Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Động lực thúc đẩy toàn vùng phát triển là gì?

Thủ tướng cho biết, nhìn vào bản đồ Tổ quốc, miền Trung như xương sống của đất nước và cũng có hình ảnh ví von miền Trung như chiếc đòn gánh nên “hai đầu quá nặng mà đòn gánh yếu thì sẽ gãy”. “Chúng ta bàn phát triển miền Trung không phải việc riêng của 14 tỉnh”, Thủ tướng nhấn mạnh tại Hội nghị.

Năm 2018, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân toàn vùng đạt khoảng 7,62%/năm, cao hơn so với bình quân chung cả nước. Tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước có xu hướng tăng, từ 18,83% năm 2016 lên 19,28% năm 2018.

Thủ tướng mong muốn các bộ, ngành, địa phương thẳng thắn chỉ ra các nút thắt để tìm ra giải phát sát thực, hiệu quả hơn, nhất là chính sách, quan điểm phát triển để tháo gỡ; kỳ vọng Hội nghị lần này đưa ra được những phân tích, giải pháp, ý tưởng và đề xuất cụ thể để ban hành một chỉ thị của Thủ tướng thúc đẩy ngay sau hội nghị, đặc biệt là những giải pháp cho năm 2020 và kế hoạch 5 năm tới.

Năm 2018, trong khi GDP của 28 tỉnh giáp biển đóng góp 73,8% GDP cả nước, thì 14 tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung chỉ đóng góp được gần 20% tổng GDP, chỉ chiếm 1/4 tổng GDP của 28 tỉnh có biển. Tiềm năng du lịch là thế mạnh, nhưng doanh thu từ du lịch chưa được 20% cả nước.

“Vậy những động lực thúc đẩy toàn vùng phát triển trên cả 3 khía cạnh: Thể chế chính sách động lực (ví dụ phân cấp kinh tế, liên kết vùng); ngành động lực (công nghiệp, nông nghiệp, kinh tế biển, du lịch); nhân tố động lực (tài nguyên tự nhiên, con người, khoa học-công nghệ) là gì? Giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy những ngành động lực phát triển cả về năng suất và chất lượng?”, Thủ tướng đặt câu hỏi.
Miền Trung cần tăng tốc phát triển cao hơn để có quy mô kinh tế lớn hơn, Thủ tướng yêu cầu và cho biết, khu vực tổ chức Hội nghị từng là những bãi sình lầy, cây cối thưa thớt, giờ đây, sau 3-4 năm, nơi này thành khu đô thị du lịch, khách sạn hạng sang. Sự thay đổi này phải chăng là gợi mở cho việc phát huy thế mạnh của chúng ta?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị

Vấn đề thứ hai là nguồn lực vốn con người của miền Trung. Theo Thủ tướng, người miền Trung dù đi đâu, làm gì vẫn vẹn nguyên cốt cách, tố chất và tính cách (bộc trực, cần cù, chăm chỉ và quyết liệt). Rất nhiều nhân tài trong các lĩnh vực, đặc biệt nhiều nhà kinh doanh giỏi, nhiều tỷ phú Việt Nam xuất thân từ dải đất miền Trung này. Đây là tài sản rất quan trọng đối với các tỉnh miền Trung.

Biển miền Trung là cửa ngõ mặt tiền ra Biển Đông của Việt Nam, giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển, có tiềm năng rất lớn về phát triển công nghiệp nặng, dầu khí, vận tải biển, logistic, dịch vụ, du lịch biển, đảo, phát triển đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, khai thác năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Miền Trung còn là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên, là cầu nối, quan trọng của các tỉnh Tây Nguyên trong hội nhập, thông qua việc kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.

Thủ tướng đặt vấn đề, cần làm sao để những con người miền Trung giàu và giỏi đóng góp cho quê hương. Câu hỏi lớn hơn nữa là làm sao để thu hút được người giỏi, người tài, người giàu đến miền Trung sinh sống và làm việc?

