tăng 6,79% so với cùng kỳ năm trước, tuy thấp hơn mức tăng trưởng của quý I/2018 nhưng cao hơn tăng trưởng quý I các năm 2011-2017.

“Kết quả này khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành quyết liệt cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngay từ những tháng đầu năm 2019”, Thứ trưởng Hải khẳng định.

Đáng chú ý, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,63%, đóng góp 51,2%. Trong đó, ngành công nghiệp tăng 8,95% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,14 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong quý I/2019 là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 12,35%, tuy thấp hơn mức tăng 14,3% của quý I/2018 nhưng cao hơn mức tăng quý I các năm 2012-2017. Mức tăng này đóng góp lớn vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm với 2,72 điểm phần trăm.

Nguyên nhân tăng trưởng thấp của nhóm công nghiệp chế biến chế tạo được Thứ trưởng chỉ ra chủ yếu là do một số dự án lớn có đóng góp cho tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp như Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn gặp sự cố về điện nên đã phải tạm dừng sản xuất trong tháng 2; hay Samsung đang ở chu kỳ chuyển đổi sản phẩm, nên sản lượng và xuất khẩu chỉ tăng nhẹ (khoảng 1,02%), thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Tuy nhiên, với kỳ vọng vừa ra mắt dòng điện thoại S10, số lượng điện thoại sản xuất và xuất khẩu của Samsung sẽ tăng mạnh trong các tháng tới và Nhà máy Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn hoạt động trở lại (dự kiến khoảng đầu tháng 4 khởi động lại 100%) thì ngành công nghiệp sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới.

“Mặc dù tốc độ tăng của sản xuất công nghiệp thấp hơn so với cùng kỳ, nhưng nếu so với các nước trong khu vực thì tăng trưởng sản xuất công nghiệp của Việt Nam là khá cao, tăng trưởng của khu vực công nghiệp chế biến chế tạo chủ yếu đến từ các ngành do doanh nghiệp trong nước sản xuất”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Bộ Công Thương dự kiến, từ nay đến tới cuối năm, một số dự án lớn hoàn thành trong năm 2018 và năm 2019 sẽ đóng góp vào tăng trưởng của ngành công nghiệp và tăng trưởng chung của nền kinh tế trong năm 2019 như: Thép Formosa Hà Tĩnh với công suất 7,5 triệu tấn; thép Hòa Phát Dung Quất sản xuất khoảng 2 triệu tấn thép khi đi vào sản xuất; dự án ô tô Vinfast có thể sản xuất vài chục nghìn ô tô tùy theo thị trường khi đi vào sản xuất; nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có công suất 10 triệu tấn/năm....

Xuất khẩu vào một số thị trường tiềm năng trong khối CPTPP tăng cao

Cũng tại họp báo, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP đạt hơn 74 tỷ USD năm 2018.

Kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và các nước CPTPP trong 2 tháng đầu năm 2019 cũng cho thấy có sự tăng trưởng thương mại rõ rệt so với cùng kỳ các năm trước. Ví dụ, 2 tháng đầu năm 2018 Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản 2,6 tỷ USD thì 2 tháng đầu năm nay đạt 2,9 tỷ USD; Thị trường Canada 2 tháng đầu năm 2018 Việt Nam xuất khẩu 370,8 triệu USD thì 2 tháng đầu năm nay chúng ta xuất khẩu được 506,8 triệu USD; Với thị trường Mexico 2 tháng đầu năm 2018 xuất khẩu được 289 triệu USD và cùng kỳ 2 tháng đầu năm nay đạt 321 triệu USD.

Đáng chú ý, trong 2 tháng đầu năm nay đã có 269 giấy chứng nhận xuất xứ (CO) theo mẫu CPTPP được cấp kể từ khi hiệp định này có hiệu lực với Việt Nam.

Theo ông Ngô Chung Khanh, trong 2 tháng đầu năm nay đã có 269 giấy chứng nhận xuất xứ (CO) theo mẫu CPTPP được cấp

Cũng theo ông Ngô Chung Khanh, ngày 24/01/2019 Chính phủ đã ban hành Kế hoạch về việc thực hiện CPTPP (theo Quyết định số 121) với mục tiêu bảo đảm các cam kết của hiệp định được thực thi một cách đầy đủ, nhất quan giữa các cơ quan quản lý Nhà nước cấp trung ương và địa phương.

Trong kế hoạch này, Chính phủ đã phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các bộ, ngành và địa phương thực hiện 5 nhóm nội dung chính, là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin thông qua nhiều hình thức về CPTPP; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế; tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam sang các thị trường; xây dựng chủ trương, chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; các bộ, ngành tiếp tục đánh giá những tác động của hiệp định CPTPP đến các vấn đề xã hội để từ đó đưa ra các kiến nghị để phát triển chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững...

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam xây dựng Công thông tin điện tử (Portal) về các FTA, trong đó, trong tâm là Hiệp định CPTPP để cung cấp cho doanh nghiệp và người dân một công cụ tra cứu thông minh, hiệu quả, nhằm tận dụng tối đa cơ hội từ Hiệp định CPTPP theo từng mặt hàng và từng lĩnh vực cụ thể.

Cho phép thí điểm triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh

Trả lời phóng viên về thị trường bán buôn điện cạnh tranh sau 3 tháng vận hành chính thức đến nay, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương khẳng định, thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/1/2019, Bộ Công Thương triển khai mô hình thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Theo đó, các tổng công ty được phép trực tiếp mua điện từ một số nhà máy điện. Hiện nay, sản lượng điện được mua trực tiếp chiếm 10% tổng sản lượng điện thương phẩm cả nước.

“Từ ngày 1/1/2019, bên cạnh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), còn 5 đơn vị nữa được trực tiếp mua điện thông qua thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Sắp tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu để cho phép có thêm các tổng công ty được mua điện trực tiếp từ nhà máy và một số nhà máy được bán điện trực tiếp cho các tổng công ty”, ông Tuấn cho hay.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, sau 3 tháng triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh, Bộ Công Thương đã gặp nhiều khó khăn liên quan đến cơ chế chính sách, thuế, hạ tầng cơ sở do các giao dịch tăng khá nhiều so với giao dịch trước đây. Giải quyết vấn đề này, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện cơ sở hạ tầng; tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ vận hành; đồng thời, tổ chức sơ kết 3 tháng vận hành để tập hợp vướng mắc, từ đó tìm giải pháp giải quyết.

Cũng trong năm 2019, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, xem xét, cho phép thí điểm để triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, dự kiến vào năm 2021.

Về việc thực hiện Thông tư 25/2018/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về thực hiện giá bán điện, ông Nguyễn Anh Tuấn thông tin, hiện nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội hoặc các tỉnh có tập trung nhiều lao động như Hà Nam, Bình Dương, 100% chủ hộ đã ký cam kết bán điện đúng cho các hộ thuê nhà trọ. Các sở công thương cũng có thường xuyên có kế hoạch đi kiểm tra trực tiếp các nhà trọ để đảm bảo điện được bán đúng giá./.