Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2020 ước tính tăng 2,69% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6%, đóng góp 1,02 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,7%, đóng góp 0,18 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 5,35% (do sản lượng khai thác dầu thô giảm mạnh 14,1% và khí đốt tự nhiên giảm 9,1%) làm giảm 0,32 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6% trong 9 tháng

Xét theo công dụng sản phẩm công nghiệp, chỉ số sản xuất sản phẩm trung gian (phục vụ cho quá trình sản xuất tiếp theo) 9 tháng tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước; sản phẩm phục vụ cho sử dụng cuối cùng tăng 3% (trong đó sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng của dân cư tăng 3,7%).

Theo Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới đã làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất công nghiệp trong 9 tháng qua. Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 9 tháng giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước, đó là: hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng giảm 32,7%; sản xuất xe có động cơ giảm 12,2%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,4%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 8,9%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 7,4%; sản xuất đồ uống giảm 6,6%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 5,8%; sản xuất trang phục giảm 4,4%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 3,8%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 2%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 1,9%; sản xuất kim loại giảm 1,1%...

Mặc dù vậy, một số ngành có chỉ số sản xuất 9 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước và đóng góp lớn vào mức tăng chung của toàn ngành có thể kể đến như: sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 34,4%; khai thác quặng kim loại tăng 14,8%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 8,6%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 8,2%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 8,1%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 7,9%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 6,7%; khai thác than cứng và than non tăng 4,9%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 4,7%.

Tính chung 9 tháng, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,5%), trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao, gồm: sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 71,5%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 13,2%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 6,5%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 6,3%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 5,8%.

Ngoài ra, tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm nay khá cao với 75,6% (cùng kỳ năm trước là 72,1%), trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao là dệt 119,3%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa 108,6%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 104%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác 97,2%; sản xuất chế biến thực phẩm 96,5%; sản xuất xe có động cơ 91,9%./.