Ngày 27/3, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký Văn bản số 1047/UBND-KGVX yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19.

Văn bản nêu rõ, để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy Hà Nội về công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhằm kiềm chế, kiểm soát có hiệu quả sự lây lan, chủ động ngăn chặn, ứng phó với dịch bệnh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp, ngành, địa phương và toàn thể nhân dân tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chấp nhận thiệt hại về kinh tế để phòng, chống dịch; bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân là mục tiêu tối thượng...

Siêu thị vẫn sẽ mở cửa bán hàng phục vụ nhân dân trong "cuộc chiến" với Covid-19

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu áp dụng các biện pháp hạn chế tụ tập đông người kể từ 0h ngày 28/3 đến hết ngày 15/4 theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, thành phố Hà Nội yêu cầu đóng cửa, tạm dừng kinh doanh toàn bộ các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố, trừ các cơ sở kinh doanh dịch vụ sau:

- Siêu thị tổng hợp (trừ dịch vụ vui chơi, ăn uống tại chỗ);

- Trung tâm thương mại (gồm siêu thị tổng hợp như trên, văn phòng cho thuê, bệnh viện);

- Chợ dân sinh (gồm các gian hàng lương thực, thực phẩm, rau hoa quả, đồ khô);

- Các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini (trừ dịch vụ ăn uống tại chỗ);

- Các cửa hàng tạp hóa kinh doanh hoa, quả, trái cây;

- Chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm, thuốc chữa bệnh;

- Dịch vụ khám chữa bệnh;

- Dịch vụ ngân hàng; cửa hàng kinh doanh xăng, dầu, gas, khí đốt.

Thành phố Hà Nội khuyến khích mọi người dân sử dụng thương mại điện tử, giao hàng tại nhà. Khi giao dịch mua bán, cần đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2m, vệ sinh khử khuẩn theo hướng dẫn của ngành y tế.

Thực tế, sau cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội diễn ra ngày 25/3, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu đóng cửa tất cả những cửa hàng, dịch vụ không cần thiết; chỉ mở những cửa hàng bán nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm để phục vụ người dân.

Ngày 26/3, các địa phương đã đồng loạt triển khai. Tuy nhiên, do cách hiểu của các quận, huyện, thị xã chưa thống nhất dẫn đến một số địa phương đóng cửa cả những cơ sở kinh doanh thương mại, kinh doanh mặt hàng lương thực, thực phẩm. Nhiều người dân hoang mang lo sợ hệ thống phân phối bị đóng cửa nên trong sáng 27/3, lượng người dân đi mua sắm đã tăng gấp đôi ở chợ và các hệ thống phân phối. Sở Công Thương Hà Nội đã liên hệ với các quận, huyện tuyên truyền ngay để người dân không hoang mang, các hệ thống phân phối hàng hóa đều hoạt động bình thường…

Cũng lo lắng bị đóng cửa, một số siêu thị điện máy đã đối phó bằng cách đưa thêm cả hàng hóa thiết yếu vào để bán, tạo ra môi trường phức tạp cho công tác phòng dịch. Sở Công Thương đã phải tiến hành kiểm tra, xử lý.

Sở Công Thương đã có cuộc họp để thống nhất những mặt hàng kinh doanh được phép mở cửa. Thành phố có 141 siêu thị, 455 chợ, 674 cửa hàng xăng dầu… đây là đối tượng được xem xét để mở cửa bán hàng, kinh doanh phục vụ nhu cầu của người dân.

Ngoài các siêu thị chuyên biệt về hàng hóa thiết yếu, cửa hàng xăng dầu, hiệu thuốc, Sở Công Thương kiến nghị Thành phố có văn bản chỉ đạo các trung tâm thương mại có hệ thống siêu thị vẫn duy trì hoạt động của siêu thị bình thường bán các mặt hàng thiết yếu, nhưng không được tổ chức kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí; Đối với các chợ truyền thống cung cấp rau củ quả, thực phẩm, các cửa hàng tiện lợi, hàng tạp hóa, trái cây, hoa quả, vẫn mở cửa phục vụ nhân dân… Thành phố có kế hoạch tuyên truyền để thống nhất cách thực hiện, không để người dân hiểu nhầm, hoang mang…/.