Thực trạng môi trường đầu tư

Tiền Giang nằm ở vị trí cửa ngõ của Đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống giao thông thuận lợi. Có thể thấy rõ khi hệ thống giao thông kết nối giữa Tiền Giang với các tỉnh thông qua các tuyến quốc lộ đã khá tốt. Sau khi cầu Mỹ Thuận, cầu Rạch Miễu và đoạn đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương được đầu tư, lợi thế vị trí kinh tế của Tiền Giang càng được phát huy. Trong tương lai, nếu đường cao tốc đoạn Mỹ Tho - Mỹ Thuận tiếp tục được đầu tư, Tiền Giang chỉ còn cách TP. Hồ Chí Minh (đầu tàu kinh tế cả nước) không quá 1 giờ đi ôtô. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông nội tỉnh cũng đã cơ bản hoàn chỉnh, đáp ứng khá tốt nhu cầu lưu thông hàng hóa. Điều đó đã tạo được sự quan tâm của nhà đầu tư khi tìm hiểu tại địa phương.

Tỉnh cũng luôn được lãnh đạo quan tâm trong việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi. Ngay từ đầu năm 2014, UBND Tỉnh đã chỉ đạo tổ chức rà soát các quy định của pháp luật và xây dựng, ban hành 2 quy chế phối hợp trong giải quyết các thủ tục đầu tư đối với các dự án trên địa bàn Tỉnh, gồm: Quy chế phối hợp trong giải quyết các thủ tục đầu tư đối với các dự án trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 06/2014/QĐ-UBND, ngày 11/4/2014 và Quy chế phối hợp trong giải quyết các thủ tục đầu tư đối với dự án ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 07/2014/QĐ-UBND, ngày 11/4/2014. Hai quy chế này đã phân công rõ ràng, cụ thể chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành trong Tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã trong thực hiện công tác xúc tiến đầu tư và giải quyết các thủ tục đầu tư. Việc xem xét, đề xuất giải quyết các hồ sơ đầu tư được thực hiện thông qua 2 tổ liên ngành do Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban quản lý Các khu công nghiệp làm cơ quan thường trực để xem xét và giải quyết toàn diện các vấn đề có liên quan đến dự án trong thời gian ngắn nhất.

Tiến trình cải cách thủ tục hành chính sẽ không dừng lại ở đó, theo ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh cho biết, Tiền Giang đang tiếp tục rà soát thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm phiền hà, tạo thuận lợi cao nhất cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực cụ thể, như: đăng ký thành lập doanh nghiệp, tiếp cận đất đai, đào tạo lao động, chính sách thuế…; đồng thời đang bổ sung, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp để tạo môi trường đầu tư tốt hơn.

Về chính sách thu hút đầu tư, ngoài các chính sách chung, Tiền Giang đã ban hành một số quy định, quy chế riêng về chính sách hỗ trợ, ưu đãi có lợi nhất cho các nhà đầu tư. Đó là Quyết định số 34/2009/QĐ-UBND, ngày 29/12/2009 của UBND Tỉnh quy định về khuyến khích, hỗ trợ và ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, như: Hỗ trợ đào tạo nghề, xúc tiến thương mại; hỗ trợ đầu tư và sau đầu tư; hỗ trợ ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động khoa học - công nghệ; hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh; hỗ trợ quảng cáo sản phẩm trên website của Tỉnh; các ưu đãi về giá thuê đất, miễn, giảm tiền sử dụng đất… Đặc biệt, đối với các dự án thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư, danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư nếu thực hiện ở các huyện Tân Phước, Gò Công Đông, Gò Công Tây và Tân Phú Đông sẽ được hưởng chính sách ưu đãi ở mức cao hơn theo quy định.

Nhờ môi trường đầu tư luôn được quan tâm, cải thiện để mời gọi các doanh nghiệp, Tiền Giang đã bước đầu thu được kêt quả tích cực. Tính đến tháng 8/2014, Tỉnh đã tiếp nhận mới và cấp chứng nhận đầu tư cho 9 dự án đầu tư (5 dự án có vốn đầu tư trong nước và 4 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.210 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2013 tăng thêm 4 dự án, số vốn tăng thêm 1.828 tỷ đồng. Ngoài ra, Tỉnh đã cấp điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 5 dự án là 827 tỷ đồng.

Như vậy, tính lũy kế đến nay, trên địa bàn Tỉnh có 209 dự án đầu tư cả trong và ngoài nước còn hiệu lực với tổng mức đầu tư đăng ký 44.330,89 tỷ đồng (72 dự án nằm trong các khu công nghiệp với vốn đăng ký 29.821,54 tỷ đồng và 137 dự án nằm ngoài các khu công nghiệp với vốn đăng ký 14.509,35 tỷ đồng).

