Theo số liệu của Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV), nhu cầu phân bón ở Việt Nam hiện nay vào khoảng trên 10 triệu tấn các loại. Trong đó, Urea khoảng 2 triệu tấn, DAP khoảng 900.000 tấn, SA 850.000 tấn, Kali 950.000 tấn, phân Lân trên 1,8 triệu tấn, phân NPK khoảng 3,8 triệu tấn, ngoài ra còn có nhu cầu khoảng 400.000 - 500.000 tấn phân bón các loại là vi sinh, phân bón lá.

Tình hình sản xuất trong nước

Theo FAV, cả nước hiện nay có đến 500 doanh nghiệp sản xuất phân vô cơ và hàng nghìn doanh nghiệp kinh doanh phân hữu cơ, vi sinh, trong đó có không ít làm ăn chộp giật bằng công nghệ “máy trộn bê tông” đã biến ngành phân bón nước ta vài năm trở lại đây hỗn loạn, mất kiểm soát. Nguồn cung phân bón chủ yếu của nước ta tập trung vào 15 doanh nghiệp lớn thuộc 2 tập đoàn: Vinachem và PVN.

Năng lực sản xuất phân ure trong nước đến thời điểm hiện tại là 2,34 triệu tấn/năm, bao gồm: Đạm Phú Mỹ 800.000 tấn, Đạm Cà Mau 800.000 tấn, Đạm Hà Bắc 180.000 tấn, Đạm Ninh Bình 560.000 tấn. Dự kiến cuối năm 2014, Đạm Hà Bắc nâng công suất từ 180.000 tấn lên 500.000 tấn/năm, cả nước sẽ có 2,660 triệu tấn/năm. Như vậy đến nay, sản xuất ure trong nước không những phục vụ đủ cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp mà còn có lượng để xuất khẩu.

Hiện sản xuất phân DAP trong nước tại Nhà máy DAP Đình Vũ là 330.000 tấn/năm, đến hết 2015 có thêm Nhà máy DAP Lào Cai công suất 330.000 tấn/năm và theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2015 sẽ có thêm một nhà máy DAP nữa hoặc nâng công suất hiện có của DAP Đình Vũ lên thêm 330.000 tấn/năm. Như vậy, sau năm 2015, sản xuất trong nước có thể đạt tới gần 1 triệu tấn DAP/năm, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Từ nay đến hết năm 2014, chúng ta vẫn phải nhập khẩu DAP thêm từ 500.000 - 600.000 tấn/năm.

Hiện tại, Supe Lân sản xuất trong nước có công suất 1,2 triệu tấn/năm, bao gồm Nhà máy Lâm Thao công suất 800.000 tấn/năm, Lào Cai 200.000 tấn/năm và Long Thành 200.000 tấn/năm. Sản xuất Lân nung chảy hiện tại vào khoảng 600.000 tấn/năm, bao gồm Nhà máy Văn Điển và Nhà máy Ninh Bình. Dự kiến sắp tới sẽ có thêm khoảng 500.000 tấn/năm của 3 nhà máy mới.

Như vậy, sản xuất phân Lân trong nước cũng đáp ứng được về cơ bản cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nước.

Cả nước hiện có tới cả trăm đơn vị sản xuất phân bón tổng hợp NPK các loại. Về thiết bị và công nghệ sản xuất cũng có nhiều dạng khác nhau, từ công nghệ cuốc xẻng đào trộn theo phương thức thủ công bình thường đến các nhà máy có thiết bị và công nghệ tiên tiến. Về quy mô sản xuất tại các đơn vị cũng khác nhau, từ vài trăm tấn/năm tới vài trăm ngàn tấn/năm và tổng công suất vào khoảng trên 3,7 triệu tấn/năm. Nói chung là sản xuất NPK ở Việt Nam vô cùng phong phú cả về thiết bị, công nghệ đến công suất nhà máy. Chính điều này đã dẫn tới sản phẩm NPK ở Việt Nam rất nhiều loại khác nhau cả về chất lượng, số lượng đến hình thức bao gói.

