Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả

Ngày 29/10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo “Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030” và Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025”.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống nhấn mạnh, phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã là một chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng.

Kết luận số 70-KL/TW, ngày 9/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đã nêu rõ: “Khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị”. Đồng thời, Kết luận cũng đưa ra một số định hướng, giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong thời gian tới.

Tại Nghị quyết số 134/NQ-CP, ngày 25/9/2020 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận 70-KL/TW, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng “Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030” và Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025”. Đây là 02 văn bản quan trọng đối với lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, thực hiện các giải pháp theo cả hai hướng tiếp cận: chiến lược và cụ thể.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, từ năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã sớm triển khai các đoàn khảo sát thực tế tại các địa phương, xây dựng dự thảo và lấy ý kiến rộng rãi đối với các dự thảo của 02 văn bản nói trên.

Toàn cảnh hội thảo

Đối với Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030, bà Mai Thị Thu Hường, Trưởng phòng Tổng hợp - Cục Phát triển hợp tác xã cho biết, đây là lần đầu tiên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng riêng chiến lược cho kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Theo dự thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất mục tiêu phát triển 10 năm của lĩnh vực là: phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, không ngừng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống thành viên, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 bao gồm: có 45 nghìn hợp tác xã, 340 liên hiệp hợp tác xã, với khoảng 8 triệu thành viên, số hợp tác xã hoạt động hiệu quả đạt 70%; có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao; 50% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; xử lý dứt điểm các hợp tác xã đã ngừng hoạt động và các hợp tác xã chưa chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Dự thảo Chiến lược cũng đã đề xuất các nhóm giải pháp, phân công triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược.

Nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới

Song song với giải pháp mang tính chiến lược, Chính phủ cũng chỉ đạo các giải pháp mang tính cụ thể, đặc biệt là các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, giúp các cấp chính quyền và người dân nhận thức được vai trò, hiệu quả kinh tế của các hợp tác xã kiểu mới. Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025” là một trong những giải pháp cụ thể đó.

Bà Chu Thị Vinh, Trưởng phòng Quản lý hợp tác xã, Cục Phát triển hợp tác xã thông tin: “Đề án xác định mục tiêu lựa chọn khoảng 200-300 hợp tác xã tiêu biểu thuộc 12 nhóm hợp tác xã điển hình đã có nhiều mô hình hiệu quả và nhiều dư địa phát triển để hoàn thiện làm cơ sở nhân rộng ra các hợp tác xã khác trong cả nước”.

Theo dự thảo Đề án, mỗi tỉnh sẽ lựa chọn 2-5 hợp tác xã để tập trung nguồn lực hỗ trợ, hoàn thiện, trở thành những mô hình sản xuất kinh tế tự chủ, hiệu quả; trở thành mô hình trình diễn trực quan, sinh động nhất. Đề án được phân làm 03 giai đoạn: Lựa chọn mô hình (năm 2021); Hoàn thiện mô hình (01/01/2022-30/6/2025); Tổng kết, đề xuất phương án nhân rộng mô hình (01/7/2025-31/12/2025).

Để thực hiện hiệu quả, một số giải pháp cần được quan tâm bao gồm: tập trung tuyên truyền, đưa tin về chủ trương cũng như các hoạt động của Đề án; hoàn thiện cơ chế chính sách, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước ở địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của các hợp tác xã thí điểm; huy động tối đa nguồn lực của trung ương và địa phương tập trung cho xây dựng mô hình hợp tác xã hiệu quả.

Trao đổi tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã góp ý cho các dự thảo về mục tiêu, nội dung, giải pháp và tổ chức thực hiện Chiến lược và Đề án, trong đó nhấn mạnh phải có các cơ chế chính sách hỗ trợ thích hợp, đồng thời cân đối đủ ngân sách để triển khai.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Võ Thành Thống đã chỉ đạo Cục Phát triển hợp tác xã – cơ quan thường trực Ban soạn thảo tiếp thu, giải trình toàn bộ các ý kiến góp ý của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo, báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định. Dự kiến, các dự thảo này sẽ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 12/2020.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, ông Lưu Ngọc Lương, Chánh Văn phòng Cục Phát triển hợp tác xã, Trưởng phòng Văn phòng Ban chỉ đạo đổi mới kinh tế tập thể, hợp tác xã đã trình bày chuyên đề về các chính sách thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức cộng đồng (mà hợp tác xã là nòng cốt) trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đây cũng là một trong các giải pháp theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 70-KL/TW nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và đóng góp của hợp tác xã trong thực hiện các chương trình đầu tư công./.

Tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 24.448 hợp tác xã và 85 liên hiệp hợp tác xã. Trong đó, có 13.089 hợp tác xã hoạt động hiệu quả, chiếm 53% trên tổng số hợp tác xã, cụ thể: vùng Tây Bắc có 1.184 hợp tác xã, Đông Bắc có 2.358 hợp tác xã, Đồng bằng sông Hồng có 3.537 hợp tác xã, Bắc Trung Bộ có 1.803 hợp tác xã, Duyên hải Miền Trung có 853 hợp tác xã, Tây Nguyên có 619 hợp tác xã, Đông Nam Bộ có 976 hợp tác xã, Đồng bằng sông Cửu Long có 1.759 hợp tác xã.