Mặc dù, chính quyền Tỉnh luôn nỗ lực tạo ra một môi trường hấp dẫn để thu hút nhà đẩu tư, song địa phương vẫn còn một số hạn chế sau:

- Việc xin chủ trương thực hiện đầu tư gặp nhiều khó khăn. Tỉnh có quy định xin chủ trương đầu tư, nhưng không quy định thời gian cụ thể để giải quyết hồ sơ xin chủ trương đầu tư là bao nhiêu ngày, nên dẫn đến thời gian kéo dài. Vấn đề này đã làm nản lòng các nhà đầu tư đến Tiền Giang.

- Một số vị trí dự án (kể cả các dự án thuộc danh mục mời gọi đầu tư) được xác định trong quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành nhưng khi đối chiếu với quy hoạch sử dụng đất thì không phù hợp. Vấn đề này không chỉ gây khó khăn cho nhà đầu tư mà các cơ quan quản lý nhà nước cũng lúng túng trong xét duyệt dự án.

- Chất lượng của danh mục dự án mời gọi đầu tư còn thấp, chưa chuẩn bị tốt, thông tin chưa cụ thể, có trường hợp dự án không phù hợp với quy hoạch đã gây khó khăn cho việc xem xét, xét duyệt đầu tư hay có trường hợp không thể giới thiệu địa điểm dự án cho nhà đầu tư do thiếu thông tin về vị trí khu đất.

- Nhiều nhà đầu tư đánh giá chi phí đền bù đất tại Tỉnh là khá cao. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để bàn giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án còn chậm.

TP. Mỹ Tho - Tiền Giang

Nỗ lực khắc phục hạn chế, vượt qua khó khăn

Để thu hút được nhiều hơn nhà đầu tư, Tiền Giang cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Tỉnh cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 cho phù hợp với tình hình mới. Tập trung nghiên cứu lập các quy hoạch xây dựng, cụ thể hóa các quy hoạch tổng thể thành quy hoạch chi tiết để sẵn sàng đón nhận các dự án đầu tư. Trên cơ sở rà soát các quy hoạch, Tỉnh cần tổ chức lập và công bố danh mục dự án mời gọi đầu tư một cách chất lượng hơn.

Thứ hai, tăng cường xúc tiến đầu tư bài bản hơn. Tỉnh cần tổ chức xây dựng bộ tài liệu để phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư, trong đó tập trung giới thiệu các tiềm năng và lợi thế của địa phương; định hướng quy hoạch và các mục tiêu thu hút đầu tư; công bố các quy trình, thủ tục đầu tư. Bên cạnh đó, cần tập trung rà soát và xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư cho phù hợp với thực tế của Tỉnh.

Thứ ba, tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Đồng thời, phát triển đồng bộ và hiện đại hệ thống bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, hệ thống cung cấp điện, hệ thống cung cấp nước sạch... để sẵn sàng đón nhà đầu tư.

Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý; Công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch, chính sách và quy trình thủ tục đầu tư để tạo sự đồng thuận, tham gia tích cực của nhân dân và các nhà đầu tư; Nghiên cứu, tháo gỡ các vướng mắc trong lĩnh vực đất đai như: điều chỉnh giá đất cho hợp lý, nâng cao chất lượng hoạt động của các ban bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cấp huyện… để công tác giải phóng đất sạch cho nhà đầu tư không còn là rào cản.

Thứ năm, nâng cao trình độ nguồn nhân lực, có thể thực hiện bằng hình thức xã hội hóa công tác đào tạo, khuyến khích mọi thành phần kinh tế, kể cả hợp tác quốc tế tham gia đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động có trình độ kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư./.

Tài liệu tham khảo:

1. UBND tỉnh Tiền Giang (2014). Báo cáo Tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu nămvà nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2014

2. Duy Sơn (2014). Tiền Giang: Nỗ lực thu hút đầu tư và những kết quả, truy cập từ http://baoapbac.vn/kinh-te/201409/tien-giang-no-luc-thu-hut-dau-tu-va-nhung-ket-qua-532963/

3. Phương Nghi (2014). Thực trạng và giải pháp thu hút đầu tư ở Tiền Giang, truy cập từ http://nguoilambaotiengiang.vn/news/Bao-chi-Doi-song/Thuc-trang-va-giai-phap-thu-hut-dau-tu-o-Tien-Giang-2705/

Anh Đức
(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 20/2014)