Trưởng Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội XIII, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp

Hình thành 3 trục liên kết để có sự đầu tư về hạ tầng

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh: Khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên là trọng điểm để hoàn thiện chiến lược của vùng trong thời gian tới, với ba nhóm ngành kinh tế chính là: Nông nghiệp gắn với nuôi trồng, khai thác và chế biến thuỷ hải sản, du lịch biển đảo gắn với văn hoá lịch sử và phát triển kinh tế biển với ưu thế về cảng biển và các nội dung trên vào chương trình quốc gia về phát triển với lộ trình từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể toàn vùng, phân bố hợp lý lực lượng sản xuất như đội tàu đánh bắt xa bờ, hậu cần nghề biển, đóng tàu, phát triển du lịch biển, logistic…

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, liên kết phát triển vùng Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, cần hình thành 3 trục liên kết để có sự đầu tư về hạ tầng, giao thông tập trung mà chủ yếu là đường bộ kết nối với nhóm 1 là các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai; nhóm thứ 2 là Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận liên kết với Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Trong đó, Đắk Nông và Lâm Đồng có thể gắn với khu vực Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh.

Vì vậy, cần ưu tiên bố trí các nguồn vốn đầu tư và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai một số công trình giao thông đường bộ trọng điểm, đặc biệt là hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc xuyên vùng từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận; xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá, phát triển mạnh đội tàu hiện đại đánh bắt xa bờ, bảo quản hải sản trên biển; tập trung xây dựng các đô thị ở phía bắc và Nha Trang là hạt nhân để phát triển chuỗi đô thị ven biển trong chiến lược kinh tế biển và du lịch, tạo sự tác động lan toả, lôi kéo, thúc đẩy sự phát triển của vùng.
Tuy nhiên, cơ chế liên kết vùng hiện nay lỏng lẻo, trên cơ sở đồng thuận, Hội đồng vùng không phát huy được nhiều tác dụng.

Vì vậy, cần nghiên cứu phân định lại các vùng kinh tế hợp lý; có một cơ chế liên kết vùng mang tính pháp lý, hiệu lực, hiệu quả do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp hoặc phân công các đồng chí Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo nhằm phát huy thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả vùng và từng địa phương...

Riêng định hướng đối với kinh tế vùng, cần xây dựng Duyên hải miền Trung thành vùng kinh tế phát triển, cửa ngõ phía đông, là hành lang quan trọng như hai vùng kinh tế trọng điểm phía bắc và phía nam, cũng như kết nối khu vực tiểu vùng sông Mekong, mở rộng tới khu vực Đông Bắc Á và khu vực Đông Nam Á, đóng góp vào tăng trưởng của toàn vùng.

Xây dựng và hoàn thiện kết nối hạ tầng kinh tế biển, bao gồm hệ thống cảng biển, sân bay với hệ thống giao thông ven biển kết nối với nội địa để cung cấp nước, xử lý chất thải rắn (nhất là chất thải nguy hại), hệ thống các công trình phòng tránh thiên tai. Hình thành, phát triển các trung tâm kinh tế biển của các nước và vùng duyên hải miền Trung ở địa bàn mỗi tỉnh, trên cơ sở phát triển các đô thị ven biển. Phát triển các khu vực kinh tế, khu công nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương và của vùng theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế đã được thành lập, mà trước hết là các khu kinh tế có ý nghĩa động lực đối với vùng. Chú ý phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối, đồng thời hướng đến quy hoạch các khu năng lượng gió, năng lượng mặt trời trên biển với điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển.

Phó Thủ tướng Thương trực Trương Hòa Bình nêu rõ tầm quan trọng của liên kết vùng

Ba đột phá cùng với đổi mới sáng tạo cần áp dụng để tháo gỡ nút thắt phát triển

Dành hơn 5 tiếng đồng hồ lắng nghe ý kiến của 10 tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên cũng như các bộ, ngành, kết luận cuộc làm việc vào lúc hơn 13h, Thủ tướng nhìn nhận 10 tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên trong thời gian qua đạt nhiều thành tựu lớn trên nhiều mặt, có mặt vượt bậc.

Tuy nhiên, các địa phương đối diện một số thách thức như phát triển cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, tiêu… vượt quy hoạch, ảnh hưởng đến nước tưới, giảm năng suất, dư thừa cung. Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương không được phá rừng, cả rừng nghèo, để làm cây công nghiệp, mà phải thâm canh, tái canh.

Thủ tướng cũng chỉ ra việc phát triển các nhà máy thủy điện quá mức, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, giảm diện tích rừng đầu nguồn. “Do đó cần đặt ra vấn đề phát triển bền vững”, Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai, tài nguyên, nhất là quản lý rừng, nông lâm trường chưa đạt hiệu quả.

Giao thông nội vùng và đối ngoại nhìn chung còn thiếu và yếu, do đó, chi phí vận chuyển cao, sức cạnh tranh giảm, khó thu hút đầu tư và gây khó khăn trong hợp tác vùng. Thiếu cơ chế liên kết vùng hiệu quả. Số lượng doanh nghiệp trong vùng còn thấp.

Thủ tướng nêu rõ quan điểm phát triển đối với vùng là phát triển để ổn định chứ không phải ổn định để phát triển. “Muốn ổn định thì phải phát triển”, nếu để cuộc sống người dân nghèo đói, khó khăn quá thì vấn đề đặt ra rất phức tạp. Và quan điểm nữa là phát triển xanh, chống sa mạc hóa Tây Nguyên và sạt lở bờ sông, bờ biển ở miền Trung… “Nếu cả một Tây Nguyên xanh, cả miền Trung xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu hết sức sâu sắc như thế này thì chúng ta yên tâm”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng nhất trí với các ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu phân vùng hợp lý hơn, cần có cơ chế liên kết vùng hiệu quả hơn, cần lập quy hoạch tổng thể, quy hoạch tích hợp theo Luật Quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch phát triển giao thông vận tải. Khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.

Cơ cấu lại các ngành, đặc biệt là nông nghiệp, du lịch. Khôi phục, phát triển kinh tế rừng. “Nếu không có rừng ở đây thì nước cho Tây Nguyên, cho miền Trung, cho Đông Nam Bộ rất khó khăn”, Thủ tướng nói.

Xây dựng chuỗi sản xuất nông nghiệp bền vững hiệu quả, có doanh nghiệp làm nòng cốt, hợp tác xã là trọng tâm, nông dân là chủ thể. Chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm. Khu vực này cần quan tâm đặc biệt đến an sinh xã hội, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.

Ba đột phá chiến lược cùng với đổi mới sáng tạo cần áp dụng cho các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, để tháo gỡ nút thắt trong phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ tới, phần lớn các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên phải tự cân đối được ngân sách./.