Các hồ thủy điện đã vận hành an toàn và tuân thủ quy trình vận hành

Năm 2020 trên địa bàn cả nước có 429 công trình thủy điện đã được đưa vào vận hành khai thác (trong đó có 18 hồ chứa thủy điện quan trọng đặc biệt, 158 hồ lớn, 253 hồ vừa và nhỏ).

Các hồ chứa thủy điện với tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3 chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa trên địa bàn cả nước đã góp phần quan trọng vào việc: (i) Cắt/giảm/làm chậm lũ cho hạ du góp phần vào việc làm giảm thiểu thiệt hại do lũ gây ra; (ii) Cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất... trong mùa cạn góp phần vào việc bảo đảm an ninh lương thực; trật tự, an toàn xã hội... khu vực hạ du hồ chứa. Các hồ chứa thủy điện có tổng công suất lắp đặt của các nhà máy thuỷ điện trong hệ thống điện quốc gia 20.568 MW, chiếm tỷ trọng khoảng 37% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia.

Hồ chứa thủy điện ngoài nhiệm vụ là phát điện đảm bảo an ninh cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, còn phải đảm bảo hài hòa các lợi ích về kinh tế - môi trường - xã hội khác như đảm bảo dòng chảy tối thiểu, phối hợp với các hồ chứa thủy lợi cấp nước cho nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, nông nghiệp và sản xuất của nhân dân vùng hạ du trong mùa kiệt, đảm bảo an toàn công trình và góp phần giảm lũ cho hạ du trong thời kỳ mùa lũ.

Trong thời gian qua, đặc biệt trong tháng 10 năm 2020 do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, khu vực miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Quảng Quảng Ngãi) bị ảnh hưởng liên tiếp của bão và ấp thấp nhiệt đới đã gây ra những đợt mưa lớn kéo dài, tổng lượng mưa phổ biến trên 1000 mm. Riêng tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế lượng mưa đạt tới 2.500 mm vượt lũ lịch sử năm 1999. Một số trạm mưa đặc biệt lớn như: Hướng Linh (Quảng Trị): 3.337 mm, Bạch Mã (Thừa Thiên Huế): 3.025 mm. Mưa đặc biệt lớn và kéo dài là nguyên nhân chính đã gây nên lũ lớn, ngập lụt trên diện rộng nhiều khu vực tại các tỉnh miền Trung làm thiệt hại rất lớn về người và tài sản của nhân dân, cũng như các công trình hạ tầng trong khu vực. Tuy nhiên, các hồ thủy điện đã vận hành an toàn và tuân thủ quy trình vận hành (liên hồ, đơn hồ) được cấp thẩm quyền phê duyệt, không gây tác động bất lợi cho hạ du.

Đặc biệt, một số hồ thủy điện lớn đã cắt, giảm lũ cho hạ du với lưu lượng xả qua công trình/Lưu lượng đỉnh lũ về hồ như sau: Quảng Trị là 1.130/1.426 m3/s; Hương Điền là 2.500/4.552 m3/s; Bình Điền là 1.873/3.248 m3/s; Sông Bung 4 là 1.379/2.406 m3/s; Sông Tranh 2 là 1.501/1.884,8 m3/s. Đặc biệt do ảnh hưởng của bão số 9, ngày 28/10/2020 hồ Đăk Mi 4 đã cắt được trận lũ rất lớn với lưu lượng đỉnh lũ 15.571,47 m3/s về hồ và lưu lượng qua tràn 7.070 m3/s (cắt được 55%).

Trong quá trình vận hành, các nhà máy thủy điện đã phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với ngành nông nghiệp, các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, các cơ quan tại địa phương, thực hiện tốt đồng thời nhiệm vụ phát điện và nhiệm vụ cấp nước cho hạ du mùa khô, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện; đặc biệt trong quá trình điều tiết hồ mùa lũ đã giảm/cắt lũ, giảm thiệt hại cho hạ du.

Chỉ đạo, tuyên truyền, nâng cao năng lực ứng xử với lũ, lụt

Trong thời gian tới, để vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện, góp phần giảm nhẹ ảnh hưởng thiên tai, Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị quản lý vận hành các hồ chứa thủy điện cần thực hiện nghiêm các yêu cầu của Quy trình liên hồ và Quy trình đơn hồ đã được phê duyệt; tuân thủ và vận hành theo các mực nước khống chế trong Quy trình như mực nước trước lũ, đón lũ, mực nước an toàn công trình và mực nước tối thiểu tại các thời điểm… đồng thời, quan trắc, thu thập thông tin khí tượng thủy văn chuyên dùng phục vụ vận hành hồ chứa theo đúng quy định.

