Bản đồ điều chỉnh thiết kế đô thị trong quy hoạch chung TP Vũng Tàu đến năm 2035

Trong quy hoạch chung xây dựng TP Vũng Tàu đến năm 2020 được phê duyệt vào năm 2005, thành phố được định hướng phát triển theo các thế mạnh cơ bản của thành phố được duy trì từ năm 2005 đến nay như: Du lịch, thương mại, tài chính, dịch vụ, hậu cần, thủy hải sản, dầu khí và cũng là cửa ngõ của TP Hồ Chí Minh và Nam Bộ.

Trong thời gian qua, nhiều quy hoạch lớn đã được phê duyệt khiến cho quy hoạch năm 2005 đã trở nên không còn phù hợp. Bên cạnh đó, quá trình xây dựng phát triển của thành phố cũng có nhiều thay đổi đòi hỏi phải có một quy hoạch mới, điều chỉnh lại các nội dung trong quy hoạch cũ vào năm 2005.

Dự báo đến năm 2025, dân số thành phố Vũng Tàu khoảng 500.000 - 520.000 người; đến năm 2035, dân số thành phố Vũng Tàu khoảng 620.000 - 650.000 người.

Dân số phát triển mạnh, nhưng quy mô đất đai ở đây lại phát triển khá chậm và không còn thu hút được các nhà đầu tư trong nhiều năm qua, dù Vũng Tàu vẫn luôn đi đầu cả nước trong phát triển kinh tế và khả năng tự chủ cao nhờ 2 thế mạnh về du lịch và dầu khí.

Ngoài 2 thế mạnh trên, Vũng Tàu còn sở hữu thế mạnh về thủy văn và hải văn với các cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, Sao Mao – Bến Đình... được kỳ vọng sẽ trở hành điểm trung chuyển quốc tế lớn trong tương lai. Cấu trúc giao thông của thành phố được xây dựng tốt và hoạt động ổn định trong 20 năm qua.

Thành phố đã xây dựng được khung xương sống chạy dọc bán đảo, bao gồm 3 tuyến đường có chất lượng tốt và khai thác hiệu quả trong việc kết nối Vũng Tàu với TP Hồ Chí Minh. Hiện tại, TP Vũng Tàu đang tập trung phát triển các tuyến giao thông ngang và giao thông công cộng.

Trong đó, 6 chiến lược phát triển chính của TP Vũng Tàu bao gồm: Đánh thức ngành Du lịch gắn liền với sinh thái biển; duy trì và phát triển lợi thế về cảng biển, dịch vụ hàng hải và các loại dịch vụ vận tải khác; phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ dầu khí; thay đổi phương thức chế biến thủy, hải sản; tái phát triển đô thị và xử lý các vấn đề nội tại trong đô thị.

Thành phố Vũng Tàu phát triển theo mô hình tuyến dọc hướng Đông Bắc - Tây Nam và 2 trung tâm tại Gò Găng và Long Sơn, với các chức năng chính gồm: Công nghiệp - Đô thị - Du lịch. Hệ thống mặt nước, hồ cảnh quan điều hòa như Á Châu, Bàu Sen, Bàu Trũng, Rạch Bà, Cửa Lấp; các lưu vực sông Cỏ May, sông Dinh, sông Cửa Lấp, sông Ba Cội,... hệ sinh thái rừng ngập mặn và cảnh quan Núi Lớn, Núi Nhỏ, Núi Nứa là bộ khung tự nhiên của đô thị.

Những nội dung điều chỉnh chính trong Đồ án này là điều chỉnh quy mô, diện tích, quỹ đất, quy hoạch chiều cao công trình, quy hoạch các khu sinh thái ngập mặn, cải tạo công trình lấn biển, đề xuất khai thông kênh, rạch thoát nước...

Cụ thể, quy mô của thành phố Vũng Tàu sẽ có tổng diện tích khoảng 15.043 ha.

Không gian thành phố Vũng Tàu được chia thành 07 khu vực: Khu vực đảo Long Sơn; khu vực Gò Găng; khu vực Bắc Phước Thắng; khu vực Công nghiệp - Cảng; khu vực đô thị hiện hữu; khu vực Bắc Vũng Tàu (phía Bắc đô thị hiện hữu); khu vực phát triển du lịch ven biển Chí Linh - Cửa Lấp.

Trong đó, khu vực đảo Long Sơn là trung tâm công nghiệp dầu khí quốc gia. Phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp khác; hình thành khu đô thị mới phục vụ công nghiệp dầu khí và khu đô thị sinh thái mật độ thấp, đáp ứng nhu cầu ở đô thị. Cải tạo chỉnh trang khu dân cư hiện hữu và bảo tồn hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên vùng ngập mặn. Tổng diện tích đất khoảng 4.100 ha, trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 2.670 ha. Quy mô dân số tối đa khoảng 45.000 người.

