Thực hiện tốt Năm doanh nghiệp 2014

Theo báo cáo của UBND TP. Đà Nẵng, năm 2014, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) của Thành phố ước đạt 41.714 tỷ đồng, tăng 9,28% so với năm 2013. Đây là mức tăng hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế đang còn những khó khăn nhất định.

Trong 11 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được HĐND Thành phố thông qua, có 10/11 chỉ tiêu ước đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Nhìn chung, Đà Nẵng đã đạt được một số kết quả nổi bật, như: thu ngân sách vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra 6,08%; Đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, khánh thành đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính thành phố, đường Vành đai phía Nam; Cơ bản giải quyết xong nợ đất tái định cư từ năm 2014 trở về trước; Chương trình nông thôn mới đạt kế hoạch đề ra; Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 29-CT/TU và đạt các kết quả quan trọng bước đầu; An ninh chính trị và trật tự xã hội được giữ vững, đặc biệt không để xảy ra điểm nóng trong điều kiện biến động do tình hình biển Đông.

Đặc biệt, thực hiện chủ trương “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”, Thành phố đã ban hành các chương trình, chính sách và chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Chương trình hoạt động “Năm doanh nghiệp 2014”, trong đó tập trung đẩy mạnh thực hiện 6 giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp.

Đà Nẵng đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều hoạt động. Điển hình như: Tổ chức gặp mặt 200 doanh nghiệp tiêu biểu có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; tôn vinh các doanh nghiệp đóng góp hiệu quả cho ngành du lịch thành phố năm 2013.

Việc tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu các sản phẩm của thành phố Đà Nẵng đạt được kết quả tốt với 10 biên bản ghi nhớ được ký kết. Xây dựng phương án thiết kế Phố chuyên doanh, thí điểm tại tuyến đường Lê Duẩn, vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng.

Thành phố cũng cấp 120 tỷ đồng vốn ủy thác cho Quỹ Đầu tư Phát triển thành phố và 50 tỷ đồng vốn điều lệ cho Quỹ bão lãnh tín dụng DNNVV.

Hỗ trợ sản xuất sản phẩm lưu niệm cho 06 doanh nghiệp, kinh phí trên 200 triệu đồng; xây dựng Đề án “Phát triển doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng đến năm 2020” và gặp gỡ, đối thoại trực tiếp, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Tổ chức giao lưu trực tuyến nhằm hỗ trợ người nộp thuế trong việc quyết toán thuế năm 2013 và giải đáp các vướng mắc trong quá trình thực thi chính sách thuế; đã trực tiếp giải quyết các đề xuất cụ thể của gần 100 doanh nghiệp trên các lĩnh vực đất đai, tài chính, thuế…

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng đã xây dựng và thực hiện Chương trình hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng và giảm lãi suất cho vay, kể cả các khoản vay cũ về mức dưới 13%/năm.

Để hoàn thành kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015

Năm 2015, Thành phố đã đề ra những chỉ tiêu cơ bản, như: Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) tăng khoảng 9%-10% so với ước thực hiện 2014 (cả nước tăng khoảng 6-6,2%); Tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 9%-10% so với dự toán thu năm 2014; Không còn hộ nghèo theo chuẩn mới thành phố…

Bởi vậy, Thành phố cần tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, hỗ trợ tiếp cận vốn vay ngân hàng cho các doanh nghiệp. Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, không để nợ đọng xây dựng cơ bản trong các doanh nghiệp; đầu tư hoàn thiện các công trình kết cấu hạ tầng chủ yếu, các dự án và công trình trọng điểm phục vụ phúc lợi và an sinh xã hội… Cụ thể:

Về dịch vụ: Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển dịch vụ thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 nhằm xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm thương mại, dịch vụ chất lượng cao của khu vực và cả nước. Tập trung phát triển các ngành, sản phẩm dịch vụ có lợi thế cạnh tranh, phấn đấu giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 11-12%.

Về phát triển sản xuất công nghiệp, xây dựng: Thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất - kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực, có giá trị lớn, đóng góp nhiều cho ngân sách, sản phẩm xuất khẩu của thành phố. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có sản phẩm đạt chất lượng tham gia vào các công trình trên địa bàn. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn vốn phục vụ việc phát triển sản xuất, kinh doanh.v.v..

Về phát triển sản xuất thủy sản - nông – lâm: Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân của thành phố và tập trung triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển thủy sản, tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu thủy sản. Đẩy mạnh phát triển khai thác xa bờ, chuyển đổi cơ cấu tàu thuyền, cơ cấu nghề khai thác theo hướng bền vững, đảm bảo vừa phát triển kinh tế, gắn với bảo vệ môi trường, nguồn lợi và an ninh quốc phòng vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Về tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước; mở rộng hợp tác và tích cực hội nhập quốc tế: Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Tập trung cải thiện và duy trì thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố (PCI) trong đó lưu ý một số chỉ số thành phố còn thấp như: gia nhập thị trường, đào tạo lao động, hỗ trợ doanh nghiệp...; Chỉ số cải cách hành chính (PAR); Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT)... để thu hút đầu tư và xã hội hóa hoạt động đầu tư. Ban hành chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục, dạy nghề, văn hóa, thể thao, giám định tư pháp trên địa bàn thành phố.

Về thực hiện tốt công tác quản lý đầu tư, quản lý quy hoạch, đô thị: Triển khai và thực hiện có hiệu quả Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 2537/QĐ-TTg ngày 04/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ và đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chương trình hành động số 18-CTr/TU của Thành ủy Đà Nẵng về “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”. Tiếp tục tăng cường quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện điều chuyển, giảm, giãn tiến độ, chuyển đổi hình thức đầu tư một số công trình, dự án để làm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Các chương trình thành phố “5 không”, thành phố “3 có”: Tiếp tục xây dựng, triển khai các kế hoạch mới thực hiện nội dung Chương trình ‘‘thành phố 5 không” và ‘‘Thành phố 3 có”. Tập trung nguồn lực đầu tư giảm nghèo bền vững, kết hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể thuộc đề án “Có việc làm”, “Có nhà ở”. Phấn đấu cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới thành phố còn 0,99%. Tích cực đấu tranh ngăn chặn các tệ nạn xã hội, nhất là ma túy, mại dâm, tiếp tục thực hiện mục tiêu “Không có người nghiện ma tuý trong cộng đồng”.

Đặc biệt, để thực hiện thắng lợi kế hoạch hành động “Năm văn hóa, văn minh đô thị Đà Nẵng 2015”, Thành phố cần bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể làm nên “linh hồn” của văn hóa Đà Nẵng. Bên cạnh đó, cần có trách nhiệm phải phát triển văn hóa trong ứng xử, giao tiếp có văn hóa của con người Đà Nẵng trên mọi mặt của đời sống xã hội. Phát triển văn hóa Đà Nẵng còn phải đi liền với việc bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại đi đôi với việc giáo dục, tuyên truyền và định hướng để người dân. Phát triển, đầu tư cho văn hóa cũng chính là làm thế nào để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho chính những người làm văn hóa.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cao chất lượng Đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị”; duy trì và tổ chức tốt các lễ hội văn hóa và sự kiện thể thao; gắn hoạt động văn hóa với phát triển du lịch và các lĩnh vực kinh tế. Với Đà Nẵng, “văn hóa” đã, đang và sẽ phải đi liền với “văn minh đô thị”. Đây là những thành tố quan trọng không thể tách rời vì Đà Nẵng đang vươn mình trở thành đô thị hiện đại mang tính kiểu mẫu./.