Vùng Đồng bằng sông Hồng với Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội của cả nước; có diện tích 21.259,6 km2, dân số 22,289 triệu người; quy mô kinh tế và thu ngân sách đứng đứng thứ 2 cả nước, chiếm tương ứng 32% GDP và gần 35%, xuất khẩu hàng năm chiếm trên 32%.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, nên dự kiến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của vùng đều không đạt mục tiêu đề ra

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong 7 tháng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, các địa phương phải thực hiện mục tiêu kép “vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân”.

Kết quả là trong những tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế 06 tháng đạt 3,74%, cao hơn mức bình quân của cả nước (1,81%); trong đó Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (KTTĐBB) đạt 3,07%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của một số địa phương trong vùng tăng cao, như: Hải Phòng 12,8%, Quảng Ninh 7,8%, Hưng Yên 6,9%, một số địa phương như Vĩnh Phúc giảm 8,3%, Bắc Ninh giảm 4,5% so với cùng kỳ. Ngành chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn ngành.

Tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 284,185 nghìn tỷ đồng, chiếm 36,5% tổng số thu cả nước, đạt 52,3% dự toán. Vùng KTTĐBB 7 tháng đạt 252,948 nghìn tỷ đồng, chiếm 32,4% tổng số thu ngân sách cả nước, đạt 52,8% dự toán.

Xuất khẩu đạt 49,326,4 tỷ USD, chiếm 33,42% cả nước, đạt 50,15% kế hoạch, tăng 4,9% so với cùng kỳ. Trong đó, vùng KTTĐBB đạt 44,74 tỷ USD, chiếm 30,31% cả nước, đạt gần 50% kế hoạch năm.

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, nhiều địa phương nằm trong nhóm đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đặc biệt tỉnh Quảng Ninh 03 năm liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng vị trí 1/63 địa phương.

Tổng vốn đầu tư FDI đăng ký trong 7 tháng đạt 5,824 tỷ USD, chiếm 30,95% cả nước với 1.733 dự án, chiếm 25,87% cả nước. Trong đó, Hà Nội đứng thứ 2 cả nước về tổng vốn đăng ký (sau Bạc Liêu) đạt 2,82 tỷ USD và đứng thứ 2 cả nước về số dự án (sau TP. Hồ Chí Minh) với 336 dự án.

Số doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng của vùng là 22.578 doanh nghiệp, đứng thứ 2 sau vùng Đông Nam Bộ, chiếm 30% số doanh nghiệp cả nước và số vốn đăng ký 272.360 tỷ đồng, chiếm 29,1% cả nước. Số doanh nghiệp đăng ký tạm dừng kinh doanh có thời hạn, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và số doanh nghiệp chờ hoàn tất thủ tục giải thể là 17.684 doanh nghiệp.

Công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ, các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng đã khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, kịp thời hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù các cấp ngành quan tâm, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nhưng do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, nên dự kiến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của vùng đều không đạt mục tiêu đề ra, chỉ có chỉ tiêu về môi trường vượt kế hoạch.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như ô tô, xe máy, điện thoại, linh kiện điện tử,... giảm sản lượng, giảm nguồn thu ngân sách./.

Nhiều quốc gia, địa phương đã thực hiện biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại, tăng cường kiểm dịch, nên làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu từ ngành du lịch – dịch vụ của vùng.

Một số địa phương phụ thuộc lớn vào khối FDI nên ngay từ đầu năm 2020 đã chịu tác động nghiêm trọng và tăng trưởng âm, như: Vĩnh Phúc (-2,7), Bắc Ninh (-3,3).

Tình trạng thất nghiệp của vùng có xu hướng gia tăng do các công ty, nhà máy cắt giảm sản lượng, cắt giảm nhân công./.