Rà soát, bảo dưỡng, lắp đặt bổ sung hệ thống cảnh báo vận hành điều tiết hồ chứa. Công tác phối hợp với chính quyền địa phương trước hết phải xây dựng Quy chế phối hợp theo quy định tại quy trình vận hành liên hồ và đơn hồ, thống nhất với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh và các cơ quan đơn vị liên quan để thực hiện.

Nâng cao chất lượng truyền hình ảnh camera giám sát việc xả nước và truyền tín hiệu hình ảnh có chất lượng cao, có thể nhìn thấy được: các cột thuỷ chí thượng và hạ du đập, cửa van cung, đập tràn ..., truyền tín hiệu về các cơ quan liên quan; phối hợp, hỗ trợ tăng cường tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ các cấp về vận hành hồ chứa nước cũng như cộng đồng dân cư vùng hạ du; tham gia diễn tập ứng phó sự cố hồ chứa nước.

Chủ động tuyên truyền, giải thích và thông báo việc vận hành hồ chứa trước và trong quá trình vận hành theo quy định.

Phối hợp địa phương giải quyết dứt điểm hiện tượng vi phạm hành lang bảo vệ hồ chứa và vùng phụ cận bảo vệ đập, hành lang thoát lũ của công trình, phương án bảo vệ mốc giới; tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân ở khu vực hạ du về các quy định an toàn trong khu vực hành lang thoát lũ cũng như thông tin và điều lệnh phòng, chống lụt bão.

Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh cần giải quyết dứt điểm hiện tượng vi phạm hành lang thoát lũ của công trình; tăng cường năng lực và trang thiết bị, cơ sở vật chất cho cơ quan Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp ở địa phương để tăng hiệu quả trong phối hợp vận hành các công trình thủy điện; chỉ đạo các cơ quan Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ở địa phương chủ động hơn nữa trong việc tham gia, phối hợp điều hành các hồ chứa thủy điện để đảm bảo an toàn đập, hồ chứa và hạ du trong mùa mưa bão.

Tiếp tục chỉ đạo rà soát, tổng hợp để kiến nghị điều chỉnh hoặc chủ động phê duyệt điều chỉnh những nội dung chưa hợp lý trong quy trình vận hành các hồ chứa để phù hợp với pháp luật hiện hành, điều kiện khí tượng, thủy văn, địa hình, hành lang thoát lũ, dân sinh, kinh tế...vùng hạ du đập.

Chỉ đạo, tuyên truyền, nâng cao năng lực ứng xử với lũ, lụt, sự phối hợp của nhân dân và các đơn vị chức năng ở hạ du; xây dựng bản đồ ngập lụt ở hạ du. Tăng cường hơn nữa nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan nhà nước ở địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện và tuân thủ các quy định của pháp luật về: đảm bảo an toàn đập, quy trình vận hành hồ chứa; tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành để thực hiện tốt công tác quản lý vận hành và khai thác các công trình thủy điện. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về vận hành theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, Bộ Công Thương trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện và tuân thủ các quy định của pháp luật về: đảm bảo an toàn đập, quy trình vận hành hồ chứa; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành để thực hiện tốt công tác quản lý vận hành và khai thác các công trình thủy điện. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về vận hành theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, chỉ đạo các chủ hồ rà soát, điều chỉnh Quy trình vận hành hồ chứa thuỷ điện, phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp; Theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn và phối hợp với các cơ quan có liên quan để vận hành hồ chứa theo đúng quy trình, bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du; Kiểm tra hệ thống thông tin cảnh báo an toàn hạ du khi các hồ chứa xả điều tiết qua tràn; Xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập theo quy định.

Tiếp tục tổ chức hội nghị phổ biến, hướng dẫn thực hiện cho các chủ đập thuỷ điện về các quy định pháp luật về quản lý an toàn, vận hành các công trình thuỷ điện, đặc biệt là những kỹ năng xử lý trong các tình huống khẩn cấp để đảm bảo vận hành an toàn hồ đập và hạ du.

Tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đập, hồ chứa thủy điện, áp dụng công nghệ trong việc giám sát quá trình vận hành của các công trình thủy điện; Xây dựng phương pháp và hướng dẫn kỹ thuật đánh giá an toàn đập thuỷ điện./.