Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, giai đoạn 2016-2020 và triển khai kế hoạch năm 2021, nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông - Vận tải.

Nỗ lực vượt qua khó khăn

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, năm 2020, nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và 5 năm (2016-2020). Kết quả này có sự đóng góp rất quan trọng của ngành Giao thông vận tải nói chung, Bộ Giao thông - Vận tải nói riêng.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

“Bộ Giao thông - Vận tải đã tập trung vào công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, đề án được quan tâm triển khai thực hiện, có nhiều kết quả tích cực, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giao thông - vận tải; tập trung xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành Giao thông vận tải và từng lĩnh vực của ngành; kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án hạ tầng Giao thông vận tải quan trọng. Các dự án giao thông lớn được chỉ đạo, triển khai quyết liệt, bám sát tiến độ”, Phó Thủ tướng nói.

Chất lượng dịch vụ các loại hình vận tải tiếp tục được cải thiện, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đi lại của nhân dân. Cùng với đó, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông được triển khai tích cực, kiểm soát tải trọng, giảm ùn tắc giao thông, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn có nhiều kết quả tích cực, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho nhà nước và người dân.

"Chúng ta đều thấy, lực lượng của ngành giao thông có mặt thường xuyên, liên tục ở những nơi hiểm nguy nhất, cả ngoài biển cả trên đất liền, cả ở đồng bằng và khu vực miền núi, nhanh chóng khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, đảm bảo giao thông thông suốt", Phó Thủ tướng biểu dương.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện tốt việc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án trọng điểm về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý hoạt động vận tải gắn với việc phòng, chống dịch covid-19, khắc phục hậu quả do thiên tai. Công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử tiếp tục được triển khai quyết liệt, mang lại những hiệu quả bước đầu.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, ngành giao thông vận tải vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế và đứng trước nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi phải tập trung để khắc phục trong thời gian tới.

“Các dự án, công trình giao thông khởi công mới (bao gồm các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư) trong giai đoạn 2016-2020 rất ít so với yêu cầu, quy hoạch phát triển. Việc hoàn thành mục tiêu 2.000 km đường bộ cao tốc đang chậm khoảng 2 năm so với mục tiêu đề ra”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phát triển đường sắt còn chưa được quan tâm bố trí vốn, các dự án đường sắt đô thị triển khai chậm. Nhiều dự án hạ tầng giao thông còn chậm tiến độ, nhất là các dự án quan trọng, liên vùng... Vận tải hàng hoá trong nước chủ yếu là đường bộ, chi phí logistics còn ở mức cao. Trong khi đó, chất lượng, hệ thống đường bộ còn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, từ đó ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đầu tư mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đường bộ, chưa quan tâm đúng mức đến đường sắt, đường thủy, thiếu các cảng biển, cảng đường sông hiện đại để phát triển kinh tế và du lịch. Hạ tầng hàng không đã được nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và du lịch, một số sân bay quốc tế lớn, như: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng... đều đã quá tải.

Năng lực hệ thống hạ tầng đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tốc độ gia tăng dân số đô thị, nhất là về giao thông (tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn ngày càng gia tăng). Thiếu kết cấu giao thông đồng bộ kết nối giữa các trung tâm, vùng kinh tế với nhau, với các sân bay, cảng biển; kết nối giữa đô thị và nông thôn, giữa trung tâm và các khu vực mở rộng ven đô còn hạn chế.

Hoàn thành 3.000 km đường cao tốc giai đoạn 2021-2030

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng đưa ra yêu cầu, trong giai đoạn 2021-2030, nước ta phải hoàn thành 3.000 km đường cao tốc; nâng cấp, mở rộng đầu tư hệ thống cảng hàng không, đặc biệt là đầu tư nâng cấp các cảng hàng không lớn, hệ thống cảng biển, đường thuỷ nội địa, hệ thống đường sắt quốc gia; kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển. Cùng với đó, tập trung đầu tư và đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án giao thông đô thị, đường vành đai, đường xuyên tâm, các bãi đỗ xe…

Theo Phó Thủ tướng, thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật liên quan đến ngành Giao thông vận tải, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút hiệu quả nguồn lực cho đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải.

“Bộ Giao thông vận tải chủ động phối hợp với các bộ, các địa phương để xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, trong đó xác định rõ cơ cấu nguồn vốn để huy động vốn ngân sách, FDI, DDI, các nguồn vốn khác phù hợp với từng dự án cụ thể”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải, nâng cao sản lượng, chất lượng dịch vụ vận tải, nâng cao tính kết nối giữa các phương thức vận tải. Thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Xây dựng, triển khai các giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp vận tải, dịch vụ vận tải trên tất cả các lĩnh vực phát triển, đồng thời gắn với các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

“Để làm được tất cả những công việc này, yếu tố quan trọng chính là con người. Bộ Giao thông vận tải cần chú trọng sắp xếp, bố trí lại tổ chức, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức, người lao động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới”, Phó Thủ tướng nói./.