Lắp ráp máy chế biến cà phê tại Công ty Cổ phần Cơ khí Vina Nha Trang/Ảnh: Đình Lâm

Chính phủ vừa thông qua Nghị quyết số 124/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chương trình đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%, trong đó công nghệ chế tạo đạt trên 20%. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 10%/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm. Chỉ số hiệu suất cạnh tranh công nghiệp (CIP) nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đạt trên 70%. Xây dựng một số doanh nghiệp công nghiệp có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Để đạt được các mục tiêu trên, Chương trình đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, về chính sách phân bố không gian và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện phê duyệt các quy hoạch trong các ngành công nghiệp theo Luật quy hoạch, đảm bảo phân bố không gian lãnh thổ và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo định hướng ngành và điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương; xây dựng chính sách phân bổ không gian đảm bảo tập trung, trọng tâm, trọng điểm.

Bộ Công Thương triển khai cơ chế, chính sách xây dựng thí điểm về cụm liên kết ngành công nghiệp tại một số địa phương đối với một số sản phẩm trong các ngành công nghiệp ưu tiên theo lợi thế cạnh tranh, chuyên môn hóa và chuỗi giá trị.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương bảo đảm phân bổ các cơ sở chế biến nông lâm sản hợp lý theo hương gắn với việc phát triển vùng nguyên liệu tập trung và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng, phát triển các cụm liên kết sản xuất – chế biến tiêu thụ nông sản tại các địa phương, vùng miền có sản lượng nông sản lớn, thuận lợi giao thông, lao động, logistics,có tiềm năng trở thành động lực tăng trưởng cho cả khu vực…

Bộ Xây dựng hoàn thiện hệ thống, cơ chế chính sách và các công cụ để quản lý kiểm soát hiệu quả quá trình phát triển đô thị. Xây dựng và triển khai cơ chế chính sách đối với ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, đặc biệt là công nghiệp xi măng.

Về chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, Chính phủ giao Bộ Công Thương tập trung hoàn thiện các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các tỉnh, thành phố có tiềm năng, lợi thế về công nghiệp để ban hành định hướng phát triển công nghiệp và xây dựng tổ chức bộ máy, bố trí các nguồn lực cho phát triển công nghiệp tại địa phương. Hỗ trợ phát triển các nhà cung ứng trong các ngành công nghiệp ưu tiên, coi đây là cốt lõi của chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung cơ cấu lại lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản theo hướng chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng tỷ lệ chế biến sâu, chế biến tinh có giá trị gia tăng cao gắn với 3 cấp sản phẩm gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương.

Bộ Xây dựng xây dựng cơ chế, chính sách phát triển sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu; sản phẩm cách âm, cách nhiệt, thân thiện với môi trường, vật liệu không nung; sản phẩm tái chế.

Bộ Giao thông vận tải ưu tiên sử dụng các sản phẩm trong nước và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia vào các dự án giao thông đường bộ và đường sắt, đặt biệt là các dự án quy mô lớn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành chính sách ưu đãi theo nguyên tắc mức độ và thời gian ưu đãi của các dự án FDI sẽ phụ thuộc vào mức độ tạo ra giá trị gia tăng trong nước và các chế tài kèm theo. Xây dựng các cơ chế, chính sách nâng cao giá trị gia tăng của doanh nghiệp nội địa trong chuỗi giá trị toàn cầu; chính sách về tín dụng hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao...

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành các giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô, tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng và quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng. Chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ trong đó có ngành công nghiệp ưu tiên. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.

Về chính sách tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác đầu tư. Đổi mới chính sách và đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Chuyển mạnh chính sách thu hút FDI trong lĩnh vực công nghiệp từ số lượng sang chất lượng và có trọng tâm, trọng điểm.

Bộ Công Thương tích cực tháo gỡ các rào cản thị trường, chống các hành vi độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh. Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm công nghiệp, tập trung vào các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển như dệt may, da-giày, công nghiệp thực phẩm, điện-điện tử, cơ khí và các sản phẩm công nghệ cao.

Ngoài ra, Chương trình cũng đề ra nhiệm vụ, giải pháp liên quan tới chính sách phát triển doanh nghiệp công nghiệp; chính sách phát triển nguồn nhân lực công nghiệp; chính sách khoa học và công nghệ cho phát triển công nghiệp; chính sách khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên, khoáng sản, chú trọng bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển công nghiệp; trách nhiệm của địa phương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công nghiệp./.