Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đồng ý chủ trương thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Theo quy định tại Khoản 5, Điều 35 Nghị định 29/2008/NĐ-CP, về nguyên tắc mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có một ban quản lý để quản lý các khu trên địa bàn (bao gồm: Khu công nghiệp, khu kinh tế).

Hiện nay, tỉnh Kiên Giang đã có Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, do tính đặc thù của đảo Phú Quốc nên cần thiết tổ chức 1 Ban quản lý riêng để tập trung quản lý có hiệu quả Khu kinh tế Phú Quốc.

Huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) thuộc vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, trung tâm khu vực Đông Nam Á, trên vành đai kinh tế biển Việt Nam-Campuchia-Thái Lan, diện tích tự nhiên hơn 593km2, bao gồm 27 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó lớn nhất là đảo Phú Quốc diện tích khoảng 567km2 được mệnh danh là đảo Ngọc.
Phú Quốc có dân số hơn 100.000 người và 10 đơn vị hành chính gồm hai thị trấn là Dương Đông, An Thới; tám xã Dương Tơ, Cửa Cạn, Gành Dầu, Cửa Dương, Bãi Thơm, Hòn Thơm, Hàm Ninh và Thổ Châu.
Huyện đảo Phú Quốc đang phát triển rất nhanh, nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và du lịch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 25%; bình quân thu nhập đầu người khá cao, hơn 3.416 USD/người/năm.
Nhiều dự án công trình hoàn thành đã đưa vào sử dụng, như: Sân bay Quốc tế Phú Quốc, bến cảng, đường điện cáp ngầm, hạ tầng giao thông, khách sạn...
Phú Quốc hiện có tỷ lệ nhà ở kiên cố khu vực nội thị đạt trên 70%. Hệ thống đường giao thông nội thị của huyện đảo dài hơn 60km.
Phú Quốc đang xây dựng quy chế quản lý kiến trúc toàn đô thị theo quy hoạch được duyệt và quy chế quản lý kiến trúc từng khu vực của đô thị.
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 80/2013/QĐ-TTg, ngày 27/12/2013 về việc ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc như các cơ chế chính sách đặc thù tập trung vào ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, xuất nhập cảnh, cư trú đi lại, lựa chọn tư vấn lập quy hoạch, đầu tư các công trình trọng điểm trên đảo Phú Quốc, sử dụng vốn đầu tư vào các công trình trọng điểm.
Tính từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc đã trình Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang chấp thuận chủ trương đầu tư cho 11 dự án với diện tích gần 121 ha; điều chỉnh 7 giấy chứng nhận đầu tư; cấp mới 22 giấy chứng nhận đầu tư với tổng diện tích hơn 643 ha với tổng số vốn 33.409 tỉ đồng. Hiện tổng số dự án trên địa bàn Phú Quốc là 194 dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương và được cấp giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực trong các khu quy hoạch với diện tích 8.530 ha.

Sau khi công bố Phú Quốc là đô thị loại 2, tỉnh Kiên Giang tiếp tục tiến hành các thủ tục để thành lập thành phố biển Phú Quốc trực thuộc tỉnh. Đây cũng là bước đi quan trọng trong lộ trình tiến tới thành lập đặc khu hành chính-kinh tế đặc biệt Phú Quốc trong thời gian tới.

Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang xây dựng Đề án thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc trên cơ sở tổ chức lại Ban Quản lý Đầu tư phát triển đảo Phú Quốc theo quy định tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, ngày 14/3/2008 quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế và Nghị định số 83/2006/NĐ-CP, ngày 17/8/2006 quy định trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính, tổ chức sự nghiệp nhà nước, trình Thủ tướng xem xét, quyết định./.