Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu từ điểm cầu TP. Hà Nội

Từ điểm cầu TP. Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, Thành phố đã thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tổ chức nhiều hoạt động kết nối với các địa phương cung cầu hàng hóa. Kết quả, tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 3,98%, quy mô nền kinh tế trên 44 tỷ USD, thu ngân sách ước thực hiện khoảng 280 nghìn tỷ đồng, tăng 3,9% so với thực hiện năm 2019…

"Giải ngân trên địa bàn thành phố đạt mức trên 93% với 45 nghìn tỷ đồng. Năm 2020, đã dành được tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển 49%, chi thường xuyên chỉ còn 51%, đã tiết kiệm được 3 nghìn tỷ đồng chi thường xuyên, dành cho chi đầu tư", ông Chu Ngọc Anh báo cáo thêm.

Bên cạnh đó, thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 180 nghìn lao động, đạt 116% kế hoạch năm.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng cho biết, trong bối cảnh đặc biệt, sau đợt dịch đầu tiên được kiểm soát, Hà Nội đã triển khai hội nghị đầu tiên trong cả nước với 540 doanh nghiệp và trao quyết định chủ trương đầu tư cho 229 dự án, tổng số vốn tương đương 17,6 tỷ USD. Tổng số dự án và số vốn cao gấp 5 lần và 11 lần tương ứng so với năm 2016. Thành phố đã cùng các nhà đầu tư ký 39 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tưu là 28,6 tỷ USD.

Hà Nội cũng đã thúc đẩy nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, môi trường, xử lý các vấn đề an sinh bức xúc tồn đọng kéo dài nhiều năm, tạo chuyển biến tích cực trên địa bàn. Nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng được đưa vào sử dụng hiệu quả. Những công trình giao thông gây bức xúc như Công trình 8B Lê Trực, khu xử lý chất thải rắn Nam Sơn, đường sắt Cát Linh – Hà Đông, đã được thành phố xử lý với kết quả cụ thể, được cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Năm qua, trên địa bàn thành phố, số doanh nghiệp thành lập mới, đầu tư vốn nước ngoài tăng, khoảng 4 tỷ USD so với cả nước là 26,5 tỷ USD.

Đặc biệt năm 2020, Thành phố đã ủng hộ các tổ chức, cá nhân phòng chống dịch Covid-19 243 tỷ đồng; ủng hộ khắc phục hậu quả lũ lụt là hơn 118 tỷ đồng.

"Tới đây, Hà Nội thực hiện năm chủ đề “kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo và phát triển” với 23 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, trong đó phấn đấu tăng trưởng GRDP 7,5%, cao hơn so với cả nước. Ngay từ ngày đầu tháng đầu của năm 2021, thành ủy sẽ triển khai thực hiện Nghị quyết số 01, 02 của Chính phủ bằng chương trình hành động trên địa bàn thành phố", ông Chu Ngọc Anh cho hay.

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2020, TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng 1,39% so cùng kỳ

Tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2020, TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện phòng, chống đại dịch Covid-19, tích cực sáng tạo triển khai, xây dựng kịch bản ứng phó dịch bệnh.

Thành phố đã kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp ngăn đà phá sản, duy trì sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội dưới tác động của dịch bệnh. Kịp thời hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn, đảm bảo thực hiện 100% kế hoạch đề ra với số tiền hơn 600 tỷ đồng, xử lý nhanh hơn 8.800 tỷ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp, hơn 200 tỷ đồng gia hạn thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho các hộ kinh doanh.

Ông Nguyễn Thành Phong cũng cho biết, tăng trưởng kinh tế đã đạt kết quả tích cực, tăng trưởng 1,39% so cùng kỳ. Trong đó cả 3 khu vực đều tăng trưởng dương. Xuất khẩu đạt hơn 44 tỷ USD, thu hút đầu tư nước ngoài đạt hơn 4 tỷ USD. Có hơn 40 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 1 triệu tỷ đồng. Thành phố cũng có hơn 8 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Thu ngân sách năm 2020 dự kiến đạt 352 nghìn tỷ đồng, đạt 86,7% so với dự toán. “Dù năm 2020 chịu tác động của đại dịch nhưng tính chung giai đoạn, tỷ trọng thu nội địa trên địa bàn đã tăng từ 62,1% lên hơn 67,6%, cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế tiếp tục có hiệu quả và sức mạnh nội tại của kinh tế thành phố ngày càng tăng”, ông Phong vui mừng báo cáo.

“Thành phố xác định năm 2021 là năm xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ đó là kiểm soát tốt lây nhiễm và triển khai có hiệu quả các chương trình kinh tế, huy động hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh chuyển đổi số… Thành phố đã xây dựng kế hoạch với 20 chỉ tiêu và 9 nội dung trọng tâm”, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong báo cáo với Hội nghị.

