Ngày 16/8/2019, tại thành phố Hải Phòng đã diễn ra Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020 Vùng Đồng bằng sông Hồng tại TP. Hải Phòng dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng và Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Thành.

Hội nghị được tổ chức tại thời điểm rất ý nghĩa và quan trọng khi các cấp, các ngành trong cả nước đang triển khai quyết liệt các giải pháp đề ra để tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng năm 2019 từ đó đưa ra các giải pháp chủ yếu để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch 2020; hướng tới hoàn thành các mục tiêu Đại hội Đảng Bộ của các địa phương nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu tại Hội nghị/Ảnh: MPI

Tăng cường sự chia sẻ, kết nối các địa phương trong xây dựng kế hoạch

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng chỉ rõ, 2019 được xác định là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Năm 2020 có ý nghĩa rất quan trọng, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 và Chiến lược phát triển phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2010 - 2020. Đây cũng là năm hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, việc thu hút nguồn lực cho phát triển vùng, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng năm 2019 từ đó đưa ra các giải pháp chủ yếu để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch 2020; các địa phương bám sát các định hướng, nội dung, giải pháp trong các lĩnh vực tại CT16/TTg-CT của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bám sát định hướng các ngành lĩnh vực và tình hình địa phương.

Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược quan trọng của Đảng và Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế của cả nước.

Về công tác xây dựng thể chế, pháp luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo đã tích cực nghiên cứu, hoàn thiện các dự thảo Luật để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua như Luật Quy hoạch, Luật đầu tư công để phục vụ tốt hơn cho công tác xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, trên cơ sở tổng kết 30 năm thu hút và sử dụng đầu tư trực tiếp nước ngoài, Bộ đã phối với các bộ, ngành, địa phương liên quan hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế chính sách để nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và hợp tác đầu tư nước ngoài đến 2030” báo cáo Bộ Chính trị.

Trong thời gian sắp tới, Bộ Chính trị sẽ ban hành Nghị quyết về Định hướng hoàn thiện thể chế chính sách để nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và hợp tác đầu tư nước ngoài đến 2030. Trong đó, khẳng định đầu tư nước ngoài là một bộ phận hợp thành quan trọng, bình đẳng, phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Đồng thời, đưa ra những định hướng chiến lược mới như chuyển thu hút đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, có giá trị gia tăng cao; chủ động thu hút có chọn lọc đầu tư nước ngoài, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu… đi cùng với yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo đảm an ninh quốc phòng.

Tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp hoàn thiện các dự án luật quan trọng như Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Đây là những dự án Luật quan trọng, có nhiều điểm đổi mới và phạm vi tác động đến nhiều đối tượng, bao gồm cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân, có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và huy động hiệu quả nguồn vốn đầu tư của toàn nền kinh tế, nhất là vốn đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước và nước ngoài.

Về hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam chủ động hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu thông qua hàng loạt các Hiệp định thương mai tư do song phương và đa phương, trong đó có các hiệp định thế hệ mới như CPTPP, EVFTA.

Tuy nhiên, xu hướng bảo hộ thương mại của các nước đang diễn ra mạnh mẽ hơn, có thể cản trở hệ thống thương mại toàn cầu cũng như đe dọa đà phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế thế giới và thậm chí có thể đảo ngược tiến trình toàn cầu hóa. Đặc biệt là căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động không nhỏ đến Việt Nam cả về khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực.

Do đó, cần chủ động trong công tác thu hút đầu tư nước ngoài để đón dòng đầu tư dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND các tỉnh, thành phố, cũng như các sở kế hoạch và đầu tư công tác tiếp cận, xúc tiến, kiểm soát và sàng lọc để lựa chọn những dự án đầu tư thực chất, hiệu quả để góp phần cho sự phát triển kinh tế của địa phương nói riêng và cả nước nói chung”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

​Về tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Ngoài ra, Bộ cũng đã tham mưu nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về bổ sung một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư; Nghị quyết về giải pháp, khuyến khích thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững; rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh; biên soạn và công bố sách trắng doanh nghiệp…

"Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng sẽ tăng cường sự chia sẻ, kết nối các địa phương trong công tác xây dựng kế hoạch, cũng như điều phối các nguồn lực về nhân lực, hạ tầng, khoa học, công nghệ… nhằm tối ưu hóa các tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong sự phát triển chung của toàn Vùng", Thứ trưởng Thắng chia sẻ quan điểm của Bộ.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Thành đánh giá cao việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020 tại 04 vùng trên cả nước nhằm trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực đặc thù như khu công nghiệp, khu kinh tế, đầu tư nước ngoài, ODA, phát triển doanh nghiệp, liên kết vùng và các vấn đề liên quan khác.

Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông báo cáo tại Hội nghị/ Ảnh: MPI

Dự kiến năm 2019, toàn Vùng có 12/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư phát triển năm 2019, dự kiến năm 2020, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Vùng Đồng bằng sông Hồng có hệ thống giao thông kết nối tốt nhất cả nước và ngày càng hoàn thiện hơn gồm đường bộ, đường biển, đường sông, đường hàng không, đường sắt đã tạo động lực liên kết phát triển và thúc đẩy chuyển dịch kinh tế của Vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và vùng Trung du - miền núi phía Bắc với cả nước.

Vùng có điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, tin học, phần mềm, công nghiệp phụ trợ và ngành dịch vụ cao cấp, dịch vụ du lịch, dịch vụ viễn thông, tài chính, ngân hàng, logistics lớn của cả nước. Vùng đi đầu trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và giải quyết nhanh, gọn thủ tục hành chính….

Theo báo cáo của các địa phương, dự kiến toàn Vùng có 12/12 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết của HĐND các tỉnh, thành phố đề ra. Vùng tiếp tục khẳng định vai trò là một trong hai đầu tàu kinh tế, trung tâm công nghiệp, dịch vụ trọng điểm và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung cả nước.

Tuy nhiên, Vùng vẫn còn những tồn tại những khó khăn vướng mắc như mặc dù đạt kế hoạch đề ra nhưng tăng trưởng GRDP 6 tháng của Vùng thấp hơn khá nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2018 (9,5%).

Bên cạnh đó, thu hút đầu tư trong nông nghiệp còn hạn chế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chủ yếu gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng chưa cao.

Thu ngân sách 10/11 địa phương dự kiến vượt kế hoạch đề ra nhưng chưa chắc chắn do nhiều địa phương còn phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế đối với sản phẩm ô tô khi hội nhập như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương. Riêng thành phố Hà Nội bị hụt thu khoảng 5.858 tỷ đồng do ảnh hưởng tạm thời về nguồn thu từ một số công ty, doanh nghiệp và ngân hàng lớn trên địa bàn.

Vùng đã thu hút được nhiều dự án FDI quy mô lớn góp phần cải thiện cơ cấu công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên 65% số vốn FDI của Vùng đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực, ngành tận dụng nhân công giá rẻ, dệt may, giày dép, lắp ráp thiết bị và bất động sản nên việc lôi kéo các doanh nghiệp trong nước tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, liên kết doanh nghiệp FDI và trong nước chưa cao, chưa có tính chất lan tỏa tích cực.

Mặc dù số doanh nghiệp đăng ký mới vẫn đứng thứ 2 cả nước nhưng xét về quy mô vốn thì các doanh nghiệp trong Vùng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, ông Trần Quốc Phương hướng dẫn các địa phương xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn/ Ảnh: MPI

Xây dựng Kế hoạch 2020 phải phù hợp với điều kiện thực tiễn

Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, ông Trần Quốc Phương hướng dẫn các địa phương xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và các điểm mới của Luật Đầu tư công. Về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, căn cứ Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 25/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành văn bản số 4538/BKHĐT-TH ngày 03/7/2019 hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020.

Theo đó, đối với xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm cuối thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, cũng là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 phải vừa phù hợp với điều kiện thực tiễn, đồng thời phải hướng tới mục tiêu nỗ lực, phấn đấu hoàn thành toàn diện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 -2020, nhất là việc đặt mục tiêu của năm 2020. Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, việc tổng hợp, báo cáo Tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 cần làm sớm, do đó đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện, đảm bảo chất lượng và tiến độ báo cáo.

Đối với xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2020, Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 về cơ bản bằng năm 2019, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng phương án phân bổ kế hoạch chi chặt chẽ, xác định rõ mục tiêu, thứ tự ưu tiên trong kế hoạch đầu tư công năm 2020 phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã được Quốc hội thông qua và tiến độ thực hiện các dự án.

