Thủ tướng đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị xúc tiến đầu tư TP. Hà Nội với chủ đề: “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”, sáng nay, ngày 27/6.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự Hội nghị xúc tiến đầu tư TP. Hà Nội

Hà Nội - địa phương tiên phong trong hồi phục và phát triển kinh tế “hậu” dịch

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia; trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ và kinh tế; trung tâm giao dịch quốc tế của cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 1% diện tích, 8,5% dân số nhưng Hà Nội là một động lực phát triển hàng đầu của vùng đồng bằng Sông Hồng và cả nước, hiện đóng góp hơn 16,7% GDP và gần 19% thu ngân sách của quốc gia.

Ông Vương Đình Huệ cũng cho biết, trong giai đoạn 2016-2019, kinh tế Thủ đô có mức tăng trưởng cao, bình quân 7,3-7,5%/năm; quy mô GRDP hiện nay đạt 1,06 triệu tỷ đồng (khoảng 45 tỷ USD); GRDP bình quân đầu người đạt 5.420 USD, bằng 1,8 lần so với bình quân cả nước.

Từ đầu năm 2020 đến nay, do tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế Thủ đô giảm sâu trong tháng 4, nhưng đã hồi phục từ giữa tháng 5 và tăng trưởng mạnh lên trong tháng 6. Tính chung 6 tháng đầu năm, GRDP của Thành phố tăng 3,39%.

“Đây là mức tăng trưởng khá cao so với bình quân cả nước và trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng âm 4,9% cả năm 2020 theo dự báo mới nhất của IMF”, ông Huệ vui mừng báo cáo.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khai mạc Hội nghị

Việc Hội nghị được tổ chức sau khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát và cơ bản được đẩy lùi, theo Bí thư Thành ủy là thông điệp mạnh mẽ của thành phố Hà Nội trong kiên trì triển khai chỉ đạo của Trung ương về thực hiện nhiệm vụ “kép” là vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội; khẳng định Hà Nội là điểm đến an toàn, hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Thông qua Hội nghị, thành phố Hà Nội tiếp tục thể hiện quyết tâm là địa phương tiên phong, đi đầu trong hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch bệnh. Đây cũng giải pháp căn cơ nhằm tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020, đó là tăng trưởng GRDP cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước và phấn đấu hoàn thành 285.000 tỷ đồng dự toán thu ngân sách năm 2020.

Quan trọng hơn, Hội nghị còn là cơ hội thể hiện sự gắn kết giữa chính quyền thành phố Hà Nội, lãnh đạo các tỉnh, thành phố tham dự với các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như với các đơn vị, tổ chức làm chức năng cầu nối, đưa nhà đầu tư, doanh nghiệp đến với Thành phố nói riêng và Việt Nam nói chung. Trên cơ sở đó, Hội nghị không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội và cả nước trong năm 2020 mà còn cho những năm tiếp theo.

Nhân dịp này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã giới thiệu danh mục 282 dự án Thành phố mong muốn thu hút đầu tư với tổng số vốn dự kiến 483,1 nghìn tỷ đồng.

Hà Nội phải vươn tầm cạnh tranh với các thành phố khác trong khu vực

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Hà Nội phát triển sẽ là đầu tàu thúc đẩy cả nước cùng phát triển.

Thủ tướng cho biết dịch Covid-19 gây ra đứt gãy của kinh tế toàn cầu. Kinh tế thế giới đi xuống, các nước ASEAN tăng trưởng âm. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm từ 6,8% xuống còn trên 2%.


Thủ tướng đánh giá, việc thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển lúc này là vấn đề cấp bách

“Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của Việt Nam trong 10 năm qua nhưng là mức tăng cao nhất ở khu vực châu Á. Ở châu Á, chỉ có một số nước có tăng trưởng dương, như Trung Quốc tăng 1%”, Thủ tướng nói.

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng cũng đánh giá, việc thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển lúc này là vấn đề cấp bách.

Yếu tố thứ ba là an sinh xã hội, giải quyết vấn đề việc làm.

“Hà Nội đã giải quyết kịp thời những vấn đề trên với sự giám sát của nhân dân và không để ai bị bỏ lại phía sau”, Thủ tướng đánh giá.

Theo Thủ tướng, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, nhìn rộng hơn là cả vùng Thủ đô, đã có những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước không chỉ bởi môi trường chính trị, xã hội ổn định, mà còn là môi trường an toàn trong phòng, chống dịch bệnh; chính quyền Thành phố sáng tạo, tiên phong, dám nghĩ dám làm.

