Phát huy hiệu quả tích cực

Hiện nay, tại Bắc Ninh có 4 tổ chức chính trị - xã hội đang phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia quản lý trên 2.240 tỷ đồng, chiếm trên 96% tổng dư nợ (tăng 540 tỷ đồng so với năm 2014).

Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Ninh từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay là 136 tỷ đồng, gấp 4,4 lần so với khi chưa có Chỉ thị, đưa tổng số nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương đạt 167 tỷ đồng.

Báo cáo Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Ninh cho biết, trong 5 năm (2014 - 2019), vốn tín dụng chính sách tỉnh Bắc Ninh đã giải ngân gần 2.500 tỷ đồng cho gần 101.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Từ đó, hơn 15.000 hộ vượt qua ngưỡng thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3,42% còn 1,62%, hộ cận nghèo từ 3,6% xuống còn 2,17%.

Bên cạnh đó, nguồn vốn giúp trên 2.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; thu hút, tạo việc làm cho gần trên 6.000 lao động từ Quỹ Quốc gia về việc làm... Số vốn thu hồi nợ đạt khoảng 1.900 tỷ đồng.

Bắc Ninh đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3,42% trong năm 2014 còn 1,62% năm 2019

Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh thấp hơn bình quân chung cả nước, cơ bản vốn vay sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả, theo đúng phương châm “ở đâu có người nghèo và đối tượng chính sách ở đó có ngân hàng chính sách xã hội”.

Mục tiêu dư nợ tín dụng chính sách xã hội tăng trưởng bình quân hàng năm đạt từ 8 đến 10%, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh dưới 0,5%/tổng dư nợ.

Cần đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng

Tuy nhiên, công tác tín dụng còn bộc lộ nhiều hạn chế như một số ít cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội dẫn đến việc chỉ đạo, triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn có lúc hiệu quả chưa cao, chất lượng tín dụng chính sách chưa đồng đều, ổn định.

Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng địa phương còn hạn hẹp (chiếm tỷ trọng 7,15% so với tổng nguồn vốn hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Ninh) trong khi đó, nhu cầu vốn của người dân lớn.

Ngoài ra, việc thực hiện một số nội dung ủy thác của một số tổ chức chính trị xã hội cấp xã có nơi chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, chưa thực hiện được đầy đủ các nội dung được ủy thác dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Tại một số nơi, công tác phối hợp giữa các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm chưa được gắn kết... dẫn đến một bộ phận người nghèo sử dụng vốn chưa hiệu quả, chưa thoát nghèo bền vững.

Vì vậy, để tiếp tục nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, cần tập trung nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng nhiệm vụ được giao, tiếp tục duy trì và đổi mới chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời, cho vay đúng đối tượng, thực hiện các quy trình, thủ tục vay vốn và trả nợ, trả lãi tiền vay...

Đồng thời, cần có giải pháp cân đối nguồn vốn từ ngân hàng chính sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với phụ nữ khởi nghiệp…

Ngoài ra, Bắc Ninh cũng cần quan tâm bổ sung nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp số tiền từ 20 tỷ đồng/năm trở lên. Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần quan tâm tạo điều kiện cho các mô hình thanh niên phát triển kinh tế có điều kiện xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tăng cường tập huấn cho các thanh niên. Từ đó tạo điều kiện phát huy hiệu quả nguồn tín dụng chính sách xã hội./.