Phát biểu tại Hội nghị toàn thể thường niên Chương trình hỗ trợ quốc tế (ISG) 2014 với chủ đề: “Thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản: cơ hội và thách thức”, ngày 09/12, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, nhấn mạnh, công nghiệp chế biến là một nội dung quan trọng của Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp.

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực hỗ trợ các hộ gia đình nông dân phát triển sản xuất và hầu hết các loại nông sản chính đã tăng mạnh về số lượng và chất lượng đã được cải thiện.

Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 30 tỷ USD các loại nông, lâm, thủy sản. Nhưng phần lớn trong số đó được xuất khẩu dưới dạng thô.

Vì vậy, việc phát triển chế biến là yêu cầu cấp thiết để nâng cao giá trị gia tăng, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, đây còn là động lực quan trọng để hỗ trợ và thúc đẩy phát triển sản xuất trên đồng ruộng. Chủ trương đã có nhưng vấn đề đặt ra là thực hiện giải pháp như thế nào để có hiệu quả cao hơn.

Theo ông Trần Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối, chế biến nông sản chiếm một tỷ trọng đáng kể trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, khoảng 20% GDP. Với mức tăng trưởng khá (ở mức 7,44%) đã tác động tích cực đến mức tăng GDP chung của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có mức tăng trưởng cao, năm 2013 đạt 27,7 tỷ USD, tăng 3,4 lần so với năm 2005.

Chế biến nông sản công nghiệp đã thu hút khoảng 1,5 triệu lao động trực tiếp, với mức thu nhập bình quân khoảng 3,5 triệu/tháng và hàng chụ triệu lao động sản xuất nguyên liệu và dịch vụ, góp phần to lớn vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa và xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, hiện nay sự phát triển của ngành chế biến nông, lâm, thủy sản chưa tương xứng với tiềm năng, mà điển hình là năng lực cạnh tranh kém, nhiều sản phẩm có vị thế cao trên thị trường (về số lượng), song tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu ở phân khúc giá trị gia tăng thấp.

Vì vậy, để đẩy mạnh phát triển lĩnh vực chế biến nông sản, ông Thừa cho rằng, rất cần sự quan tâm, đầu tư của các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Việc đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng chế biến tinh, chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đồng thời bảo vệ môi trường của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực này là một ưu tiên hàng đầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đưa ra những kiến nghị để các doanh nghiệp có thể tham gia sâu hơn vào công nghiệp chế biến. Theo ông Seok Jung Choi – Giám đốc phát triển kinh doanh, Tập đoàn CJ Việt Nam, Việt Nam cần tiếp tục minh bạch và đơn giản hóa thủ tục hành chính để các doanh nghiệp dễ dàng hình thành dự án và triển khai. Cần quan tâm, hỗ trợ đến các doanh nghiệp, tổ chức nông dân.

Bên cạnh đó, cần tăng cường nghiên cứu và chuyển giao công nghệ để nông sản Việt Nam đáp ứng yêu cầu chất lượng của thị trường, trong đó có thị trường quốc tế.

Đối với đại diện VASEP cho rằng, phải quan tâm đến công tác xúc tiến thương mại, bảo vệ thị trường, chống lại hành vi gian lận thương mại, cạnh tranh không bình đẳng. Tiếp tục cải thiện điều kiện về cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nội địa, không có khả năng tiếp cận vốn tín dụng quốc tế.

Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, phát triển chế biến đồng nghĩa với sự khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này; phát triển chế biến cũng đồng nghĩa với tạo môi trường thuận lợi hơn để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Vì vậy, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chỉ đạo của Chính phủ đang nỗ lực rà soát lại cơ chế, chính sách để cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến nông sản nói riêng./.

Hội nghị ISG là hội nghị thường niên tổ chức theo thông lệ từ năm 1998, đến nay là 16 năm liên tục. Diễn đàn là sáng kiến chung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các nhà tài trợ Quốc tế. Mục tiêu của diễn đàn là để Cơ quan Chính phủ Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trao đổi những chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam với cộng đồng quốc tế và các nhà tài trợ.