Theo lãnh đạo Vụ Kế hoạch – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công tác nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao giống cây trồng vật nuôi thời gian qua đã tạo ra hàng trăm bộ giống đa dạng áp dụng trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của ngành nông nghiệp; nâng cao thu nhập nông dân và tăng trưởng của ngành.

Hiện nay, ở Việt Nam đã có nhiều cơ sở nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất giống cây trồng, vật nuôi phát triển mạnh. Hệ thống cơ sở nghiên cứu giống gồm: Các viện, trường, trung tâm giống của các tỉnh, các cơ sở nghiên cứu giống thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương.

Trong 04 năm qua, các dự án giống được đầu tư qua Bộ là 786,8 tỷ đồng; các địa phương đầu tư 1.400 tỷ đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhà nước; doanh nghiệp cổ phần, tư nhân; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng đã tham gia vào hệ thống cơ sở nghiên cứu giống.

Vai trò của doanh nghiệp trong sản xuất, nghiên cứu và phổ biến giống mới vào thực tiễn được thể hiện rõ nét. Cụ thể, trong 48 giống lúa được công nhận, có 61% giống do doanh nghiệp và các Trung tâm giống nghiên cứu chọn tạo; 19/26 giống ngô được công nhận do doanh nghiệp chọn tạo.

Các doanh nghiệp sản xuất khoảng 50% giống lúa tiến bộ kỹ thuật, 70% giống ngô lai, 60% bầu chè, 70% cây giống phục vụ trồng rừng, 60% giống gà, 84% giống vịt, 90% giống thủy sản... cung cấp cho sản xuất đại trà.

Mặc dù hệ thống sản xuất giống nhiều, nhưng năng lực vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu câu cho sản xuất hàng hóa, hướng mạnh ra xuất khẩu. Các đề tài nghiên cứu chọn tạo giống chủ yếu tập trung vào các cây trồng, vật nuôi ngắn ngày, còn cây dài ngày chưa được quan tâm đúng mức, một số đối tượng còn bỏ trống. Số lượng giống được công nhận nhiều nhưng giống chất lượng và giá trị thương mại cao chưa nhiều.

Thêm vào đó là quá trình chuyển giao giống mới vào sản xuất còn thiếu sự gắn kết giữa các viện nghiên cứu với các đơn vị sản xuất giống, nhất là doanh nghiệp.

Trên thực tế, doanh nghiệp là cầu nối tiếp nhận giống mới từ các viện nghiên cứu để sản xuất giống thương phẩm cung cấp cho sản xuất đại trà, nhưng thời gian vừa qua liên kết này còn thiếu chặt chẽ. Vai trò của doanh nghiệp trong chuyển giao giống mới vào sản xuất chưa được phát huy, mặc dù hiện nay doanh nghiệp là những đơn vị chủ lực cung cấp giống cho sản xuất. Công tác quản lý nhà nước về giống còn nhiều bất cập.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, việc nghiên cứu chọn tạo giống đã được quan tâm, Nhà nước đã cố gắng huy động nguồn lực để đầu tư cho các viện nghiên cứu, các trường để chọn tạo ra giống với phẩm chất ngày càng tốt hơn.

Trên thực tế, nhiều loại giống đạt được mục tiêu đó, tuy nhiên, do năng lực của hệ thống nghiên cứu, cũng như nguồn lực đầu tư còn có hạn, nên nhiều loại giống cây trồng vật nuôi chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Các doanh nghiệp có vai trò quan trọng, tiềm năng to lớn để tham gia chọn tạo những giống tốt, nhân giống để thương mại hóa, công nghiệp hóa ngành giống. Tuy nhiên, họ cũng chưa được tạo điều kiện để phát triển từ phía Nhà nước.

Vừa qua, Chính phủ đã có chương trình giống, song, sự hỗ trợ chương trình giống mới tập trung vào các cơ sở nghiên cứu chọn tạo sản xuất giống của nhà nước, vốn của ngân sách chủ yếu đầu tư vào các viện nghiên cứu, các trường... Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trương nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ những chính sách để tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và sản xuất giống.

Tại Hội nghị, đại diện nhiều doanh nghiệp đã đề xuất kiến nghị để nâng cao công tác giống cây trồng vật nuôi. Theo ông Trần Mạnh Báo - Tổng giám đốc Công ty giống cây trồng Thái Bình, Nhà nước cần tạo điều kiện và giúp đỡ các doanh nghiệp nghiên cứu khoa học, không phân biệt giữa cơ sở Nhà nước với doanh nghiệp. Nhà nước cũng cần sớm xây dựng Luật về Giống cây trồng và đổi mới thủ tục công nhận và phát triển giống mới. Bên cạnh đó, cần xây dựng chiến lược phát triển ngành giống nông nghiệp Việt Nam, trong đó xác định vai trò vị trí của các chủ thể hoạt động trong lĩnh vực này, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và sở hữu trí tuệ.

Đối với Công ty Cổ phần Thủy sản Việt Úc, cũng có kiến nghị, Nhà nước, Chính phủ cần tạo điều kiện hình thành tại nước ta những tập đoàn mạnh về sản xuất giống thủy sản để có thể vươn ra cạnh tranh với thị trường thế giới; xây dựng được những thương hiệu mạnh để phát triển bền vững. Đồng thời tạo "sân chơi" lành mạnh với hệ thống pháp lý, các chuẩn mực theo yêu cầu của thị trường nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh và phát triển. Cần xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề phát sinh kịp thời và giứ vững định hướng phát triển của ngành.

Với Công ty cổ phần giống cây trồng miền Nam, ông Hàng Phi Quang cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động nguồn lực của các doanh nghiệp, cá nhân, nhà đầu tư trong và ngoài nước triển khai hoạt động chọn tạo giống nhằm tạo ra những giống cây trồng mang tính đột phá, đem lại hiệu quả cho đất nước. Ngoài ra, cần tạo điều kiện thông thoáng và đơn giản thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, tăng cường tính tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp và người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước về sản phẩm của mình để đẩy mạnh tự do kinh doanh./.