Khu vực đô thị hiện hữu tập trung cải tạo, chỉnh trang và tái thiết đô thị theo hướng bảo tồn cấu trúc không gian đô thị truyền thống, bảo tồn công trình kiến trúc, cảnh quan và hệ sinh thái có giá trị. Khai thác hiệu quả các quỹ đất công sở sau khi di dời, ưu tiên quỹ đất sau di dời cho các chức năng công cộng, cây xanh và hỗn hợp (văn phòng, thương mại, du lịch và nhà ở).

Khu vực Núi Lớn, Núi Nhỏ duy trì các khu công viên rừng kết hợp du lịch, vui chơi giải trí, tạo điểm nhấn cảnh quan trong thành phố. Tăng cường khả năng tiếp cận của cộng đồng tới các hoạt động vui chơi, giải trí, các không gian xanh trên núi. Tại khu vực Bãi Sau, duy trì quỹ đất du lịch hiện hữu, ưu tiên phát triển hỗn hợp với các loại hình dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, thương mại, nhà ở và các công trình dịch vụ đô thị, đảm bảo xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ để đáp ứng nhu cầu du lịch và nâng cao chất lượng sống của người dân. Đối với khu dân cư hiện hữu, hạn chế gia tăng dân số; khai thác, phát triển dịch vụ du lịch.

Tại khu vực cù lao Bến Đình, cải tạo, chỉnh trang khu dân cư hiện hữu; hình thành khu đô thị mới hiện đại với chức năng hỗn hợp gồm nhà ở - dịch vụ thương mại - văn phòng và đảm bảo hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật trong khu dân cư.

Tổng diện tích đất toàn khu vực khoảng 2.074 ha, trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 1.716 ha. Quy mô dân số tối đa khoảng 240.000 người.

Về định hướng tổ chức hệ thống trung tâm, Trung tâm khu đô thị hiện hữu được giữ nguyên vị trí và quy mô. Việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời các công sở được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình hạ tầng xã hội, công viên cây xanh đô thị và sử dụng hỗn hợp (văn phòng, thương mại, nhà ở), đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị.

Với Trung tâm đô thị phát triển mới, xây dựng mới khu trung tâm hành chính thành phố tại khu vực Bắc Vũng Tàu, giáp đường 2/9, quy mô 14 ha theo hướng tập trung và hiện đại. Phát triển trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng, văn phòng, giải trí kết hợp khu đô thị tại khu vực sân bay hiện hữu, quy mô 170 - 180 ha.

Hình thành mạng lưới trung tâm thương mại dịch vụ hỗn hợp và công cộng cấp đô thị tại khu trung tâm đô thị hiện hữu, trung tâm các khu vực phát triển mới trên dọc tuyến đường 3/2 và 2/9. Các trung tâm thương mại dịch vụ cấp khu vực bố trí dọc theo các tuyến đường chính và trung tâm các khu đô thị. Cải tạo, nâng cấp và phát triển chợ truyền thống tại các khu dân cư hiện hữu.

Xây dựng khu trung tâm giáo dục - đào tạo tại khu vực phát triển đô thị phía Bắc thành phố, trên các tuyến đường 3/2 và đường 2/9; quy mô diện tích khoảng 30 - 32 ha. Nâng cấp cải tạo và xây dựng mới các trường trung học phổ thông đáp ứng nhu cầu các khu vực dân cư theo tiêu chuẩn.

Xây dựng các trung tâm y tế cấp đô thị gồm: Bệnh viện đa khoa quy mô 350 - 500 giường tại phường 11 quy mô khoảng 8 ha; bệnh viện quốc tế tại khu vực Gò Găng khoảng 10 ha; các trung tâm điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe, các trung tâm y tế chăm sóc sức khỏe chuyên ngành kết hợp dịch vụ nghỉ dưỡng, du lịch khám chữa bệnh.

Xây dựng các công viên cây xanh đô thị với quy mô khoảng 450 - 500 ha, gắn kết với các hồ và kênh, rạch tự nhiên, tạo thành mạng lưới không gian xanh, hồ điều hòa trong đô thị gồm: Bàu Sen 30 ha, Bàu Trũng 45 ha, Công viên trung tâm tài chính thương mại 21 ha, Rạch Bà 20 ha, Công viên Hồ Mặt trời 33 ha, Công viên trung tâm Phước Thắng (Cầu Cháy) 30 ha, Công viên Núi Nứa 24 ha, Công viên Hồ Mang Cá 40 ha, Công viên Long Sơn 30 ha, Công viên Bắc sân bay Gò Găng 62 ha, Công viên trung tâm Gò Găng 46 ha, Công viên Núi Lớn khoảng 30 ha, Công viên Núi Nhỏ khoảng 50 ha. Ngoài ra, duy trì hệ thống cây xanh sinh thái tự nhiên tại các khu vực rừng ngập mặn, trên Núi Lớn, Núi Nhỏ, Núi Nứa và tại khu vực ven biển./.