Tại buổi làm việc với Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội Đảng XIII, ngày 25/07/2019, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, bà Phạm Thị Thanh Trà đã báo cáo với Thủ tướng và các đồng chí trong đoàn công tác về kết quả thực hiện Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội giai đoạn 2011-2020, phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2021-2030 của tỉnh Yên Bái.

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà cho biết, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển KT-XH của Yên Bái đều đạt và vượt kế hoạch hằng năm

Cụ thể, bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tốc độ tăng GRDP (giá so sánh 2010) bình quân 2011-2018 của tỉnh đạt 6,3%; GRDP bình quân đầu người tăng từ 18,33 triệu đồng năm 2011 lên khoảng 38 triệu đồng năm 2019; hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch hằng năm.

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục có những bước phát triển bền vững, bước đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa với các sản phẩm chủ lực gắn với đầu ra sản phẩm; xây dựng nông thôn mới (NTM) vượt mục tiêu so với kế hoạch, hết năm 2018 toàn tỉnh có 46 xã đạt chuẩn NTM; sản xuất công nghiệp, dịch vụ tăng trưởng khá.

Đặc biệt, các giải pháp tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương đã phát huy được hiệu quả, thu ngân sách tăng cao so với giai đoạn trước; công tác thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc; việc huy động, lồng ghép các nguồn lực gắn với cơ cấu lại đầu tư công để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội được thực hiện hiệu quả.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; các chế độ chính sách đối với người có công, hộ nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, kịp thời, đầy đủ, tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016-2018 giảm bình quân trên 4,4%/năm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Tỉnh Yên Bái đề nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo một số nội dung: Quan tâm định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương trong vùng theo Luật Quy hoạch mới ban hành gắn với quy hoạch Trung du và miền núi phía Bắc, đảm bảo đồng bộ, thống nhất các tỉnh trong vùng nhằm thúc đẩy liên kết vùng một cách hợp lý và hiệu quả; xây dựng cơ chế chính sách, ưu tiên cho liên kết vùng, trong đó ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông kết nối các địa phương trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc; xây dựng cơ chế chính sách ưu tiên cho liên kết vùng, trong đó ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông kết nối các địa phương trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc và liên kết với các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, tạo động lực thúc đẩy kinh tế xã hội đất nước nhanh và bền vững; định hướng rõ cơ chế yêu cầu liên kết vùng trong từng chính sách hỗ trợ của Trung ương thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình có mục tiêu khác, từ đó ưu tiêu phân bổ nguồn lực Trung ương gắn với nguồn lực địa phương, đồng thời tạo sự liên kết tất yếu, hiệu quả, bền vững trong vùng trên các lĩnh vực được Trung ương hỗ trợ; chỉ đạo xây dựng Đề án nghiên cứu tổng thể thực trạng biến đổi khí hậu, đề ra giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, lũ ống, lũ quét, sát lở đất trước mắt và lâu dài tại các khu vực miền núi phía Bắc trong đó có tỉnh Yên Bái; nghiên cứu, có chính sách hợp lý đủ mạnh để người dân tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo đảm được đời sống từ rừng lâu dài, bền vững; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung một số bộ luật bảo đảm đồng bộ, thống nhất, liên thông, nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các địa phương trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp./.