Tại tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch UBND Nguyễn Tường Văn, năm 2020, tỉnh quyết tâm thúc đẩy đầu tư công với phương châm lấy đầu tư công để dẫn dắt môi trường đầu tư, cùng với đó là tập trung gỡ mọi khó khăn cho doanh nghiệp.

Năm 2021, Quảng Ninh xác định tiếp tục giữ là địa phương an toàn và phát triển trong tình hình mới, phấn đấu tăng trưởng ít nhất 10%.

Tại điểm cầu Hải Phòng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, trong năm 2020, Thành phố đã thực hiện thắng lợi nhiệm kép vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân.

“Thành phố đã kiểm soát, khống chế được dịch bệnh, không có ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng. Đồng thời, tăng trưởng kinh tế thành phố vẫn duy trì ở mức cao. Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu như chỉ số sản xuất công nghiệp, thu nội địa, kim ngạch xuất khẩu, sản lượng hàng qua cảng, tổng vốn đầu tư phát triển tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ”, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng nói.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, TP. Hải Phòng đã triển khai gói an sinh xã hội hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Văn Tùng, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP tăng 11,22% so với năm 2019, bình quân 5 năm tăng gần 14%/năm, vượt kế hoạch đề ra; tổng thu ngân sách năm 2020 đạt gần 86.000 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,22%.

Về kế hoạch năm 2021 và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, thành phố đã xây dựng 2 kế hoạch trên với các chỉ tiêu cao hơn so với năm 2020 và bám sát các mục tiêu trong Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 là 13,5%; GRDP bình quân 5 năm là 14,5%/năm.

Tại điểm cầu TP. Đà Nẵng, Chủ tịch UBND Thành phố Lê Trung Chinh cho biết, năm 2020, Thành phố Đà Nẵng đối mặt với rất nhiều những khó khăn, thử thách nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã quyết liệt, đồng lòng trong công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai hiệu quả một số công việc quan trọng.

Năm 2021, Đà Nẵng sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa khôi phục, phát triển kinh tế; kịp thời thực hiện các giải pháp phát triển nguồn thu, phấn đấu thu ngân sách đạt kết quả cao nhất. Đồng thời, Đà Nẵng sẽ tập trung chỉ đạo xử lý các điểm nghẽn trong thủ tục đầu tư, xây dựng cơ bản, công tác giải tỏa, đền bù, bàn giao mặt bằng triển khai dự án, nhất là các công trình trọng điểm; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu hoàn thành giải ngân vốn xây dựng cơ bản năm 2021 theo kế hoạch đề ra.

Tại điểm cầu tỉnh Ninh Thuận, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam nhấn mạnh, năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình đại dịch Covid-19 có thể kéo dài, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục bám sát và triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương mới của Chính phủ, phát huy những thành tựu quan trọng đạt được trong nhiệm kỳ qua, cùng với tiếp tục khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế; các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ Tỉnh và những đột phá trong lĩnh vực kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; thực hiện phương châm hành động của năm 2021 của Chính phủ là "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, khát vọng phát triển" và phương châm hành động năm 2021 của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận là "Đoàn kết - Sáng tạo - Kỷ cương - Phát triển – Tăng tốc - Hiệu quả”.

Đối với TP. Cần Thơ, ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, địa phương thống nhất cao với nhận định, đánh giá tại các Báo cáo của Chính phủ. Năm 2020, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, hiệu quả trong công tác phòng chống Covid-19; hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn bằng các chính sách và gói hỗ trợ. Ngoài ra, Chính phủ đã triển khai các chính sách kích cầu trong kinh tế, trong chỉ đạo điều hành giải ngân vốn xây dựng cơ bản; trong phòng chống, khắc phục thiên tai, hạn mặn, lũ lụt, hạn hán…

Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện một số chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp như ưu đãi về thuế, giãn thuế..., sớm ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Đối với tỉnh Đồng Tháp, Chủ tịch UBND Phạm Thiện Nghĩa, trong bối cảnh hết sức khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ thị và chỉ đạo các cấp, các ngành quyết tâm thực hiện vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân. Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.

Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, nhiệm kỳ 5 năm (2021 - 2025), Đồng Tháp đề ra 19 chỉ tiêu phấn đấu; trong đó, tăng trưởng kinh tế phấn đấu đạt 7,5%/năm và năm 2021 đạt 7,0%.

“Dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đồng Tháp vẫn kiên định mục tiêu không chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng bằng mọi giá mà tập trung phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập cho người dân, đồng hành cùng doanh nghiệp, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nói/.