Liên kết vùng là bài toán sống còn đối với tất cả các địa phương trong vùng

Thủ tướng chỉ ra vấn đề thứ ba của miền Trung đó là liên kết vùng. Mặc dù miền Trung chiếm 28,9% diện tích cả nước, có đến 14 tỉnh, thành phố, nhưng do điều kiện địa lý, nên dễ bị tổn thương về mặt tự nhiên và xã hội, đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Vì vậy sự hợp tác, đối phó với những thách thức này như thế nào?

Thủ tướng khẳng định, liên kết vùng là bài toán sống còn đối với tất cả các địa phương trong vùng.

“Chúng ta đã bàn nhiều về liên kết vùng, nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải ưng ý, nhất là bài toán liên kết về hạ tầng, đào tạo nhân lực, phân công lao động, phân công sản xuất,... để tối ưu hóa phương án đầu tư”, Thủ tướng chỉ rõ.

Do đó, cần xác định những chương trình mục tiêu phát triển ở quy mô vùng như du lịch vùng, nhân lực vùng, thị trường lao động chung, bảo vệ môi trường vùng,...

Cần đặt sự ưu tiên phát triển vùng lên đầu chương trình nghị sự

Theo Thủ tướng, cùng với biển bạc, các tỉnh miền Trung còn có nguồn tài nguyên lớn là rừng. Thủ tướng đã có lệnh “đóng cửa rừng tự nhiên” chính là để giữ gìn tài nguyên, môi trường cho thế hệ sau và đến nay chúng ta đã đạt được nhiều kết quả phát triển rừng quan trọng.

“Trong giai đoạn tới, cần phát huy lợi thế rừng vàng-biển bạc như thế nào? Cần điều chỉnh những chính sách đã ban hành về kinh tế rừng, kinh tế biển thế nào để thúc đẩy sự phát triển của miền Trung?”, Thủ tướng nêu vấn đề.

Vùng miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận được gắn kết bởi 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với chiều dài bờ biển lên tới 1.900 km, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển; kết cấu hạ tầng lớn được quan tâm đầu tư một cách căn bản với 9 sân bay, trong đó có 5 sân bay quốc tế, 14 nhóm cảng biển, trong đó có 8 nhóm cảng biển nước sâu loại I là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực, sở hữu 11 trong tổng số 17 khu kinh tế ven biển của cả nước.

Vấn đề tiếp theo mà Thủ tướng đặt ra là ưu tiên chiến lược phát triển. Mức tăng trưởng công nghiệp-xây dựng bình quân giai đoạn 2016-2018 toàn vùng đạt 10,36%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước (8,1%). Trong khi đó, ngành dịch vụ của vùng hiện có tốc độ tăng trưởng rất cao, chiếm ttr trọng lên đến 41,59% kinh tế vùng, trong đó ngành du lịch đang là động lực tăng trưởng của các tỉnh miền Trung. Theo Thủ tướng, cần tránh mâu thuẫn trong lựa chọn ưu tiên chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn tới. Làm sao để “hai chân không dẫm vào nhau”, có được bước đi nhanh và không vấp ngã. Cần chú ý xử lý những vướng mắc từ công tác quy hoạch.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề cập đến nhiều vấn đề khác như phát triển kinh tế tư nhân, tăng tốc đô thị hóa, đào tạo lao động, di dân, vấn đề quy hoạch, cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, khởi nghiệp và sáng tạo cùng nhiều vấn đề hạ tầng xã hội khác.

Thủ tướng mong muốn, với trí tuệ, chất xám và con tim nhiệt huyết, các đại biểu sẽ đưa ra được những giải pháp, ý tưởng, đề xuất thật cụ thể và khả thi, như một bác sĩ giỏi phải bắt đúng bệnh thì mới chữa được bệnh.

“Chính phủ, Thủ tướng luôn coi trọng sự phát triển kinh tế-xã hội miền Trung, luôn đặt ở vị trí ưu tiên trong sổ tay chương trình nghị sự của mình, để khi lật ra là nhớ và hành động”, Thủ tướng nói và mong muốn các bộ trưởng, các thủ lĩnh ngành, các lãnh đạo địa phương, tùy theo vị trí và trách nhiệm của mình cũng phải đặt sự ưu tiên phát triển vùng lên trang đầu trong chương trình nghị sự của mình.