“Quan điểm trước đây “Hà Nội không vội được đâu” giờ đã lạc hậu, đã cũ, bởi Hà Nội ngày nay tích cực đối thoại, tích cực tháo gỡ, tích cực tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển. Hà Nội đã tôn vinh doanh nghiệp; hợp tác tháo gỡ bất cập, xây dựng hệ thống chính trị liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Nhờ sự năng động của các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị, Hà Nội đã thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài, nhiều tập đoàn đa quốc gia và nhiều dự án quy mô lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Với vị thế mới của mình, Thủ tướng cho rằng Hà Nội ngày nay không nên chỉ khiêm tốn với định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam, mà trong dòng chảy lịch sử hơn 1.000 năm của mình, ở thời đại Hồ Chí Minh, Hà Nội cần được định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Nam Á.

Đến năm 2045, khi Việt Nam ở vị thế nước phát triển, Hà Nội phải đạt tầm nhìn là một trong những trung tâm của Đông Á như khát vọng hùng cường của dân tộc.

“Vì vậy, Hà Nội không đặt mục tiêu ganh đua với các địa phương khác trong nước, phải vươn tầm cạnh tranh với các thành phố khác trong khu vực như Bangkok, Kuala Lumpur, Thượng Hải,…”, Thủ tướng nói.

Với thu nhập bình quân tại Hà Nội là 5.500 USD/năm, mức tăng trưởng 9%/năm, Thủ tướng đề nghị đến 2030, Hà Nội chạm ngưỡng khu vực kinh tế có thu nhập cao.

Tuy nhiên, để giúp Hà Nội thực hiện hóa được tầm nhìn phát triển nhanh, bền vững, Thủ tướng cho rằng, cần phải có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Về thiên thời, phải có cơ chế chính sách tài chính, hành lang pháp lý tốt; tìm cơ hội mới ở những thị trường mới, nắm bắt xu hướng chuyển dịch toàn cầu.

“Chưa bao giờ có nhiều thể chế tốt cho Hà Nội như hiện nay, nên phải nắm bắt”, Thủ tướng khẳng định.

Bàn về yếu tố địa lợi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Hà Nội cần tận dụng lợi thế địa lý, liên kết với các vùng để phát triển. Mỗi địa phương ở Thủ đô cũng cần chia sẻ cơ hội, nguồn lực để cùng phát triển, kết nối.

Nhấn mạnh “nhân hòa” chính là yếu tố then chốt nhất của Hà Nội, Thủ tướng nói Hà Nội phải có cổ động chiến lược đồng hành. Đây đang là cơ hội để Hà Nội tìm được doanh nghiệp tốt, người giàu, người giỏi và doanh nghiệp có cơ hội đặt niềm tin vào Hà Nội.

Khi đã có được nhân hòa, Hà Nội cần kiến tạo một nền kinh tế cạnh tranh với môi trường xanh sạch đẹp, đáng sống. Bên cạnh đó, nuôi dưỡng tính thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo mà kinh tế số cần được xem là mục tiêu quan trọng.

Thủ tướng cũng chỉ ra chất lượng tăng trưởng tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng chưa cao, dưới mức tiềm năng và chưa bền vững; môi trường đầu tư được cải thiện nhưng chưa đủ hấp dẫn những doanh nghiệp mang tầm quốc tế là mặt hạn chế. Ngoài ra, tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước còn chưa hiệu quả, bộc lộ một số hạn chế trong liên kết ngành, chưa đồng bộ; áp lực tình trạng di dân nhanh là quá lớn.

Thủ tướng mong muốn các cơ quan bộ ngành tiếp thu, đề xuất kiến nghị mang tính tầm nhìn. Hà Nội phải thực hiện nhất quán các phương châm phát triển, không chỉ nói suông.

Đồng thời, các bộ ngành, trung ương phải tạo điều kiện cho Hà Nội. Chính phủ cam kết bên cạnh Hà Nội để tháo gỡ khó khăn nhanh hơn.

Tại Hội nghị, Thành phố đã tiến hành trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD) với số vốn tăng thêm 270.458 tỷ đồng. Trong đó: 100 dự án trong nước với số vốn 227.499 tỷ đồng (vốn tăng thêm 192.215 tỷ đồng); 22 dự án đầu tư vốn FDI với số vốn 5,7 tỷ USD, vốn tăng thêm 3,4 tỷ USD và 107 dự án đầu tư công. Tổng số dự án, số vốn tăng tương ứng gấp 5 lần và 11 lần so với Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016. Các dự án đầu tư này tập trung vào các lĩnh vực: 25 cụm công nghiệp với 490,8ha; 800 nghìn m2 nhà ở xã hội; 03 khu đô thị; Du lịch - dịch vụ; Trụ sở văn phòng; Văn hóa - xã hội; Tài chính - Ngân hàng; hạ tầng đô thị; hạ tầng giao thông…

Cũng tại Hội nghị này, Thành phố cùng các nhà đầu tư ký kết 38 Biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỷ USD, trong đó: 26 đề xuất của nhà đầu tư trong nước (dự kiến khoảng 20,5 tỷ USD); 12 đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài (dự kiến khoảng 8,32 tỷ USD)./.