Ngành chăn nuôi ở nước ta những năm gần đây đã và đang phát triển nhanh chóng về cả chất lượng và quy mô. Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2014, ngành chăn nuôi đạt mức tăng trưởng cao khoảng 3% so với 1,9% năm 2013. Tuy nhiên, việc quản lý và sử dụng các nguồn chất thải từ chăn nuôi còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện nay ước tính có khoảng trên 10 triệu người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Bình quân mỗi cán bộ bảo vệ thực vật phải kiểm tra, giám sát hướng dẫn cho khoảng trên 3.000 người sử dụng thuốc. Với lực lượng cán bộ mỏng như vậy, người phun thuốc rất ít có cơ hội tiếp cận để được tư vấn, hướng dẫn.

Trong khi đó, thuốc lại được buôn bán rộng khắp đến tận thôn, ấp. Vì lợi nhuận, người bán thuốc thường tư vấn để bán được nhiều thuốc dẫn đến tình trạng sử dụng quá mức, pha trộn nhiều loại thuốc diễn ra phổ biến.

Ngoài ra, việc người dân sử dụng không đúng cách thuốc bảo vệ thực vật, chai, lọ đựng thuốc vứt bừa bãi… cũng đã để lại gánh nặng cho môi trường ở nông thôn với nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng.

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật là phổ biến, có đến 80% lượng thuốc phun chưa đúng đối tượng, dẫn đến tăng chi phí sản xuất, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do người chăn nuôi, trồng trọt chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc xử lý nguồn chất thải; kinh phí phục vụ cho việc xử lý chất thải còn thấp; luật xử lý chất thải còn chưa đồng bộ và khó áp dụng... nên người dân ở nông thôn đang phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường do thuốc trừ sâu, rác thải nông nghiệp và đặc biệt là chất thải từ chăn nuôi. Việc xử lý ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp là việc làm cần thiết và trước mắt cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực.

Xuất phát từ thực thạng trên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương kiểm tra, đánh giá, báo cáo thực trạng ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn và trong sản xuất nông nghiệp.

Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tập trung vào các lĩnh vực: chăn nuôi (nhất là chăn nuôi lợn) và giết mổ tập trung gia súc, gia cầm; sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản; phân tích sâu sắc thực trạng, nguyên nhân, vướng mắc, kiến nghị các giải pháp cần thiết, từng bước giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn hiện nay.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy ý kiến tham gia của các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; hoàn thiện dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực: chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản với nội dung cụ thể, rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, gắn với đặc thù từng vùng sản xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.