Phải vận dụng chiến lược kinh tế biển vào miền Trung

Từ hội nghị này, Thủ tướng đề nghị các địa phương miền Trung quán triệt tinh thần: Đứng trước vận hội mới của đất nước trong 10-15 năm tới, miền Trung cần thể hiện khát vọng, vươn lên mạnh mẽ, quyết tâm để sớm trở thành địa bàn có trình độ kinh tế-xã hội phát triển cao, bền vững của đất nước. “Miền Trung có đủ điều kiện phát triển nhanh, tốc độ cao và phát triển bền vững hơn. Chính vì thế, một tinh thần là ngay bây giờ hay không bao giờ như nhiều đại biểu đã nêu”. Phải vận dụng chiến lược kinh tế biển vào miền Trung, tập trung vào 5 trụ cột kinh tế.

Đó là, ngư nghiệp, phải tập trung nuôi trồng và đánh bắt và chế biến thủy hải sản, một thế mạnh không phải nơi nào cũng có. Thứ hai là du lịch, đặc biệt là du lịch biển, đảo và khai thác thế mạnh của du lịch vùng Tây của các tỉnh miền Trung. Thứ ba là cảng biển và các dịch vụ logistics. Thứ tư là phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến gắn liền với lợi thế cảng biển. Không có công nghiệp thì khó có thể phát triển bền vững. Thứ năm là năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và nghiên cứu các dạng năng lượng khác.

Nhấn mạnh việc liên kết vùng và thể chế phát triển vùng, Thủ tướng cho rằng vấn đề quy hoạch chiến lược phát triển miền Trung cần rõ hơn, sớm có thể chế thuận lợi cho phát triển khu vực.

Xây dựng môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh hơn, miền Trung phải thực sự là "đất lành, chim đậu", tạo điều kiện cho sự phát triển. Từng địa phương phải quan tâm tới ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng chứng kiến lãnh đạo tỉnh Bình Định trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng đảm bảo chất lượng theo hướng tích hợp các quy hoạch quy định tại Luật Quy hoạch. Đề xuất nguồn lực để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng cấp bách, nhất là hệ thống đường ven biển, đường lên Tây Nguyên và các công trình trọng điểm của vùng, các dự án khắc phục khô hạn, bảo vệ nguồn nước ngọt, đảm bảo phát triển bền vững.

Bộ Tài chính nghiên cứu một số cơ chế, chính sách tài chính, thuế, phí để phân cấp quản lý cho các tỉnh, thành trong vùng phù hợp với trình độ phát triển, đặc điểm kinh tế và cơ sở thuế của từng địa phương.

Bộ Giao thông vận tải cần lập kế hoạch phát triển sân bay lớn trên tinh thần “cái gì Nhà nước phải đầu tư dứt điểm, cái gì thì tư nhân đầu tư” để tạo điều kiện cho du lịch phát triển.

Đối với Bộ Công Thương, ưu tiên phát triển mạng lưới trung tâm logistics của vùng là nơi có lợi thế về vị trí địa lý, gần nguồn cung cấp hàng hóa như khu công nghiệp, hệ thống cảng, gần khách hàng tiêu thụ.

Bộ Khoa học và Cong nghệ nghiên cứu hỗ trợ xây dựng các trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong trường đại học, doanh nghiệp, khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trong vùng, để từ đó là hạt nhân của hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong vùng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực biển chất lượng cao.

Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành phố của vùng phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra năm 2019. Lãnh đạo các địa phương tiếp tục khơi dậy khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn vùng và từng địa phương, doanh nghiệp, người dân. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, thực hiện tốt các hoạt động điều phối và liên kết. “Miền Trung thì phải bàn tiến chứ không bàn lui, kể cả việc liên kết lẫn nhau và liên kết với các tỉnh Tây Nguyên”, Thủ tướng nêu rõ. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phải đảm bảo tính hiệu quả kinh tế, khả năng lan tỏa. Kiểm soát và khắc phục ô nhiễm môi trường, ngăn chặn từ sớm các nguồn gây ô nhiễm.

Tại Hội nghị, Thủ tướng chứng kiến lãnh đạo tỉnh Bình Định trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án./.