Trong đó, bố trí đủ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản còn lại chưa thanh toán, bố trí đủ vốn cho các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Ưu tiên bố trí vốn cho dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; thu hồi các khoản vốn ứng trước còn lại của kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; vốn chuẩn bị đầu tư cho các dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025; vốn cho các nhiệm vụ quy hoạch theo quy định của Luật quy hoạch và các nghị định hướng dẫn; vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư. Dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với các dự án khởi công mới, chỉ bố trí vốn kế hoạch năm 2020 cho các dự án thật sự cần thiết đáp ứng đủ các điều kiện: Đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, đến ngày 31/10/2019 có quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật đầu tư công. Đối với dự án chuẩn bị đầu tư phải có Quyết định phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư đến ngày 31/10/2019.

Bố trí kế hoạch đầu tư vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cân đối trong NSNN cho các dự án bảo đảm theo tiến độ đã ký kết với nhà tài trợ, khả năng cân đối nguồn vốn đối ứng, tiến độ giải phóng mặt bằng theo quy định của Luật Đất đai, năng lực của chủ đầu tư chương trình, dự án và tiến độ thực hiện dự án.

Toàn cảnh Hội nghị/ Ảnh: MPI

Sẽ xây dựng các khung khổ thể chế một cách thuận lợi nhất

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, đầy trách nhiệm của các địa phương.

Thứ trưởng cho biết, các ý kiến của các đại biểu cùng các tham luận của các địa phương tại Hội nghị sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trong báo cáo phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước để trình Chính phủ, Quốc hội thông qua để làm căn cứ tổ chức triển khai thực hiện một cách hiệu quả nhất.

Các ý kiến phát biểu cho thấy, cơ bản các địa phương nhất trí với cách làm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc tổ chức Hội nghị theo vùng. Điều này rất cần thiết, bởi nếu mỗi địa phương thực hiện xúc tiến đầu tư, thu hút nguồn lực một cách độc lập, mà không có sự chia sẻ, gắn kết với nhau sẽ tạo ra sự lãng phí.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, Vùng Đồng bằng sông Hồng là Vùng động lực rất quan trọng của cả nước, có tốc độ tăng trưởng cao so với các vùng khác. Tuy nhiên, bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh tế - xã hội tế của Vùng. Bên cạnh đó là những cản trở do dịch bệnh, thiên tai.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhận định, vấn đề thể chế, trình tự thực hiện các thủ tục là rào cản, cản trở lớn nhất đến phát triển kinh tế - xã hội của Vùng, trong đó có liên quan đến thực hiện Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân, phát triển doanh nghiệp… với các trình tự thủ tục còn rườm rà.

Bên cạnh đó là sự xung đột giữa các thủ tục khác nhau giữa Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đô thị, Luật nhà ở với Luật Đầu tư. Do vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện thể chế này. Hiện nay, một số Luật đang trong quá trình sửa đổi như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp nhằm hướng tới tháo gỡ, khắc phục những khó khăn, cản trở nêu trên.

Liên quan đến Luật Quy hoạch, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho rằng, đây là bộ Luật rất tiến bộ, nhưng trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện cho thấy có rất nhiều vấn đề phức tạp. Sau khi Luật Quy hoạch được ban hành đã có tác động đến rất nhiều luật khác, do vậy quá trình triển khai thực hiện gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, Chính phủ đã trình và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý ban hành Nghị quyết giải thích về một số điều của Luật Quy hoạch để Luật này đi vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất. Khi Nghị quyết này được ban hành thì hầu hết các vướng mắc liên quan đến công tác quy hoạch chuyển tiếp sẽ được tháo gỡ.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn đặt mục tiêu hàng đầu là phụng sự, xây dựng các khung khổ thể chế một cách thuận lợi nhất. Do vậy, Bộ mong muốn trong quá trình triển khai thực hiện các khung khổ chính sách này nếu vướng ở đâu thì sẽ nhận được sự trao đổi trên tinh thần cầu thị.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn luôn lắng nghe, luôn cập nhật các ý kiến của các địa phương, báo cáo cơ quan cấp trên nhằm tìm cách tháo gỡ một cách nhanh chóng và hiệu quả”, Thứ trưởng khẳng định./.