Phân Kali hiện trong nước chưa sản xuất được do nước ta không có mỏ quặng Kali, vì vậy 100% nhu cầu của nước ta phải nhập khẩu.

Việt Nam hiện chưa có nhà máy nào sản xuất phân SA và nước ta vẫn phải nhập khẩu 100% từ nước ngoài.

Hiện tại, sản xuất phân hữu cơ và vi sinh trong nước vào khoảng 400.000 tấn/năm, tương lai nhóm phân bón này vẫn có khả năng phát triển do tác dụng của chúng với cây trồng, làm tơi xốp đất, trong khi đó nguyên liệu được tận dụng từ các loại rác và phế thải cùng than mùn sẵn có ở nước ta.

Hiện giá phân bón trong nước đang có xu hướng giảm. Nguyên nhân là do giá phân bón thế giới giảm, lượng phân bón nhập khẩu tăng do Trung Quốc giảm thuế xuất khẩu. Trong khi nhu cầu tiêu thụ phân bón đạt mức thấp do ảnh hưởng của mưa bão tại nhiều địa phương và do chưa vào vụ Đông - Xuân.

Giá phân urê nhập khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc phổ biến ở mức giá 7.250-7.300 đ/kg; phân urê Phú Mỹ giá 8.900-9.000 đ/kg; Phân DAP Trung Quốc (16-44) dao động quanh mức 11.000 - 11.200 đ/kg; DAP Hàn Quốc (18-46) có giá 11.800 đ/kg. Phân bón nhập khẩu tại cửa khẩu Lào Cai có giá 1.900 CNY/tấn đối với urê và 2.900 CNY/tấn đối với DAP 18-46. Với phân ure, các doanh nghiệp sản xuất trong nước đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Lượng tồn kho ure của Nhà máy Đạm Ninh Bình lớn, tính đến 17/10 tồn khoảng 88.700 tấn; Đạm Cà Mau tính đến 21/10 tồn kho khoảng 81.000 tấn. Nguyên nhân chủ yếu là do mở cửa biên giới, Trung Quốc giảm thuế xuất khẩu ure xuống còn 2% từ 01/7-31/10/2013, nên lượng phân bón nhập khẩu vào Việt Nam lớn, giá thành thấp.

Lượng phân bón DAP Đình Vũ tồn kho tính đến ngày 17/10 là 69.111 tấn, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2012, nhưng đã giảm so với mức hơn 71.000 tấn của tháng 9/2013. Tuy lượng tồn kho có giảm so với tháng trước nhưng vẫn ở mức cao, chủ yếu là phân DAP Trung Quốc được đưa vào Việt Nam với khối lượng nhiều và giá thấp.

Nhu cầu được đáp ứng cơ bản vào năm 2015

Nhu cầu phân bón cho nông nghiệp của Việt Nam là rất lớn và ổn định, tạo điều kiện cho ngành phân bón phát triển. Tuy nhiên, hiện nay ngành đang đứng trước tình trạng cung vượt cầu (phân ure) và giá thế giới đang trong xu hướng giảm giá, vì vậy sẽ kéo theo giá phân bón trong nước giảm ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp phân bón trong thời gian tới.

Hiện tại, nước ta đã đáp ứng được 80% nhu cầu phân bón phục vụ cho nông nghiệp trong nước. Theo kế hoạch mở rộng công suất và xây dựng nhà máy mới, dự kiến đến năm 2015, sản lượng phân bón trong nước sản xuất cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất nông nghiệp với 100% lượng urê, lân và NPK; 70-80% lượng phân DAP và 30% lượng SA. Việc chủ động được nguồn cung phân bón có ý nghĩa quan trọng trong việc bình ổn giá thị trường trong nước cũng như tránh được những rủi ro từ chính sách xuất khẩu ở các nước, đặc biệt là Trung Quốc - thị trường cung ứng khoảng 80% lượng nhập khẩu phân bón của Việt Nam thời gian qua./.